Khuyến nghị doanh nghiệp xu hướng mới trong phòng vệ thương mại ở Hoa Kỳ

18:07' - 25/06/2018
BNEWS Pháp luật và thực tiễn Hoa Kỳ về phòng vệ thương mại đã có một số thay đổi đáng kể, tác động trực tiếp tới xuất khẩu Việt Nam ở thị trường này.
Chế biến tôm xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Ảnh: TTXVN

Ngày 25/6 tại Hà Nội, Phòng Thương và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo "Xu hướng mới trong pháp luật và thực tiễn phòng vệ thương mại ở Hoa Kỳ: Cập nhận thông tin và khuyến nghị cho doanh nghiệp". Sự kiện thu hút đông đảo lãnh đạo của một số bộ, ngành, đại diện các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu và cộng đồng doanh nghiệp.

Đánh giá tổng quan về các biện pháp phòng vệ thương mại liên quan tới Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho rằng, thương mại toàn cầu đã và đang chứng kiến những biểu hiện về bảo hộ thương mại phức tạp, đặc biệt là ở một số thị trường lớn.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, cũng là thị trường chiếm tới 22% tổng số vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp mà hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt ở nước ngoài. Thời gian vừa qua, pháp luật và thực tiễn Hoa Kỳ về phòng vệ thương mại đã có một số thay đổi đáng kể, tác động trực tiếp tới xuất khẩu Việt Nam ở thị trường này.

"Hiện nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã và đang là đối tượng bị điều tra của 107 vụ việc chống bán phá giá và chống trợ cấp. Các vụ việc điều tra chống bán phá giá chủ yếu liên quan tới các sản phẩm công nghiệp, dệt may và kim loại... Hội nghị lần này là cơ hội tốt giúp doanh nghiệp và các cơ quan liên quan của Việt Nam cập nhật các thông tin mới nhất về pháp luật và thực tiễn các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp ở Hoa Kỳ, từ đó, có sự chuẩn bị và sẵn sàng tâm thế để hội nhập và để mạnh dạn bước chân ra sân chơi toàn cầu", bà Trang nhấn mạnh.

Đề cập tới một số xu hướng mới của Hoa Kỳ trong chính sách phòng vệ thương mại, ôngvà Daniel Calhoun, Luật sư trưởng, Vụ Thực thi và Tuân thủ (Bộ Thương mại Hoa Kỳ) cho biết, về cơ bản thì luật pháp quốc tế về vấn đề này vẫn được áp dụng như từ trước tới nay.

Mỗi quốc gia sẽ có những quy định riêng để thực thi chính sách này. Hiệp định của WTO về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ thì không thay đổi, cho dù gần đây, đàm phán Doha đang nỗ lực thay đổi một số nội dung có liên quan tới 3 hiệp định nói trên, nhưng chưa đạt được kết quả...

"Các vụ kiện chống bán phá giá thường có thời hạn rất ngắn, các yêu cầu về kỹ thuật lại cực kỳ phức tạp, trong khi, các doanh nghiệp Việt Nam lại không phải luôn luôn sẵn sàng cho các vụ kiện ở nước ngoài, chưa kể việc lạ nước lạ cái, thiếu sự hỗ trợ của luật sư, cùng với rất nhiều thứ khác, nên chuẩn bị được sớm ngày nào sẽ tốt ngày đó", bà Trang cho biết.

"Ngay ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức để có những hiểu biết nhất định về quy trình kiện, về những thị trường mà mình đang xuất khẩu để có sự chuẩn bị trước về kiến thức, về hồ sơ, chứng từ sổ sách sao cho minh bạch đàng hoàng, rõ ràng và phù hợp để đến khi cần thì có thể chứng minh được dễ dàng hơn.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cùng nên thường xuyên cùng với các đối tác nhập khẩu theo dõi sát các động thái từ phía Hoa Kỳ. Đây cũng là những bước chuẩn bị trước hoặc sẵn sàng cho những vụ kiện. Trong một số trường hợp hãn hữu thì vẫn có thể tránh được những vụ kiện nếu có thể trao đổi trước được với các nhà sản xuất tại nước sở tại...", bà Trang khuyến nghị./.

>>> Ban hành Nghị định quy định chi tiết về các biện pháp phòng vệ thương mại

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục