Kịch bản thắt chặt tiền tệ của Nhật Bản có thể bị xáo trộn

05:30' - 19/12/2023
BNEWS Trước thềm cuộc họp chính sách ngày 19/12 của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), các thị trường đặc biệt quan tâm vấn đề bao giờ BoJ sẽ rời khỏi chính sách lãi suất âm.

 

Với việc lạm phát và tăng lương ở Nhật Bản đang bước vào một chu kỳ tích cực được mong đợi từ lâu, thị trường tài chính đang dự đoán một số khung thời gian dự đoán BoJ sẽ từ bỏ chính sách lãi suất âm.

Tuy nhiên, tại các nền kinh tế tiên tiến khác, các ngân hàng trung ương đã bắt đầu xem xét cắt giảm lãi suất, điều này có thể làm phức tạp thêm kế hoạch thắt chặt chính sách của BoJ. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phát tín hiệu vào ngày 14/12 về việc có thể cắt giảm lãi suất ba lần vào năm 2024.

BoJ đang xác định thời điểm thích hợp để hành động. Ngân hàng này đánh giá tính bền vững của chu kỳ tích cực và khả năng của nền kinh tế chịu đựng việc tăng lãi suất. Thống đốc BoJ Kazuo Ueda đã phát biểu trước Quốc hội vào ngày 7/12 rằng việc quản lý chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo sẽ trở nên “thách thức hơn” từ nay đến năm sau.

Tuyên bố của ông đã gây ra phản ứng mạnh trên thị trường tài chính, họ coi lời nói của ông Ueda như một gợi ý về việc thoát khỏi chính sách lãi suất âm, có lẽ là trong tháng này.

BoJ đánh giá lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp thông qua khảo sát Tankan hàng quý, với báo cáo mới nhất cho thấy lòng tin đang tăng trong quý thứ ba liên tiếp. BoJ cũng khảo sát ý kiến từ các công ty lớn và nhỏ thông qua các chi nhánh BoJ trên toàn quốc, trong đó việc tăng lương là một trọng tâm đặc biệt.

 
Một đại diện doanh nghiệp ở khu vực Osaka cho biết: “Chúng tôi dự đoán rằng việc tìm kiếm công nhân sẽ trở nên khó khăn hơn. Chúng tôi muốn tăng lương vào năm tới, ít nhất là ở mức cao hơn năm nay”.

Những người suy đoán chính sách lãi suất âm sẽ kết thúc trong tháng 12/2023 cho rằng tính bền vững của chu kỳ tăng giá và tiền lương có thể được đánh giá mà không cần chờ kết quả của cuộc đàm phán lao động mùa Xuân hàng năm của Nhật Bản.

Thế nhưng quan điểm này vẫn thiểu số. Hầu như không có nhà phân tích thị trường nào cho rằng BoJ sẽ rút khỏi chính sách lãi suất âm trong cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày kết thúc vào ngày 19/12.

Kịch bản chính liên quan đến việc rút lui vào nửa đầu năm 2024, khi kết quả đàm phán lao động tại các công ty lớn được xác định. Tập đoàn sản xuất đồ uống Suntory Holdings cùng với một số công ty cho biết họ sẽ tăng lương khoảng 7%, trước khi diễn ra các cuộc đàm phán lao động.

Một người trong BoJ cho biết: “Nếu có thể, tôi mong muốn mức tăng lương sẽ vượt mức của năm nay”.

Năm 2023, các nhà tuyển dụng đã đồng ý tăng lương trung bình 3,58%, mức tăng cao nhất trong khoảng ba thập kỷ. Với dự báo tiền lương có thể tăng ở mức cao hơn vào năm 2024, hầu hết các nhà phân tích thị trường đều hình dung chính sách lãi suất âm sẽ kết thúc vào tháng 4/2024.

Tuy nhiên, việc đợi đến tháng 4/2024 sẽ làm tăng khả năng Mỹ hạ lãi suất trước thời điểm đó. BoJ có thể không muốn đi theo hướng ngược lại nếu các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu đặt việc cắt giảm lãi suất lên bàn đàm phán.

Trong bối cảnh đó, một số nhà phân tích dự đoán BoJ sẽ nâng lãi suất trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2024.

Khi ông Ueda bắt đầu giữ chức Thống đốc ngân hàng trung ương vào tháng 4/2023, ông đã nỗ lực tuyên bố mục tiêu đạt được tỷ lệ lạm phát ổn định ở mức 2% nhằm hỗ trợ cho việc tăng lương.

Từ quan điểm đó, BoJ sẽ trì hoãn cho đến khi xác nhận kết quả của các cuộc đàm phán lao động mùa Xuân, bao gồm cả các cuộc đàm phán ở các doanh nghiệp nhỏ. Viễn cảnh đó khiến việc thoát ra khỏi chính sách lãi suất âm vào nửa cuối năm 2024 cũng là một kịch bản thuyết phục.

Nếu được thực hiện, đây sẽ là lần tăng lãi suất đầu tiên của BoJ trong khoảng 17 năm. BoJ từng kết thúc chương trình nới lỏng định lượng vào tháng 3/2006 và tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 7/2006. Vào tháng 2/2007, BoJ đã nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản.

Một chuyên gia trong BoJ cho biết: “Việc kết thúc chính sách lãi suất âm sẽ là khởi đầu cho một chu kỳ thắt chặt”. BoJ là ngân hàng trung ương duy nhất trên thế giới có lãi suất âm, do đó, sự thay đổi sẽ đi đôi với việc tăng lãi suất nhiều lần.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu kinh tế Nhật Bản có thể chịu đựng một loạt đợt tăng lãi suất sau 1/4 thế kỷ nới lỏng tiền tệ hay không?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục