Kích thích kinh tế bằng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

09:19' - 03/12/2020
BNEWS Việt Nam đang tập trung nhiều giải pháp để thúc đẩy các hoạt động đầu tư công trong đó có việc tăng cường giải ngân vốn đầu tư công nhằm kích thích kinh tế.

Trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức về tăng trưởng kinh tế do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang tập trung nhiều giải pháp để thúc đẩy các hoạt động đầu tư công; trong đó có việc tăng cường giải ngân vốn đầu tư công nhằm kích thích kinh tế và trợ lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của đa phần các doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ riêng việc giải ngân vốn đầu tư công (khoảng 30 tỷ USD) trong năm 2020 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ có thể sẽ tạo ra một cú hích quan trọng cho đầu tư phát triển, mở rộng thị trường, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, tạo việc làm cho người dân, xây dựng được nền tảng hạ tầng cho giai đoạn bứt phá của nền kinh tế.

Là một trong những địa phương cam kết đặt quyết tâm cao nhất thực hiện giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và các năm trước chuyển sang, tỉnh Phú Yên đang dồn sức hoàn thành những mục tiêu đặt ra.

Ông Phạm Đại Dương, Bí thư tỉnh Phú Yên từng khẳng định, thực hiện chỉ đạo tại Công văn 622/TTg-KTTH ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 góp phần quan trọng vào việc phục hồi và phát triển nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19, tỉnh đã tiến hành rà soát, tìm hiểu nguyên nhân và thực trạng của việc giải ngân chậm.

Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.

Song song đó, lập kế hoạch giải ngân cụ thể, chi tiết cho từng dự án, nhất là các dự án lớn, trọng điểm, có tác động lan tỏa trong phạm vi địa phương, vùng, liên vùng và quốc gia.

Theo Cục Thống kê Phú Yên, thời gian qua, các cấp, ngành đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư giải ngân và đẩy nhanh tiến độ thi công, thực hiện dự án trọng điểm, các dự án chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nên nguồn vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trong tháng 10 năm 2020 tăng 45,2%.

Lũy kế 10 tháng năm 2020 tăng 31% so với cùng kỳ năm 2019, có tốc độ tăng vốn thực hiện cao nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, so với kế hoạch năm mới chỉ đạt 57,8%.

Đây sẽ là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi các ngành, các cấp phải tập trung phấn đấu, chỉ đạo quyết liệt mới hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra, ông Trần Quang Minh, Cục trưởng Cục Thống kê Phú Yên kết luận.

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Phú Yên chưa đạt tiến độ như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân; trong đó, phải kể đến thực tế dự án càng lớn, càng khó xây dựng kế hoạch và khó giải phóng mặt bằng, nhất là trong khu vực đông dân cư, ảnh hưởng đến nhiều hộ gia đình.

Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án, phê duyệt kế hoạch đã khó, việc giải phóng mặt bằng với nhiều dự án còn thách thức lớn hơn.

Có nhiều vướng mắc phát sinh trong việc này, từ việc kiểm đếm, thống kê đến xác định đối tượng, khối lượng, giá trị đền bù bảo đảm đúng, đủ theo quy định pháp luật...

Thêm nữa, cũng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều công trình xây dựng phải tạm dừng thi công, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, khối lượng thi công và giải ngân của các dự án những tháng đầu năm chậm...

Trước những bất cập nêu trên và để hoàn thành các mục tiêu đề ra, đại diện UBND Phú Yên tiếp tục kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét bố trí đủ kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã giao cho địa phương và các nguồn dự phòng khác trong năm 2020 để tạo điều kiện cho tỉnh có thêm nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng, có tác động lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời dành các cơ chế thông thoáng hơn để Phú Yên có thể nhanh chóng xử lý những vướng mắc liên quan tới quản lý đầu tư xây dựng, chính sách bồi thường hỗ trợ, tái định cư..., tránh ảnh hưởng tới đời sống người dân.

Tỉnh Quảng Bình là một trong nhiều tỉnh miền Trung phải hứng chịu ảnh hưởng của thiên tai mưa bão, lũ lụt nghiêm trọng trong năm nay.

Các doanh nghiệp địa phương ngoài việc bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19 lại thêm bị thiên tai, bão lụt dẫn tới hầu hết phải ngừng hoạt động.

Không có việc để làm, không chỉ doanh nghiệp mà kể cả đời sống người lao động cũng lao đao.

Ông Phạm Bá Trường, đại diện Công ty TNHH Kỹ thuật Xây dựng Xuân Trường cho biết, trong 1 năm khủng hoảng kinh tế, Xuân Trường cũng gặp khó khăn chung của doanh nghiệp.

Nhờ chính quyền các cấp tại tỉnh Quảng Bình chủ trương tập trung mọi khả năng và giải pháp để giải ngân 100% các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, doanh nghiệp đã được hưởng lợi.

Riêng trong năm nay, doanh nghiệp đã nhận thầu xây dựng được một số công trình cơ sở hạ tầng, tuy rằng quy mô không lớn nhưng cũng góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn như hiện nay.

Theo báo cáo của Cục Thống kê Quảng Bình, tính đến 10 tháng năm 2020, khối lượng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đã thực hiện gần 2.900 tỷ đồng, tăng gần 62% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh thực hiện gần 2.250 tỷ đồng, tăng 94,6%.

Đánh giá của Cục Thống kê Quảng Bình cho thấy, nhìn chung, các công trình có vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng tiến độ, chất lượng theo quy định, quản lý vốn nghiêm túc.

Giải phóng mặt bằng cũng được các cấp chính quyền quan tâm, có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên một số công trình giải phóng mặt bằng còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ...

Lãnh đạo của Cục Thống kê Quảng Bình cũng cho biết, trong thời gian tới, để đạt được mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các ngành, địa phương, chủ đầu tư thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp; đồng thời, tích cực kiểm tra, thanh tra, giám sát các dự án đầu tư công, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Bên cạnh đó, yêu cầu chủ đầu tư phải có cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án, kiểm điểm trách nhiệm nếu không thực hiện đúng cam kết nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Những nỗ lực của mỗi địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công sẽ đóng góp vào hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công theo Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19 của Thủ tướng Chính phủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục