KIDO và cuộc đổ bộ lấn sân mảng mới
Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (mã chứng khoán: KDC) đã gia nhập thị trường nước mắm, hạt nêm với nhãn hiệu Tường An và Tường An Unicook. Là doanh nghiệp có tên tuổi lâu năm trong lĩnh vực bánh, kẹo với thị phần cao, nhưng KIDO vẫn tiếp tục lấn sang các mảng kinh doanh mới nhờ những thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) đình đám. Những bước đi của KIDO nhằm củng cố vị thế trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu.
*M&A và cuộc đổ bộ lấn sân mảng mới
KIDO cho biết, doanh nghiệp mới ra mắt 4 mặt hàng mới dưới thương hiệu Tường An, bao gồm: Nước mắm cá cơm Tường An 40 Độ đạm - Đậm đà; Nước mắm cá cơm Tường An 32 Độ đạm – Hài hòa; Hạt nêm Tường An Unicook sườn non, xương ống và nước cốt thịt hầm; Hạt nêm Tường An Unicook nấm hương và 3 loại rau củ.
Ông Trần Lệ Nguyên, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP Dầu thực vật Tường An chia sẻ rằng, ngành hàng gia vị là một chiến lược quan trọng của KIDO trong việc mở rộng trong ngành hàng thực phẩm thiết yếu.
Có thể nhận thấy KIDO có tham vọng lấn sân sang ngành thực phẩm thiết yếu là do nhận thấy tiềm năng to lớn của lĩnh vực kinh doanh này. Những loại gia vị như nước mắm, hạt nêm, dầu ăn, nước tương, cùng những gia vị đóng gói sẵn tiện lợi khác là một phần không thể thiếu để chế biến các món ăn.
Trước đó, KIDO thành lập Công ty cổ phần Thực phẩm và Gia vị TA, tên viết tắt là TA Foods and Spices Jsc. Đây là công ty có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó KIDO góp 196 tỷ đồng, tương đương 98% vốn điều lệ. Ngành nghề kinh doanh chính của TA Foods and Spices là chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, chi tiết là chế biến và bảo quản nước mắm.
Thực tế, KIDO đã nhìn nhận được tiềm năng to lớn và có ý định gia nhập thị trường nước chấm cách đây hàng chục năm, khi đó Công ty cổ phần Kinh Đô (tên công ty cũ của KIDO) chưa bán mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelçz International.
Theo đó, năm 2013, Kinh Đô chia sẻ về chiến lược sẽ tập trung vào ngành hàng thiết yếu, như thực phẩm và gia vị. Doanh nghiệp nhận thấy ngành hàng này vừa có độ phủ lớn vừa có tần suất sử dụng cao. Trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh, thực phẩm gia vị chiếm tỷ trọng 26%; trong đó, sản phẩm đóng gói chiếm 24%, chỉ còn 2% cho lĩnh vực bánh kẹo. Do vậy, doanh nghiệp này cho rằng, độ lớn của ngành thực phẩm gia vị sẽ lớn gấp 12 lần thị trường bánh kẹo lúc đó.
Vào tháng 5/2013, Kinh Đô liên doanh với Công ty TNHH Saigon Ve Wong xây nhà máy sản xuất mì ăn liền, gia vị, cháo, nui, phở, nước chấm... tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh. Kinh Đô sở hữu 49% và Saigon Ve Wong chiếm 51% cổ phần.
Ngoài việc tìm kiếm cơ hội tại những mảng kinh doanh mới, KIDO cũng không ngường củng cố, mở rộng lĩnh vực thế mạnh sẵn có là sản phẩm bánh kẹo của mình bằng việc mua bán sáp nhập và nắm cổ phần chi phối.
Hồi tháng 10 năm 2023, KIDO chính thức nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Thọ Phát Quốc tế (Thọ Phát) từ 25% lên 68% chỉ sau hơn 3 tháng.
*Tiềm năng đi liền thách thức
Việt Nam là một trong những thị trường sôi động nhất châu Á về ngành hàng gia vị. Sự sôi động này là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp, nhưng cũng là “chiến trường” khốc liệt.
Nielsen Việt Nam cho rằng thị trường gia vị Việt Nam đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm 25 - 32% trong giai đoạn 2016 - 2022. Đặc biệt, ngành nông nghiệp và công nghiệp sản xuất gia vị và hương liệu của Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành nguồn cung quan trọng cho thị trường thế giới.
Theo một báo cáo của Euromonitor, ngành hàng gia vị có quy mô thị trường khoảng 33.500 tỷ đồng, với 64% đóng góp từ phân khúc nước chấm; trong đó, nước mắm chiếm tỷ trọng lớn nhất với tổng quy mô đạt 15.000 tỷ đồng, tiếp sau là nước tương với quy mô 2.800 tỷ đồng và tương ớt 2.600 tỷ đồng…
Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định, thị trường gia vị còn nhiều tiềm năng và có mức tăng trưởng hàng năm 4% - 5%. “Một thị trường tưởng nhỏ nhưng khi được đầu tư bài bản thì doanh nghiệp có thể dễ dàng kiếm cả trăm tỷ đồng mỗi năm chỉ từ việc bán lọ muối hay gói sốt cho các bà nội trợ”, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao nêu quan điểm.
Chính bởi sự hấp dẫn của thị trường này, giữa các đơn vị làm gia vị của Việt Nam với các công ty đa quốc gia và các sản phẩm ngoại nhập hiện nay tồn tại sự cạnh tranh đầy quyết liệt và sống động.
Thực tế, trong lĩnh vực gia vị, nước chấm, thị trường Việt Nam không thiếu những doanh nghiệp lớn, đã có chỗ đứng, thâm nhập sâu như Masan, Acecook, thậm chí những đại gia tên tuổi lâu năm trên thế giới như Ajinomoto, Unilever, Nestlé…
Ngành hàng gia vị nước chấm là miếng bánh ngon mà các đại gia đều muốn được chia phần. Xét về những mặt thuận lợi, KIDO đã có sẵn mạng lưới phân phối rộng lớn khắp cả nước. Hơn nữa doanh nghiệp này cũng có kinh nghiệm về mua bán sáp nhập, tổ chức lại hệ thống phân phối chuyên nghiệp để có thể thâm nhập thị trường. Tuy nhiên, những đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp này đều là những đại gia “máu mặt”, rất “nặng ký”.
Về kết quả kinh doanh, quý IV/2023, KIDO báo lỗ 544 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước công ty có lãi 5 tỷ đồng. Đây là số lỗ nặng nhất trong lịch sử kinh doanh của công ty.
Lũy kế cả năm 2023, KIDO ghi nhận doanh thu thuần hơn 8.650 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 102 tỷ đồng, giảm lần lượt 31% và 70% so với cùng kỳ.
Giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh, phía KIDO cho biết, công ty mua cổ phần từ Công ty Đầu tư Lavenue từ năm 2010 và nắm giữ đến nay, sau thời gian dài qua nhiều thủ tục, hồ sơ pháp lý, đầu tư dự án… và vấn đề phát sinh làm ảnh hưởng đến báo cáo tài chính riêng và hợp nhất của KIDO nhiều kỳ kinh doanh.
Về lịch sử hình thành doanh nghiệp, Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO được thành lập vào năm 1993 với vốn đầu tư 1,4 tỷ đồng, có tiền thân là Công ty TNHH Xây dựng và Chế biến thực phẩm Kinh Đô. Công ty phân phối chủ yếu các mặt hàng thực phẩm tiêu dùng như dầu ăn, kem, bánh kẹo, thực phẩm ăn vặt và nước giải khát.
KIDO chính thức hoạt động là công ty cổ phần từ năm 2002 với vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Công ty được niêm yết lần đầu trên sàn HOSE vào ngày 12/12/2005 với mã chứng khoán là KDC.
Hiện cổ phiếu KDC của KIDO đang giao dịch quanh mốc 63.000 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường khoảng 16.972 tỷ đồng./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Australia - thị trường xuất khẩu nhiều triển vọng của các doanh nghiệp Việt Nam
13:17' - 07/03/2024
Nhận lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã thăm chính thức Australia từ ngày 7-9/3/2024.
-
Ô tô xe máy
Triển lãm quốc tế Autotech & Accessories 2024 dự kiến thu hút 300 doanh nghiệp tham gia
09:22' - 07/03/2024
Triển lãm Quốc tế lần thứ 20 về Công nghiệp Ô tô, Xe máy, Xe điện và Công nghiệp hỗ trợ (Autotech & Accessories 2024) sẽ được tổ chức từ ngày 16-19/5 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC).
-
Doanh nghiệp
Tình trạng doanh nghiệp phá sản ở một số nước phát triển ngày càng "nóng"
08:36' - 07/03/2024
Văn phòng giám sát phá sản (OSB) cho biết có 759 doanh nghiệp mất khả năng thanh toán trong tháng Một, tăng 42,4% so với tháng 12/2023 và tăng 129,3% so với tháng 1/2023.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích doanh nghiệp
Chuyển mình khó khăn của doanh nghiệp thép
13:23' - 07/11/2024
Nhu cầu về tôn mạ và ống thép tăng cao cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu đã giúp các doanh nghiệp trong ngành có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng vượt trội trong quý III năm nay.