Kiểm soát xung đột lợi ích nên được đưa vào luật

14:21' - 09/11/2016
BNEWS Trong văn bản pháp luật Việt Nam hiện đưa ra rất nhiều quy định liên quan tới vấn đề chống tham nhũng, quy định những việc cán bộ công chức, lãnh đạo trong cơ quan công vụ không được làm.

Nhưng thực tế cho thấy, khung khái niệm để hiểu đúng vấn đề này lại chưa rõ ràng.

Trong khi đó, việc hiểu đúng khái niệm là rất cần thiết để đưa ra được những quy định phù hợp, kiểm soát hành vi dẫn tới tham nhũng.

Đây là nhận định này của hầu hết các đại biểu tham dự Hội thảo Công bố Báo cáo Kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công do Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Thanh tra Chính phủ tổ chức.

Theo khái niệm đưa ra tại Báo cáo, Xung đột hay mâu thuẫn lợi ích (XĐLI) là tình huống trong đó một cán bộ công chức trong thẩm quyền chính thức của mình đưa ra hoặc phải đưa ra các quyết định hoặc có những hành động, có thể tác động tới lợi ích cá nhân của họ.

Nói về vấn đề này, Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Việt Nam hiện quy định trong văn bản pháp luật nhiều việc cán bộ, công chức, lãnh đạo không được làm nhưng vẫn thiếu khung khái niệm cụ thể.

Báo cáo Kiểm soát xung đột lợi ích đưa ra khuôn khổ khái niệm rõ ràng để có được tư duy tốt hơn trong việc xây dựng, sửa đổi Luật liên quan tới vấn đề chống tham nhũng.

Như vậy, kiểm soát xung đột lợi ích cần trở thành quy định, nguyên tắc cụ thể.

Theo đó, nguyên tắc sẽ làm cơ sở xây dựng các quy trình để không có chuyện làm sai trong việc thực hiện quy định công.

Để kiểm soát xung đột lợi ích phải phân biệt rõ ràng giữa tư và công.

Báo cáo chỉ rõ 6 lĩnh vực hoạt động phổ biến trong khu vực công xảy ra xung đột lợi ích: cung cấp dịch vụ công; bổ nhiệm và tuyển dụng; quản lý đấu thầu; cấp phép phê duyệt dự án; Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Bốn hình thức xung đột lợi ích chủ yếu: tặng, nhận quà (bằng tiền và không bằng tiền); Đầu tư chia sẻ lợi ích; Sử dụng lợi thế thông tin để vụ lợi; Ra quyết định hoặc tác động có lợi cho người thân.

Nói về lĩnh vực dễ xảy ra xung đột lợi ích, ông Trần Văn Thắng, chuyên gia trong nhóm thực hiện báo cáo cho biết, đối với vấn đề đấu thầu thấy rằng, có sự khác biệt rất lớn trong đánh giá của cán bộ công chức và doanh nghiệp về thực tiễn đấu thầu.

Tới 70% cán bộ công chức được khảo sát cho rằng, lần đấu thầu gần đây nhất được tiến hành minh bạch nhưng con số đó với doanh nghiệp tham gia đấu thầu ở khu vực công khoảng 35 - dưới 40%.

Có sự khác biệt rất lớn đối với cán bộ công chức và doanh nghiệp trong đánh giá thực tiễn đấu thầu giữa cán bộ công chức và doanh nghiệp.

Liên quan tới vấn đề xung đột lợi ích trong tuyển dụng và bổ nhiệm có sự tương phản trong đánh giá của doanh nghiệp người dân và cán bộ công chức.

        

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục