Kiểm toán Nhà nước tích cực góp phần hoàn thiện quản lý tài chính công

12:04' - 09/04/2024
BNEWS Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho biết, Kiểm toán Nhà nước phối hợp triển khai kiểm toán một số nội dung theo đề nghị của thành phố.
Kiểm toán Nhà nước với vai trò là cơ quan chuyên môn, thực hiện kiểm toán độc lập các hoạt động quản lý và sử dụng tài chính công để ngăn chặn và phát hiện kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí tài chính công nói chung và ngân sách nhà nước; đưa ra các kiến nghị giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn kịp thời các hành vi sai phạm này. 

Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là cơ sở pháp lý quan trọng để giúp Chính phủ và các cơ quan, đơn vị của Chính phủ giải toả được trách nhiệm trước Quốc hội, trước công chúng về việc quản lý và sử dụng tài chính công. Các báo cáo kiểm toán, Báo cáo thẩm định các chương trình dự án, dự toán ngân sách là cơ sở quan trọng để Quốc hội phê duyệt hoặc ra quyết định đối với Báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm, các đề án, dự toán ngân sách của Chính phủ.

Ngoài ra, trách nhiệm lớn nhất của cơ quan Kiểm toán Nhà nước trước công chúng là bảo đảm cho mọi đồng tiền của ngân sách nhà nước, mọi nguồn lực tài chính công phải được sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả cao nhất.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã góp phần tích cực cùng với các cấp chính quyền thành phố trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lập và điều hành dự toán ngân sách hằng năm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí, phát huy vai trò giám sát của các cấp chính quyền Thành phố đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài chính công và tài sản công.

 
Với vai trò đầu tàu kinh tế, tạo động lực lan tỏa cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố) được Quốc hội trao thêm thẩm quyền và thí điểm các cơ chế đặc thù vượt trội trên các lĩnh vực quản lý nhà nước. Các cơ chế, chính sách đặc thù đã tháo gỡ nhiều điểm nghẽn về cơ chế, chính sách cho thành phố, chính quyền thành phố được chủ động, linh hoạt thực hiện các thẩm quyền nhằm khơi thông nguồn lực vốn, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của Thành phố.

Tuy nhiên, quản lý tài chính công nói chung và việc triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù nói riêng đòi hỏi phải có cơ chế kiểm tra, giám sát, tránh nguy cơ tiềm ẩn phát sinh, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực trên địa bàn và trái với các quy định của pháp luật. 

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho biết, với vai trò kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, bên cạnh việc triển khai kiểm toán theo kế hoạch hằng năm, Kiểm toán nhà nước mà trực tiếp là Kiểm toán nhà nước khu vực IV còn phối hợp triển khai kiểm toán một số nội dung theo đề nghị của thành phố. 

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng, thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã phát hành các báo cáo kiểm toán liên quan việc quản lý, điều hành ngân sách của Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, đánh giá, nêu bật được những mặt tích cực của Thành phố trong quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách của các cấp ngân sách, đơn vị sử dụng ngân sách; hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị được kiểm toán hiểu đúng, hiểu rõ và thực hiện đúng các quy định trong quản lý, sử dụng ngân sách; chỉ ra những hạn chế, sai sót cần khắc phục, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhiều khoản chi sai, nhiều khoản thu chưa đúng, chưa đủ. 

Đồng thời, Kiểm toán nhà nước cũng đã ghi nhận các phát sinh trong thực tiễn điều hành của Thành phố, phối hợp với Thành phố báo cáo, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách không còn phù hợp với thực tế tại địa phương để hoàn thiện hệ thống pháp luật ngày càng chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu quản lý của Trung ương và địa phương. 

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cũng nhấn mạnh, các kết luận kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đã được các cấp chính quyền Thành phố quan tâm, sát sao chỉ đạo thực hiện. Nhờ đó, nhiều sai phạm được khắc phục, nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm mà Kiểm toán nhà nước nêu ra trong báo cáo kiểm toán bị kiểm điểm trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, trong năm 2023, thực hiện phiên giải trình với Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về “Việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021”, Kiểm toán nhà nước khu vực IV đã phối hợp chặt chẽ với Thành phố rà soát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán ngân sách địa phương và chuyên đề tồn đọng từ nhiều niên độ kiểm toán trước (niên độ 2006-2020), tiếp tục thu hồi vào ngân sách Thành phố số tiền hơn 7.531 tỷ đồng; phối hợp, hỗ trợ các đơn vị tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thực hiện kiến nghị kiểm toán, góp phần đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội, từ năm ngân sách 2022, 16 quận của Thành phố trở thành đơn vị dự toán cấp I, ngân sách cấp huyện chỉ còn thành phố Thủ Đức và 05 huyện; để tạo điều kiện, nguồn lực cho các quận - huyện và thành phố Thủ Đức chủ động thực hiện chức năng, các nhiệm vụ được phân công, Thành phố phải điều chỉnh phân cấp ngân sách cho phù hợp thực tiễn và quy định.

Kiểm toán nhà nước khu vực IV đã trực tiếp đánh giá sự nỗ lực điều hành ngân sách của Thành phố khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị; đồng thời, kiến nghị Thành phố hướng dẫn 16 quận thực hiện các thủ tục về chuyển giao ngân sách theo mô hình chính quyền đô thị, kiến nghị nghiên cứu, xây dựng và đề xuất cấp có thẩm quyền tăng cường phân cấp quản lý một số nội dung đặc thù trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhằm khắc phục các hạn chế, vướng mắc khi thực hiện tổ chức chính quyền đô thị mà Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra trong quá trình thực hiện kiểm toán. 

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng, trong suốt thời gian qua, Kiểm toán nhà nước đã đồng hành, góp phần tích cực cùng với các cấp chính quyền Thành phố trong việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lập và điều hành dự toán ngân sách hằng năm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí, phát huy vai trò giám sát của các cấp chính quyền Thành phố đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài chính công và tài sản công. 

Thời gian tới, trong quá trình tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 98/2023/QH15, Thành phố Hồ Chí Minh mong rằng Kiểm toán nhà nước tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin, để cùng các cấp chính quyền Thành phố trong việc kiểm tra giám sát, xây dựng các cơ chế, chính sách quản lý điều hành tài chính - ngân sách, huy động và sử dụng nguồn lực ngân sách hiệu quả, tiết kiệm và minh bạch, góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững vai trò đầu tàu, tạo sức lan tỏa cho Vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục