Kiên Giang: Đường giao thông nông thôn thay đổi chất lượng cuộc sống

10:01' - 30/04/2024
BNEWS Kiên Giang tranh thủ các nguồn vốn làm đường, cầu giao thông, giúp cho việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân thuận lợi, dễ dàng, khung cảnh làng quê ngày càng đổi thay, khởi sắc.

Xác định việc đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn có ý nghĩa quan trọng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội địa phương, những năm qua, các địa phương trong tỉnh Kiên Giang tranh thủ các nguồn vốn làm hàng trăm km đường, hàng trăm cây cầu giao thông, giúp cho việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân thuận lợi, dễ dàng, khung cảnh làng quê ngày càng đổi thay, khởi sắc.

 

Ông Trần Văn Vui là thương binh hạng 2/4 ở xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang cho biết, hơn 3 tháng nay, gia đình ông và hàng trăm hộ dân trong xóm hết sức phấn khởi khi con đường bê tông đi qua xóm được đưa vào sử dụng. Con đường rộng 3,5m, dài hơn 10km, nối liền xã Thạnh Yên đến xã Bình An, huyện An Biên, giúp cho đời sống, kinh tế của người dân phát triển hơn trước.

“Trước đây, khi chưa có đường bê tông, việc tiêu thụ lúa, tôm, cua khá khó khăn. Thương lái thu mua bằng vỏ lãi thường ép giá. Còn bây giờ, xe mày, xe ô tô tải có thể đến tận nhà nên nông sản bán cũng được giá hơn. Gia đình tôi cũng như hàng trăm hộ dân hai bên đường đi công việc, đám tiệc, hay đi thăm, khám sức khỏe rất thuận tiện”, ông Vui bày tỏ.

Theo ông Dương Quốc Khởi, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện U Minh Thượng, từ năm 2022 đến nay, toàn huyện đầu tư làm mới và nâng cấp, mở rộng hơn 40 tuyến đường giao thông nông thôn; gần 30 cây cầu với tổng kinh phí trên 80 tỷ đồng. Các tuyến đường, cầu được đầu tư trong giai đoạn này đều đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (chiều rộng từ 2,5-3,5m).

“Việc đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn của huyện gặp nhiều thuận lợi, do có sự đóng góp của hầu hết các hộ dân. Người dân đóng góp một phần kinh phí làm đường, cầu theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, đồng thời đóng góp ngày công lao động, hiến đất làm đường. Đến nay, trên 90% đường liên ấp, liên xóm của huyện đã được bê tông hóa”, ông Khởi cho hay.

Một trong những hộ sinh sống lâu năm ở ấp Kênh Tắc, xã Thạnh Hòa, bà Nguyễn Thị Sáu (76 tuổi) cho biết, con đường bê tông trước nhà bà được chính quyền địa phương khánh thành vào dịp giáp Tết Giáp Thìn 2024. Tuy mới được đầu tư và đưa vào sử dụng khoảng 4 tháng, nhưng tuyến đường dài hơn 4km đã được người dân đắp lề, trồng hoa kiểng, làm hàng rào cây xanh đạt hơn 70% của toàn tuyến.

“Xưa kia, ở đây chỉ có đường đất, đến năm 2011 được làm đường bê tông rộng 1,5m, người dân đã rất phấn khởi vì xe đạp, xe 2 bánh lưu thông được. Bây giờ, con đường mới rộng 3m, xe ô tô, xe tải nhỏ chạy được nên chúng tôi rất vui mừng. Con lợn, hay đàn gà, bầy vịt nuôi được cũng dễ bán vì thương lái đến tận nhà để mua. Xe tải, xe ô tô cũng đã có thể đến từng nhà đón khách, chở hàng, giao thương thuận tiện nên tôi thấy cuộc sống không kém bao nhiêu so với ngoài thị thành”, bà Sáu vui mừng nói.

Ông Trần Thanh, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng và trang trí nội thất Hùng Thanh, thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng cho biết, khoảng 5-7 năm trở lại đây, việc vận chuyển hàng hóa của cửa hàng thuận lợi hơn rất nhiều do các tuyến đường trong và ngoài huyện được mở rộng, hoặc làm mới. “Đa số các tuyến đường giao thông trong các vùng nông thôn Giồng Riềng có chiều rộng từ 3m đến 4m nên xe tải nhỏ chở hàng đến tận nhà khách hàng. So với vận chuyển bằng ghe, xuồng, xe tải chở hàng giao nhanh hơn, tiết kiệm được nhiều chi phí và thời gian”, ông Thanh cho hay.

Ông Võ Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng cho biết, trong những năm qua, huyện đặc biệt chú trọng đến đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn. Theo đó, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng thường xuyên kiểm tra, lập kế hoạch để đầu tư làm mới, hoặc nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo cho việc lưu thông của người dân. Riêng trong mùa khô 2023-2024, các địa phương trong huyện thực hiện nâng cấp và làm mới hơn 20 tuyến đường, với tổng kinh phí trên 25 tỷ đồng, trong tháng 5 này sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng tất cả các tuyến đường.

“Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo phòng chuyên môn và các xã, thị trấn trong huyện khảo sát, lập kế hoạch để kịp thời duy tu, sửa chữa đối với những tuyến đường xuống cấp trong mùa khô 2024-2025. Đối với các tuyến đường hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, hoặc đường đất đã đưa vào kế hoạch đầu tư, các đơn vị sẽ sớm hoàn thành hồ sơ, thủ tục, đảm bảo tiến độ thi công theo kế hoạch”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng cho biết.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục