Quý II, Kiên Giang đặt mục tiêu giải ngân 35% vốn đầu tư công

11:09' - 05/04/2024
BNEWS Kế hoạch đầu tư công năm 2024 của tỉnh Kiên Giang trên 10.000 tỷ đồng, tăng hơn 4.386 tỷ đồng so với năm 2023. Tỉnh phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công hết quý II/2024 đạt từ 35% kế hoạch trở lên.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang, đến hết tháng 3, tỉnh phân khai vốn 7.451 tỷ đồng, đạt 74,32% Nghị quyết HĐND tỉnh giao, đạt 98,58% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

 

Vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh đã giao 100% kế hoạch vốn và vốn Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội đang trình điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024. Đến nay, giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 612 tỷ đồng, đạt 5,69% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ 4,38%.

Để đạt được mục tiêu, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong đó, tỉnh tập trung phân khai 100% kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024 hoàn thành trong tháng 4/2024. Các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung theo các chỉ thị, kết luận của UBND tỉnh, chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn được giao, nhất là các công trình, dự án trọng điểm.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra chậm trễ làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn theo cam kết đã ký. Cùng với đó, tăng cường kỷ luật, chấp hành nghiêm các quy định trong quản lý đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, thanh quyết toán vốn đầu tư...

Các chủ đầu tư khi thực hiện dự án có kế hoạch chi tiết cho từng dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến triển khai thi công, nghiệm thu và thanh quyết toán; phân công cụ thể lãnh đạo, cán bộ theo dõi chỉ đạo, điều hành công việc đảm bảo tiến độ, đúng quy định. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao chất lượng việc lập các hồ sơ thủ tục chuẩn bị đầu tư; không để xảy ra tình trạng chỉ định thầu các đơn vị tư vấn năng lực yếu kém thực hiện không đạt yêu cầu phải chỉnh sửa hồ sơ nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư công.

Các sở, ngành chức năng và địa phương cũng tăng cường công tác phối hợp, ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, nhất là tại một số địa phương đang có dự án trọng điểm như: Rạch Giá, Hòn Đất, Kiên Lương, Châu Thành, An Biên, U Minh Thượng, Phú Quốc... Mặt khác, xử lý dứt điểm việc bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án còn vướng mắc trong năm 2023...

So với năm 2023, kế hoạch đầu tư công năm 2024 tăng hơn 4.386 tỷ đồng, phần nào ảnh hưởng chung đến khả năng giải ngân vốn của tỉnh. Một số dự án đến nay chưa đủ thủ tục để giao vốn như Bệnh viện Ung bướu tỉnh Kiên Giang; cải tạo, sửa chữa Trung tâm văn hóa tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; xây dựng trụ sở Hội Chữ thập đỏ tỉnh; vốn hỗ trợ nông dân; các dự án bố trí mới bổ sung trung hạn theo Nghị quyết 175/NQ-HĐND tỉnh ngày 08/12/2023 chưa có quyết định phê duyệt dự án…

Bên cạnh đó, một số dự án lớn, trọng điểm triển khai chậm, do chưa xử lý dứt điểm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án giao thông; nhiều đơn vị, địa phương giải ngân đạt thấp.

Ngoài ra, tỉnh thực hiện thi công xây dựng trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay đang gặp nhiều khó khăn trước sự biến động giá của các loại vật liệu, một số công trình công tác giải phóng, bàn giao mặt bằng khá chậm.

Nguồn cát xây dựng khan hiếm do cùng thời điểm có nhiều tuyến cao tốc đang thi công tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long làm ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các dự án. Sự tăng giá của cát, đá, gạch, xi măng, thép… và một số vật tư, nguyên nhiên liệu đầu vào thiếu, thiếu nhân công, thiếu trang thiết bị dẫn tới chậm tiến độ, ảnh hưởng bất lợi đến công tác đầu tư công của tỉnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục