Kiến nghị công bố thời điểm mở cửa du lịch quốc tế tại Việt Nam ngay trong tháng 2/2022

16:35' - 27/01/2022
BNEWS Các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn... vừa đồng ký tên trong thư kiến nghị khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ về công bố thời điểm mở cửa du lịch quốc tế tại Việt Nam trong tháng 2/2022.

Đại diện 6 hãng hàng không gồm: Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines, Hải Âu Aviation; cùng các doanh nghiệp lữ hành: Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), Công ty cổ phần Du lịch Thiên Minh (TMG); các doanh nghiệp du lịch về khách sạn, tổ hợp vui chơi giải trí: Tập đoàn Sun Group, Công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn BIM và Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV – thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) Trương Gia Bình vừa đồng ký tên trong thư kiến nghị khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ về công bố thời điểm mở cửa du lịch quốc tế tại Việt Nam ngay trong tháng 2/2022.

Trong thư, các đơn vị, doanh nghiệp bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã luôn đồng hành, quan tâm chỉ đạo sát sao, ban hành các cơ chế, chính sách, biện pháp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam trong suốt thời gian qua.

Bằng việc quyết liệt ban hành và áp dụng Nghị quyết 128/NQ-CP, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã rất thành công trong việc chuyển trạng thái phòng, chống dịch trên toàn quốc sang giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh”.

Bên cạnh đó, nhờ sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng và Chính phủ, Việt Nam cũng đã đạt được kết quả ấn tượng trong chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất từ trước tới nay. Đây là nền tảng đặc biệt quan trọng để Việt Nam đẩy nhanh việc khôi phục hoạt động kinh tế, mở cửa lại ngành hàng không và du lịch với bạn bè quốc tế.

Hiện nay, Việt Nam đang thí điểm thực hiện đón khách du lịch quốc tế vào 7 địa phương (5 địa phương giai đoạn 1 và bổ sung thêm 2 địa phương ở giai đoạn 2).

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết, sau 2 tháng thí điểm với các điều kiện, quy trình còn rất chặt chẽ cho du khách cũng như các doanh nghiệp du lịch, hàng không tham gia chương trình, đến nay, Việt Nam mới đón được 8.500 du khách.

Do đó, cần có sự điều chỉnh nhanh chóng về quy định, chính sách đối với quá trình này để tương thích với bối cảnh mới, đồng thời để các địa phương, doanh nghiệp có thể chủ động chuẩn bị năng lực, lập kế hoạch, tái cấu trúc kịp thời các quy trình nội bộ, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá nhằm tạo sức hút lớn hơn với khách du lịch quốc tế để ngành du lịch, hàng không thực sự có cơ hội phục hồi.

Ngày 24/1 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có cuộc hội thảo quan trọng với đại diện 5 Bộ (Y tế, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng) cùng lãnh đạo UBND và lãnh đạo Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 20 tỉnh, thành, chuyên gia y tế cũng như đại diện các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch, hàng không về chủ đề này.

Tại cuộc hội thảo, các vấn đề còn bất cập liên quan tới các điều kiện cho doanh nghiệp và du khách, các quy trình, thủ tục hành chính khó khăn, phức tạp đã được nhận diện nhưng quan trọng hơn cả, ý kiến của chuyên gia y tế, các bộ, địa phương và doanh nghiệp đều thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc mở cửa hoàn toàn cho du lịch quốc tế, xác định thời điểm này nếu Việt Nam đưa ra thông điệp “mở cửa” sẽ là cơ hội rất lớn, không chỉ để phục hồi mà còn để tạo bứt phá cho du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực, đồng thời sẽ góp phần đáng kể khơi thông các dòng chảy đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và các nước.

Về phía mình, các doanh nghiệp hàng không và du lịch cho hay, 2 năm qua đã hứng chịu những tổn thất chưa từng có trong lịch sử. Mặc dù đã hết sức nỗ lực, cố gắng để vượt qua từng giai đoạn khốc liệt của dịch bệnh, nhưng sau 2 năm gần như “đóng băng” hoạt động, đến thời điểm này, lực của các doanh nghiệp cũng đã hoàn toàn cạn kiệt.

Quyết định mở cửa du lịch quốc tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chính là cơ hội duy nhất để “cứu sống” các doanh nghiệp, “cứu sống” 2,5 triệu lao động trực tiếp trong ngành và hàng triệu lao động gián tiếp khác.

“Để ‘mở cửa thực sự’ chứ không chỉ là trên tuyên bố, thì cả cơ quan nhà nước cấp trung ương, các địa phương và từng doanh nghiệp đều cần có một khoảng thời gian nhất định nhằm chuẩn bị nguồn lực tài chính, cải tổ quy trình, chuẩn bị nhân lực, tiến hành xúc tiến quảng bá... trước khi đón khách. Về phía các khách quốc tế ở các thị trường trọng điểm với Việt Nam, họ cũng cần thời gian để nhận biết thông tin, để đánh giá, cân nhắc và ra quyết định.

Tuy nhiên, khoảng thời gian này phải được rút ngắn tối đa, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan, địa phương, cùng doanh nghiệp để chúng ta tận dụng được ‘thời cơ vàng’”, các doanh nghiệp nêu nhận định.

Trên cơ sở đó, các đơn vị, doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ công bố thời điểm mở cửa du lịch quốc tế tại Việt Nam ngay trong tháng 2/2022 (thời điểm mà mọi hạn chế về đi lại cả trong nước và ngoài nước sẽ được dỡ bỏ) để tạo “lực đẩy mạnh” và để các địa phương cùng các doanh nghiệp vận tải, cư trú và lữ hành có mốc thời gian chuẩn bị, mặc dù mốc thực tế để mở hoàn toàn có thể là 31/3 hay 30/4/2022.

Mở cửa du lịch quốc tế đến Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN

Thủ tướng xem xét giao cho Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện và ban hành quy trình đảm bảo an toàn dịch bệnh đối với khách du lịch quốc tế, bao gồm điều kiện trước khi khách lên máy bay, quy trình sau khi xuống máy bay và trong suốt quá trình du lịch theo hướng giảm thiểu tối đa các quy định hiện hành không cần thiết.

Theo đó, gỡ bỏ quy định cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi cư trú đối với hành khách đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR trong vòng 72 giờ trước chuyến bay, xem xét gỡ bỏ yêu cầu hành khách test nhanh tại sân bay đối với các hành khách đủ điều kiện nêu trên và có quy trình thống nhất xử lý với khách du lịch dương tính với SARS-CoV-2.

Ngoài việc khôi phục toàn bộ các chương trình miễn thị thực đơn phương, song phương và thị thực điện tử cho du khách, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cân nhắc mở rộng chương trình miễn thị thực cho khách du lịch quốc tế tại các thị trường chiến lược, trọng điểm như toàn bộ châu Âu, Australia và Bắc Mỹ.

Chính phủ cân nhắc tăng thời gian miễn thị thực từ 14 ngày lên 30 ngày theo xu hướng du lịch mới của du khách là đi dài ngày hơn. Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Tổng cục du lịch) phối hợp chặt chẽ cùng các doanh nghiệp đẩy mạnh chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch để phát động lại các nguồn khách du lịch quốc tế tới Việt Nam.

Trong thư, các doanh nghiệp bày tỏ tin tưởng Thủ tướng thấu hiểu các thách thức và cơ hội của ngành du lịch, hàng không hiện nay; kỳ vọng Thủ tướng sẽ có những chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, ngay trong những ngày đầu Xuân, tạo khí thế mới để doanh nghiệp bước sang một năm mới với niềm tin vào cơ hội phục hồi. Các doanh nghiệp cam kết sẽ ủng hộ mạnh mẽ và đồng hành với Chính phủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục