Kiến nghị nhiều giải pháp phát triển năng lượng tái tạo

18:01' - 06/01/2023
BNEWS Phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Chiều ngày 6/1, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) tổ chức diễn đàn “Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam: Tư duy và hành động trong giai đoạn mới”; đồng thời trao chứng nhận cho các dự án trong Chương trình bình chọn dự án Năng lượng tái tạo tiêu biểu Việt Nam năm 2022.

 

Khai mạc diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Qua đó, nhấn mạnh, cần xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch, ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện.

Nhằm thực hiện những cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Biến đổi khí hậu toàn cầu (COP 26) về mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” đến năm 2050, Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp để hiện thực hóa cam kết này; trong đó, có kế hoạch ưu tiên việc chuyển đổi năng lượng.

Những năm qua, nhờ các cơ chế khuyến khích của Đảng và Chính phủ, cùng với sự vào cuộc tích của các Bộ, ngành, lĩnh vực năng lượng tái tạo có những bước phát triển tích cực.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các chính sách liên quan như Quy hoạch điện VIII vẫn chưa được ban hành khiến các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo gặp không ít khó khăn, lúng túng trong triển khai chiến lược cũng như các bước tiếp theo.

"Với quyết tâm mạnh mẽ trong việc chuyển dịch năng lượng, lộ trình phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam, hy vọng với chủ đề của diễn đàn năm nay, các khách mời tham dự cùng chuyên gia sẽ trao đổi nhằm tìm ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư và tạo ra thị trường năng lượng tái tạo phát triển cạnh tranh, bình đẳng trong giai đoạn tiếp theo", Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, công suất nguồn năng lượng tái tạo (cả thuỷ điện) hiện nay là khoảng 46.834 MW, chiếm 56% công suất nguồn điện; trong đó, có 7.605 MW công suất nguồn điện gió đã hoàn thành (gồm 4.126 MW đã vào vận hành và hưởng giá FIT, còn 62 dự án với tổng công suất 3.479 MW đã ký PPA với EVN nhưng do giá FIT hết thời hạn nên chưa có giá bán điện).

Phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đầu tiên là vấn đề cơ chế hỗ trợ phát triển chưa đưa ra được định hướng lâu dài, nhiều chính sách còn bất cập. Cụ thể, với dự án điện sinh khối, các dự án đồng phát chỉ hoạt động trong vụ mùa ép mía (4-5 tháng), thời gian còn lại trong năm (7-8 tháng) ngừng hoạt động.

Các dự án điện đồng phát có thể điều chỉnh kỹ thuật để tiếp tục hoạt động như nhà máy điện sinh khối sử dụng nguyên liệu khác như gỗ vụn, vỏ cây, phụ phẩm nông nghiệp… để phát điện. Tuy nhiên, nếu giá điện vẫn ở mức như điện đồng phát, hoạt động này sẽ không khả thi về mặt kinh tế do phải tăng thêm chi phí mua nhiên liệu sinh khối.

Với các dự án điện gió và điện mặt trời, hiện cơ chế hỗ trợ hết hiệu lực từ ngày 1/11/2021, chưa có chuyển tiếp nên 62 dự án/phần dự án điện gió đã xây dựng xong nhưng chưa được đưa vào vận hành do chưa có cơ chế giá.

Các dự án năng lượng tái tạo còn gặp khó khăn từ việc thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ. Ngoài ra, các dự án năng lượng tái tạo có thể kết hợp sản xuất điện với sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn phải thực hiện thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất dẫn đến kéo dài thực hiện, chưa tạo được sự đồng thuận của người nông dân.

Ngoài ra, là những khó khăn, vướng mắc về kỹ thuật như chưa có sự phát triển đồng bộ giữa các dự án năng lượng tái tạo với lưới điện truyền tải; các dự án điện gió, điện mặt trời có công suất biến đổi phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên, ảnh hưởng một phần đến quá trình vận hành hệ thống điện… Cuối cùng, là khó khăn về tài chính.

Các dự án năng lượng tái tạo có nhu cầu lớn về vốn nhưng rủi ro cao do công suất và sản lượng phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu khiến thời gian thu hồi vốn có thể kéo dài. Các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại chưa sẵn sàng cho vay hoặc có cho vay thì lãi suất cao.

Từ những khó khăn, vướng mắc trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy đề xuất các định hướng, chính sách ổn định. Hiện nay cơ chế giá cho các dự án điện mặt trời, điện gió - hai nguồn chủ lực trong năng lượng tái tạo đã hết hiệu lực, cần đưa ra định hướng trong giai đoạn tiếp theo.

Ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty IQLinks, Giám đốc Công ty Cổ phần Điện mặt trời Sunseap Link Việt Nam cho biết, theo báo cáo của Bộ Công Thương, tăng trưởng năng lượng tái tạo ở Việt Nam đạt 27% nhưng vẫn còn một số dự án năng lượng tái tạo chưa đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực. Các nhà đầu tư bỏ vốn vào các dự án năng lượng tái tạo nhưng chưa khai thác vẫn đang phải chịu lãi suất ngân hàng hoặc chưa thể thu hồi vốn.

Cuối tháng 12/2022, Bộ Công Thương có báo cáo trình Chính phủ xem xét giải pháp thí điểm cho 1.000 MW được bán điện trực tiếp. Đây là giải pháp tốt, theo thông lệ của thế giới nhưng giải pháp này hiện mới dừng ở đề xuất. 

Chưa kể, hệ thống lưới điện của Việt Nam hiện đang quá tải ở một số khu vực nên có dự án năng lượng tái tạo không thể đấu nối được vào đường truyền. Mấu chốt để phát triển năng lượng tái tạo là trạm điện và đường truyền tải. Do đó, cần có giải pháp để “khơi thông” điểm nghẽn này,

Ông Nguyễn Hoài Bắc đề xuất xem xét xã hội hoá đường truyền, huy động sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân xây dựng và phát triển đường truyền tải điện. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch điện VIII, xem xét việc xác định giá điện cơ sở để đảm bảo khả thi và phù hợp với thực tế… nhằm tháo gỡ khó khăn cho dự án năng lượng tái tạo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục