Kinh nghiệm nào để giải cứu nông sản trong vùng dịch?

18:23' - 25/02/2021
BNEWS Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của dịch COVID dẫn đến nông sản ở các vùng dịch bị ùn ứ; trong đó nhiều nhất là của tỉnh Hải Dương.

Trên các trang mạng xã hội, nhiều tổ chức, cá nhân đã nhiệt tình kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân vùng dịch và nhận được sự tham gia của nhiều người dân.

Dư luận cũng cho rằng, các cơ quan quản lý dường như vào cuộc chậm một bước so với cộng đồng.

Vậy, giải pháp nào gỡ khó triệt để cho nông dân nhất là khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra cần được các ngành chức năng nghiên cứu để không còn tình trạng mỗi khi ún ứ nông sản lại phải "giải cứu".

* Vì sao giá nông sản "giải cứu" thấp?

Liên quan đến việc "giải cứu" nông sản cho nông dân Hải Dương, tại sao lại giá thấp, trao đổi với phóng viên TTXVN, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Do đặc điểm của các mặt hàng nông sản là có sản lượng lớn, thu hoạch theo thời vụ (thường trong thời gian ngắn) nên yêu cầu bảo quản, chế biến tương đối khắt khe và nếu không tổ chức tiêu thụ nhanh sẽ giảm phẩm cấp, chất lượng thậm chí phải bỏ. Như vậy, vào thời vụ khi có sản lượng lớn nông sản được thu hoạch phải giải quyết được hai vấn đề cơ bản này.

Tuy nhiên, thời điểm dịch bùng phát tại tỉnh Hải Dương rơi đúng thời vụ thu hoạch phần lớn nông sản của tỉnh.

Đến ngày 15 tháng 2 năm 2021, toàn tỉnh Hải Dương đã thu hoạch được 19.500 ha rau màu, còn 2.802 ha đang đến kỳ thu hoạch.

Sản lượng thu hoạch dự kiến là 46.000 tấn hành, 30.700 tấn cà rốt, 8.000 tấn cải bắp, su hào, hoa lơ, rau ăn lá; 1.000 tấn lợn sữa. Trong khi 80% số nông sản này thời điểm không có dịch để phục vụ xuất khẩu.

Để quyết liệt thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, khâu tổ chức tiêu thụ bị vướng mắc ở việc vận chuyển, giao nhận hàng.

Cụ thể, nông sản bị ách tắc khi các thương lái không thể vận chuyển do quy định phòng, chống dịch tại một số địa phương giáp với tỉnh Hải Dương có nhiều điểm chưa phù hợp, linh hoạt, thậm chí cực đoan, không thống nhất trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước và quốc tế rất lớn.

Hậu quả theo quy luật cung cầu, nếu dư cung, tổng lượng nông sản của Hải Dương chưa tiêu thụ được đến ngày 15 tháng 2 năm 2021 khoảng 90.760 tấn thì giá giảm.

Hơn nữa, với đặc điểm như phân tích ở trên, Vụ Thị trường trong nước cho rằng, giá nông sản thường bị tổn thương mạnh (giảm sâu) hơn so với các loại hàng hóa khác.

* Xây dựng kịch bản và phương án tiêu thụ

Nhiều ý kiến cho rằng, việc giải cứu nông sản cần có quy trình, cấp độ, các phương án khác nhau và mang tính dài hơi... không chỉ đối với ngành nông sản mà còn cả các ngành khác.

Theo Vụ Thị trường trong nước đây là việc làm cấp thiết và thiết thực. Khi có quy trình, cấp độ, các phương án khác nhau và mang tính dài hơi để phòng, chống dịch COVID-19 cũng như các loại thiên tai khác sẽ giải quyết được triệt để các vấn đề vướng mắc.

Đơn cử như việc ách tắc hàng hóa trong khâu vận chuyển giao nhận hàng như của tỉnh Hải Dương mới đây đã gây hậu quả lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp khi chưa có quy trình, phương án thống nhất, hiện mỗi địa phương vận dụng một cách.

Chẳng hạn, nếu đặt tình huống giả định, dịch COVID-19 cùng lúc bùng phát ở nhiều địa phương thì phương án để đạt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế- xã hội sẽ thực hiện thế nào?

Những ngày qua, nông sản của tỉnh hải Dương có thể được giải cứu ở Hà Nội, Bắc Ninh nhưng nếu cả 2 địa phương này và rộng hơn có dịch thì phương án xử lý dịch bệnh trên diện rộng ra sao?

Bên cạnh đó, đang xuất hiện tình trạng ùn ứ nông sản ngay tại Hà Nội như huyện Mê Linh hiện khó khăn tiêu thụ củ cải trong khi Hà Nội là địa phương chủ lực giải cứu và dần lan rộng ra các địa phương khác.

Do vậy, để giải quyết tình huống này đồng bộ, hiệu quả nhất một số quốc gia trên thế giới đã thành lập Bộ Khẩn cấp. Đây là bài học kinh nghiệm tham khảo - Vụ Thị trường cho biết.

Chia sẻ về việc giải cứu nông sản, nhiều ý kiến phê phán sự chậm trễ của các cơ quan chức năng; trong đó, có Bộ Công Thương vào cuộc sau các tổ chức từ thiện, mạnh thường quân, Vụ Thị trường trong nước đã có chia sẻ về việc này.

Theo Vụ Thị trường trong nước, nhằm hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh; trong đó bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người là ưu tiền hàng đầu, góp phần đạt mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng, chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản, công điện đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương Hải Dương phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng của địa phương trong việc tổ chức đánh giá diện tích, sản lượng, thời vụ thu hoạch.

Cùng với đó, Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương Hải Dương xây dựng kịch bản và phương án tiêu thụ đối với sản phẩm nông sản, hàng hóa chủ lực trên địa bàn khi gặp khó khăn trong xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

Đồng thời, phối hợp các cơ quan chức năng, doanh nghiệp của địa phương rà soát, tổng hợp khả năng dự trữ của các kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản nông sản, thủy sản và các mặt hàng thiết yếu của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối trên địa bàn để huy động khi cần thiết.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn trong nước về việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh.

*Phối hợp cùng tháo gỡ

Trước những khó khăn của nông dân vùng dịch trong tiêu thụ nông sản, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến chỉ đạo về việc tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo, các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải và các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan trên cơ sở báo cáo và kiến nghị của Bộ Công Thương, chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao; khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ, có các giải pháp khả thi, kịp thời để tạo thuận lợi cho việc lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là đối với nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và nông sản tại các địa phương có dịch COVID-19.

Các cơ quan trên không để tình trạng ách tắc trong khâu giao nhận, vận tải làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, đồng thời bảo đảm yêu cầu công tác phòng chống dịch bệnh theo quy định.

Dựa trên ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương đã kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn phối hợp với các địa phương (thông qua Sở Công Thương) để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường.

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng chủ động làm việc với các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và doanh nghiệp để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, loại bỏ tâm lý e dè của người tiêu dùng đối với hàng hóa nông sản thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ vùng đang có dịch.

Cùng với Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có văn bản gửi UBND thành phố Hải Phòng và UBND tỉnh Hải Dương, các Sở Giao thông Vận tải của hai địa phương này liên quan việc đảm bảo lưu thông hàng hóa thuận lợi và an toàn phòng chống dịch COVID-19.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Sở Giao thông Vận tải Hải Dương nắm bắt nhu cầu xét nghiệm của lái, phụ xe vận chuyển hàng hóa trên địa bàn, phối hợp với đơn vị chức năng xét nghiệm nhanh cho đối tượng này theo hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa.

Sở Giao thông Vận tải Hải Dương thống kê số lượng lái xe, phụ xe hiện đang nằm trong vùng cách ly, phong tỏa; lên phương án sử dụng số lái, phụ xe bên ngoài vùng cách ly, phong tỏa thay thế cho lái xe, phụ xe đang bị cách ly; phối hợp hợp với Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng nghiên cứu, xem xét giải quyết kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam về việc có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho vận tải hàng hóa giữa tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo tổ chức phun khử khuẩn xe chở hàng hóa và giám sát quản lý chặt lái, phụ xe, yêu cầu hạn chế tiếp xúc với người khác; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch như: đeo khẩu trang trong suốt quá trình vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa, sát khuẩn tay thường xuyên, khai báo y tế, khử khuẩn phương tiện hàng ngày... nhằm giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh qua vận tải hàng hóa.

Hy vọng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng một cách phù hợp, hiệu quả, việc tiêu thụ nông sản, hàng hóa của các địa phương vùng dịch không chỉ là Hải Dương sớm được giải quyết nhằm giảm bớt thiệt hại của người dân; đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa ổn định nền kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục