Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng “hộ chiếu” và “thẻ xanh” vaccine

16:40' - 29/09/2021
BNEWS Với mục tiêu mở cửa trở lại và xác định chung sống với COVID-19, nhiều quốc gia đã áp dụng hình thức “hộ chiếu vaccine” và “thẻ xanh vaccine”.

Trong bối cảnh thế giới đã xác định sống chung an toàn với đại dịch COVID-19, ngày càng nhiều quốc gia đã áp dụng “thẻ xanh COVID-19” như là một trong những biện pháp để đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Và thực tế các biện pháp sử dụng “thẻ xanh” hay “hộ chiếu vaccine” đã cho thấy hiệu quả.

“Hộ chiếu” và “thẻ xanh” COVID-19

Gần hai năm kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, các nước trên thế giới đang nỗ lực mở cửa nền kinh tế trở lại khi virus SARS-CoV-2 tiếp tục biến đổi khó lường.

Trong bối cảnh đó, “hộ chiếu vaccine” và “thẻ xanh vaccine” được coi là những công cụ hiệu giúp các nước mở cửa dần dần mà vẫn có thể hạn chế đà lây lan và những tác động nghiêm trọng của COVID-19.

“Thẻ xanh vaccine” và “hộ chiếu vaccine” đều là hình thức chứng nhận thông qua ứng dụng trên điện thoại di động hoặc giấy chứng nhận việc một người đã tiêm chủng hoặc đã có miễn dịch sau khi phục hồi COVID-19 hay trong một số trường hợp là có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Tuy nhiên, “hộ chiếu vaccine” thường phục vụ cho mục đích đi lại xuyên biên giới, trong khi “thẻ xanh vaccine” giống như một tấm thẻ thông hành cho phép người sở hữu đi lại trong nước, đến các địa điểm công cộng, tham gia các sự kiện.

Nhiều báo chí quốc tế cũng không có sự phân biệt rạch ròi giữa các khái niệm "thẻ xanh vaccine" và "hộ chiếu vaccine", bởi về mặt kỹ thuật thì hai loại hình này có nhiều điểm tương đồng: Đều là loại hình chứng nhận tiêm chủng, và đang được phát triển dưới dạng chứng nhận số ở nhiều quốc gia.

Về chức năng, “hộ chiếu vaccine” phục vụ cho việc đi lại xuyên biên giới, do đó cần có sự công nhận cả ở điểm đi và điểm đến; còn “thẻ xanh vaccine” có thể được triển khai trong một quốc gia để hướng tới các hoạt động kinh tế-xã hội nội địa.

Với mục tiêu mở cửa trở lại và xác định chung sống với COVID-19, nhiều quốc gia đã áp dụng hình thức “hộ chiếu vaccine” và “thẻ xanh vaccine” mặc dù việc triển khai có sự khác nhau đôi chút.

“Thẻ xanh vaccine” lần đầu tiên được giới thiệu ở Israel vào đầu năm nay. “Thẻ xanh vaccine” có nhiều tên gọi khác nhau ở mỗi quốc gia như thẻ y tế, thẻ xanh, vé an toàn và coronapass. Hiện đa số các nước đều phát triển “thẻ xanh vaccine” dựa trên nền tảng điện tử, cho phép người dân truy cập thông qua mã QR trên điện thoại thông minh.

Sau khi quét xác nhận, người mang mã sẽ được phép đi vào những địa điểm công cộng như nhà hàng, trung tâm thương mại hay sân vận động, và có thể làm những công việc có yêu cầu nhân viên phải tiêm phòng đầy đủ.

Bằng cách tạo điều kiện cho những người đã tiêm chủng (hoặc xét nghiệm âm tính với COVID-19) tới những nơi công cộng có nguy cơ cao, các nước trên thế giới tin tưởng “thẻ xanh vaccine” sẽ giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm và bảo vệ những người chưa đủ điều kiện tiêm chủng.

Các đã nước áp dụng “hộ chiếu” và “thẻ xanh”

Hiện nay, việc áp dụng “thẻ xanh” khá linh hoạt, tùy theo tình hình dịch cũng như quan điểm chống dịch của từng quốc gia.

- Israel là một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng chương trình thẻ xanh vaccine trong việc mở cửa nền kinh tế, trên cơ sở chiến dịch tiêm chủng thành công của nước này. Thẻ xanh vaccine của nước này do Bộ Y tế phát hành cho tất cả người dân từ 3 tuổi trở lên, có hiệu lực trong tối đa 6 tháng sau khi tiêm đủ liều (hoặc trong vòng 72 giờ sau khi có kết quả xét nghiệm PCR âm tính).

Việc yêu cầu chứng chỉ này được áp dụng với hầu hết các địa điểm công cộng, cũng như tất cả những sự kiện giải trí như ca nhạc hay các trận bóng đá. Nhằm nới lỏng giãn cách xã hội hơn nữa, khi đã có khoảng 60% dân số được tiêm đủ liều, Israel đã tạm dừng chương trình này hồi giữa năm nay.

Tuy nhiên đến tháng 7, nước này quyết định tái áp dụng thẻ xanh vaccine trên toàn quốc khi số ca mắc mới COVID-19 gia tăng trở lại.

- Tại châu Âu, từ tháng 1/2021, khi chiến dịch tiêm chủng vừa chớm bắt đầu, Ủy ban châu Âu đã xây dựng xong bộ tiêu chuẩn kỹ thuật Chứng chỉ xanh COVID-19 (hay “Thẻ xanh”), bao gồm những dữ liệu bắt buộc phải có và quy chuẩn mã QR cho toàn bộ 27 quốc gia thành viên với 500 triệu dân. Mỗi nước châu Âu tùy ý thiết kế ứng dụng riêng, hoặc dùng lẫn của nhau, nhưng bắt buộc phải dựa trên bộ tiêu chuẩn nhất quán đó.

Chứng chỉ xanh về COVID-19 của EU có hiệu lực từ ngày 1/7/2021 sau khi Nghị viện châu Âu (EP) thông qua. Tính tới cuối tháng 8/2021, hơn 200 triệu người châu Âu đã có Chứng chỉ xanh. Một bộ tiêu chuẩn kỹ thuật nhất quán, một mã QR tương thích tại 27 quốc gia, được xem như công cụ tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân EU và là “chìa khóa” để mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch.

Đến nay, ít nhất 14 nước EU bao gồm Áo, Bỉ, Cộng hòa Cyprus, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Ireland, Italy, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Slovenia đã công bố về các hình thức của Chứng chỉ xanh COVID-19.

Tại Vương quốc Bỉ, người dân chỉ phải tải về máy điện thoại một ứng dụng duy nhất và ứng dụng đó cũng đơn giản, chỉ có 3 trang màn hình. Họ tên, ngày sinh, đã tiêm chủng, tiêm ngày nào, vaccine gì. Chưa tiêm chủng nhưng vừa làm xét nghiệm PCR, test khi nào. Đã nhiễm virus và khỏi bệnh, khỏi ngày nào.

Mã QR do Bỉ cấp theo bộ tiêu chuẩn chung, máy quét tại bất cứ quốc gia châu Âu nào cũng đọc được. Nếu không có điện thoại, có thể tải về bản in, hoặc yêu cầu gửi tới tận nhà.

Tại Pháp, xuất trình “thẻ xanh vaccine” là điều bắt buộc khi tới rạp chiếu phim, nhà hát, bảo tàng, nhà hàng, quán bar, quán cà phê (bao gồm cả quán ngoài trời), câu lạc bộ giải trí, một số trung tâm mua sắm, tham gia hoạt động thể thao và các sự kiện công cộng. Từ cuối tháng 9, quy định xuất trình “thẻ xanh vaccine” được áp dụng cho tất cả những người trên 12 tuổi.

Thẻ xanh vaccine tại Italy cũng có quy tắc tương tự như ở Pháp nhưng không áp dụng đối với các nhà hàng và quán cà phê ở ngoài trời. Một số bang của Đức cũng yêu cầu người dân xuất trình “thẻ xanh vaccine” để được vào nhà hàng. Áo liệt kê cả tiệm làm tóc trong những địa điểm cần “thẻ xanh vaccine”. Luxembourg bổ sung thêm nhà hàng và Bồ Đào Nha là các khách sạn.

Một số quốc gia châu Âu khác đã điều chỉnh các quy tắc về thẻ xanh trong suốt mùa hè vừa qua. Chẳng hạn như ở Hà Lan, khi số ca mắc COVID-19 mới giảm dần, chính phủ đã tạm thời hoãn chương trình cấp “thẻ xanh vaccine” và cho phép các nhà hàng và quán bar phục vụ khách hàng hết công suất.

Nếu mục đích của các nước châu Âu khi triển khai “thẻ xanh vaccine” là tăng tỷ lệ tiêm chủng thì điều này đã thành công ở một số quốc gia có tỷ lệ người dân do dự tiêm vaccine cao như Pháp. Theo một cuộc thăm dò vào tháng 12/2020, 60% người dân Pháp do dự về việc có nên tiêm vaccine ngừa COVID-19 hay không.

Nhưng kể từ giữa tháng 7/2021, khi Tổng thống Emmanuel Macron công bố kế hoạch “thẻ xanh vaccine”, hơn 13 triệu người Pháp đã tiêm mũi vaccine đầu tiên. Đến nay Pháp đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 88% người trưởng thành và 85% trẻ em từ 12 tuổi trở lên.

Đan Mạch đã áp dụng quy định xuất trình chứng nhận tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (còn gọi là coronapass) khi vào quán bar và nhà hàng. Tuy nhiên, khi việc tiêm chủng được thực hiện đầy đủ cho 80% dân số từ 12 tuổi trở lên, Đan Mạch đã trở thành quốc gia đầu tiên trong EU dỡ bỏ mọi hạn chế phòng COVID-19 với việc bỏ quy định xuất trình chứng nhận tiêm vaccine.

Từ tuần trước, người dân tại Đan Mạch có thể vào hộp đêm, nhà hàng hay các địa điểm khác mà không cần xuất trình coronapass.

Tại Anh, ứng dụng NHS COVID Pass được cơ quan y tế Anh triển khai từ tháng 7/2021, được đánh giá là ít nghiêm ngặt hơn so với các nước châu Âu khác do Anh để tự các doanh nghiệp quyết định họ có tham gia vào chương trình này hay không.

NHS COVID Pass giúp xác nhận các cá nhân đã tiêm đủ 2 mũi, có xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ hoặc mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng trở lại đây. Do không mang tính bắt buộc nên NHS COVID Pass được nhiều người dân Anh hưởng ứng.

Mới đây, chính phủ Anh đã quyết định hủy kế hoạch áp dụng “thẻ xanh vaccine” do nhận thấy “thẻ xanh vaccine” là không cần thiết trong bối cảnh tỷ lệ người Anh đi tiêm vaccine COVID-19 thời gian gần đây tăng đều đặn. Hiện Anh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cho hơn 80% người dân trên 16 tuổi và sẽ sớm công bố quyết định về việc có tiêm cho trẻ từ 12-15 tuổi hay không.

Trước đó, chính phủ nước này có kế hoạch áp dụng “thẻ xanh vaccine” từ cuối tháng 9 này, yêu cầu người Anh nếu muốn đến các câu lạc bộ, hộp đêm, các tụ điểm tập trung đông người sẽ phải xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm chủng.

- Tại Mỹ, từ hồi tháng 4/2021, chính quyền Mỹ đã không bác bỏ việc áp dụng cơ chế “thẻ xanh vaccine” bắt buộc. Tuy nhiên, 4 bang của Mỹ đã chủ động kích hoạt cơ chế “thẻ xanh vaccine” thông qua ứng dụng quét mã QR. Một số bang cũng tự triển khai các biện pháp nhằm tăng tỷ lệ tiêm chủng.

Chẳng hạn như bang California yêu cầu tất cả công chức bang và nhân viên y tế phải có chứng nhận tiêm chủng hoặc phải xét nghiệm mỗi tuần một lần kể từ tháng 8. Thành phố New York cũng áp dụng biện pháp tương tự nhưng bắt đầu triển khai từ giữa tháng 9…

- Trung Quốc đã triển khai hệ thống quét mã QR từ năm 2020, trong đó phân chia các nhóm dân số theo màu. Màu xanh cho phép người dân đi lại mà không bị hạn chế. Người có mã màu vàng được yêu cầu tự cách ly tại nhà 7 ngày. Nhiều địa điểm công cộng ở Trung Quốc yêu cầu phải quét QR xác định một người có đủ điều kiện đi vào hay không.

Từ tháng 3/2021, Trung Quốc tiếp tục ra mắt giấy chứng nhận điện tử trong đó tích hợp thông tin về tình trạng tiêm chủng vaccine, kết quả xét nghiệm của người sở hữu. Giấy chứng nhận này cũng được cấp cho cả công dân của họ và người nước ngoài ở Trung Quốc./.

>>>Israel yêu cầu bệnh nhân hồi phục vẫn cần tiêm vaccine để nhận "Thẻ Xanh"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục