Kinh tế ảm đạm "phủ bóng đen" lên mùa bầu cử ở Indonesia

06:00' - 30/10/2023
BNEWS Indonesia đang chuẩn bị cho “cuộc đua tam mã”, với hai ứng cử viên tổng thống dẫn đầu là Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto và cựu Thống đốc tỉnh Trung Java, Ganjar Pranowo.
Mùa bầu cử ở Indonesia đã bắt đầu giữa lúc nền kinh tế của quốc gia này đang trong tình trạng ảm đạm,  đồng nội tệ rupiah sụt giảm mạnh, thâm hụt tài khoản vãng lai cao và giới đầu tư đứng ngoài cuộc cho đến khi tìm được người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu ngày 14/2/2024.

Indonesia đang chuẩn bị cho “cuộc đua tam mã”, với hai ứng cử viên tổng thống dẫn đầu là Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto và cựu Thống đốc tỉnh Trung Java, Ganjar Pranowo. Theo kết quả các cuộc khảo sát mới nhất, hai đối thủ này đang bám đuổi nhau rất sát. Ứng cử viên thứ ba là cựu Thống đốc Jakarta Anies Baswedan.

Các nhà quan sát chính trị cho rằng tình trạng kinh tế không chỉ ảnh hưởng đến cảm tình của cử tri đối với chính phủ đương nhiệm mà còn có thể gây ra bất ổn cho chiến dịch tranh cử bắt đầu vào tháng 11 tới.

Các cuộc bầu cử 5 năm một lần này ở Indonesia thường được chú ý bởi sự gia tăng căng thẳng xã hội, trong bối cảnh các chính trị gia tăng cường những lời lẽ hùng biện vốn có thể dẫn đến các cuộc tranh luận sôi nổi cũng như các cuộc biểu tình trên đường phố.

 

 Tiến sĩ Adriana Elisabeth, giảng viên Khoa Khoa học Chính trị và Xã hội thuộc Đại học Pelita Harapan ở Tangerang, một thị trấn vệ tinh ngoại ô của Jakarta, cho biết: “Thời điểm diễn ra cuộc bầu cử lần này không lý tưởng lắm” trong lúc Indonesia vẫn đang phải giải quyết các hậu quả của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế như tăng trưởng chậm và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Chỉ riêng trong tháng 10 này, đồng rupiah đứng trong số các đồng tiền hoạt động kém nhất châu Á, giảm hơn 2% giá trị so với đồng USD và xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020. Để kìm hãm đà trượt giá của đồng rupiah, Ngân hàng trung ương Indonesia ngày 19/10 đã tăng lãi suất điều hành thêm 0,25 điểm phần trăm lên 6%, khiến các khoản vay mua ô tô và thế chấp nhà trở nên đắt đỏ hơn.

Thêm vào nỗi lo của các cử tri là giá gạo - mặt hàng lương thực chính ở Indonesia - tăng cao và được lý giải là xuất phát từ việc thiếu hụt nguồn cung do mất mùa vì ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino.

Ông Adhin Ardhana, nhà sáng tạo nội dung sinh sống tại Jakarta, cho biết năm 2023 là năm khó khăn nhất mà ông từng trải qua. Trong một bài đăng ngày 12/10 trên mạng xã hội X (mạng xã hội Twitter trước đây), ông Adhin nói rõ: “Tất cả các mặt hàng đều tăng... giá cổ phiếu giảm, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, cắt giảm việc làm trên diện rộng…”.

Giá trị xuất khẩu của Indonesia cũng sụt giảm, với thâm hụt tài khoản vãng lai lên tới 1,9 tỷ USD, tương đương 0,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong giai đoạn từ tháng 4-6/2023. Ngân hàng trung ương Indonesia cho biết điều này chủ yếu là do giá cả hàng hóa xuất khẩu giảm trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại.

Indonesia là nước xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới và cũng là nước xuất khẩu chính nickel đã qua chế biến - loại nguyên liệu được sử dụng để sản xuất xe điện.

Bà Dian Ayu Yustina, chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Mandiri có trụ sở tại Jakarta, cho hay các yếu tố toàn cầu, đặc biệt là lo ngại về lãi suất điều hành của Mỹ được dự báo vẫn ở mức cao, và cuộc khủng hoảng địa chính trị ở Trung Đông là nguyên nhân chính gây biến động kinh tế ở Indonesia

Theo Tiến sĩ Adriana, trong khi các điều kiện không thuận lợi của nền kinh tế có thể ảnh hưởng đến kết quả chính trị, sự không chắc chắn về chính trị cũng có thể ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của nền kinh tế.

Tiến sĩ Adriana lưu ý rằng nhiều doanh nghiệp đang phải chờ đợi và không đưa ra quyết định đầu tư vào Indonesia cho đến sau cuộc bầu cử. Tiến sĩ Adriana giải thích: “Họ đang chờ kết quả bầu cử và muốn biết người thắng cử sẽ áp dụng đường lối chính sách nào. Cho đến nay, không ai trong số 3 ứng cử viên tổng thống chia sẻ quan điểm rõ ràng về vấn đề này”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục