Kinh tế chia sẻ: Biến không thể thành có thể

05:30' - 29/09/2017
BNEWS Những ví dụ điển hình nhất của kinh tế chia sẻ có thể kể đến như mô hình chia sẻ chỗ ở Airbnb, chia sẻ phương tiện vận chuyển Uber và GrabTaxi hay mô hình gọi vốn cộng đồng Kickstarter.

Uber là một trong những ví dụ điển hình nhất của nền kinh tế chia sẻ. Ảnh: AFP/TTXVN

Khái niệm về “nền kinh tế chia sẻ”, hình thức kinh doanh dựa trên những nguồn lực sẵn có từ xã hội nhằm thỏa mãn nhu cầu thường ngày của con người một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất, đã không còn xa lạ đối với cuộc sống chúng ta.

Đặc điểm chung của những mô hình kinh doanh này là cho phép các cá nhân sử dụng tài sản nhàn rỗi (bao gồm cả những tài sản vô hình và hữu hình), được sở hữu bởi cá nhân khác, thông qua các nền tảng kết hợp trên Internet.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ và sự mở rộng của tầng lớp thượng lưu trong xã hội, nhu cầu sử dụng sản phẩm và dịch vụ chia sẻ không chỉ dừng lại ở những mặt hàng cơ bản phục vụ cuộc sống thường ngày, mà đã từng bước len lỏi vào những thị trường đẳng cấp hơn.

Mô hình này cho phép người tiêu dùng “chạm tới” những mặt hàng xa xỉ mà trước đây họ không thể chi trả như túi xách Gucci, Hermes, xe hơi BMWs hay thậm chí là cả phi cơ riêng.  

Từ trên trời, xuống dưới biển…

“Trải nghiệm quan trọng hơn sự sở hữu” – Đó là một trong những quan điểm đang chi phối xu hướng tiêu dùng trong thời gian gần đây.

Một bài viết được đăng trên tạp chí Global Times trích dẫn nhận định của một số nhà sáng lập các mô hình kinh tế chia sẻ cho rằng giữa bối cảnh xu hướng phụ kiện thời trang đang thay đổi từng ngày, việc thuê một chiếc túi xách xa xỉ thay vì sở hữu chúng là lựa chọn vừa thân thiện với môi trường vừa mang tính kinh tế cao.

Trong giới nghệ sỹ, khái niệm này thậm chí còn phổ biến hơn nhiều vì người nổi tiếng thường luôn muốn xuất hiện trước đám đông trong một diện mạo đẳng cấp, độc đáo và không đụng hàng, song không phải lúc nào họ sẵn sàng chi trả cho những món đồ chỉ mặc một lần đó.

Dịch vụ chia sẻ xa xỉ phẩm đã xuất hiện từ lâu trên thế giới tại những nước đã phát triển như Anh, Mỹ, Nhật Bản và đang bắt đầu lan nhanh sang khu vực châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc. Tại đây, người dùng có thể đặt thuê một chiếc túi xách sang trọng qua ứng dụng trên điện thoại thông minh như WeChat.

Giá thuê chỉ dao động từ 15 – 147 USD, tùy thuộc vào từng mẫu túi, so với mức giá bán trên thị trường là từ 2.000 – 3.000 USD/chiếc. Dou Bao Bao là công ty Trung Quốc cung cấp dịch vụ kiểu này với sản phẩm đến từ những thương hiệu thiết kế hàng đầu thế giới như Hermes, Louis Vuitton, Chanel, Christian Dior hay Celine.

Trong lĩnh vực vận tải, công ty Ezzy cung cấp dịch vụ chia sẻ các loại “xế sang” như BMW i3s hay Audi A3. Đến với Ezzy, người dùng chỉ phải bỏ một khoản tiền đặt cọc và chi phí nhỏ để có thể lái một chiếc BMW đi dạo phố. Không chỉ dành cho những đối tượng khách hàng “tầm trung”, dịch vụ này còn đặc biệt hữu ích đối với những ai có nhu cầu lái thử trước khi rút ví mua xe.

Bên cạnh những chiếc xe hơi sang trọng, người dùng còn có thể lựa chọn phương án di chuyển “trên trời” bằng phi cơ riêng. Share A Jet Exchange, dịch vụ vận tải của Mỹ cho phép nhiều người chia sẻ một chiếc phi cơ riêng mà không cần phải mua hay thuê chiếc phi cơ đó, là một mô hình như vậy.

Người dùng chỉ cần chi trả khoảng từ 7.000 USD/người/chuyến bay, thay vì phải mua hẳn một chiếc phi cơ có mức giá từ 3-4 triệu USD, hay thậm chí là trên 100 triệu USD.

Tương tự Share A Jet Exchange, Boatbound cũng là một mô hình chia sẻ tàu thủy phổ biến đang được ưa chuộng, hay như Onefinestay, một phiên bản cao cấp hơn của Airbnb, cung cấp dịch vụ chia sẻ nhà ở trong những khu ở cao cấp riêng biệt, có giá trung bình chỉ khoảng 600 USD/đêm.

… liệu có bền vững?

Chia sẻ xa xỉ phẩm cho phép người tiêu dùng trải nghiệm những sản phẩm đẳng cấp ngay cả với túi tiền “eo hẹp”.

Winston Chesterfield, Giám đốc nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường Wealth-X, nhận định rằng con người thường không mấy thích thú với những thứ đã quá quen thuộc, họ luôn muốn thử những điều mới lạ, thú vị hơn và hình thức kinh doanh này cho phép họ “thuê” một phần đời sống của những người giàu có hơn.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là với những thương hiệu đã quá thân thuộc như Uber hay Airbnb cùng mức giá vừa phải, liệu khách hàng có trung thành với “tân binh” Ezzay hay Dou Bao Bao?

Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Chesterfield cho rằng mặc dù phải cạnh tranh trong môi trường chi phí thấp là một bất lợi, song sự trải nghiệm của khách hàng mới là điều quan trọng.

Có thể, đối với những mặt hàng như quần áo và nhà ở, con người sẽ có xu hướng muốn sở hữu cao, song tính mới lạ sẽ luôn thu hút họ, và chính vì mỗi ngày có đến hàng trăm ngàn sản phẩm mới lạ được tung ra thị trường, nhu cầu sở hữu sẽ giảm đi, kể cả đối với những người giàu.

Chính vì thế, nhà lãnh đạo này tin tưởng rằng hình thức kinh doanh theo hướng chia sẻ các xa xỉ phẩm sẽ còn tiếp tục phát triển trong tương lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục