Kinh tế cửa khẩu - động lực tăng trưởng của Lạng Sơn

07:00' - 12/12/2024
BNEWS Lạng Sơn xác định phát triển kinh tế cửa khẩu là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, định hướng đến năm 2030, phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn thành trung tâm kinh tế cửa khẩu hiện đại, năng động; trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần logistics quốc gia và quốc tế...

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, tỉnh xây dựng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành “cửa khẩu kiểu mẫu” tiên tiến nhất ASEAN, phát triển dựa trên ứng dụng công nghệ cao, cửa khẩu thông minh, là “mô hình điển hình” cho vận tải đường bộ của Việt Nam, có hệ thống giao thông đường bộ hiện đại kết nối với cảng biển, sân bay.

Cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng hướng tới cung cấp chính các dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ thông minh, hiện đại, tương xứng với sự phát triển của dịch vụ đường sắt các nước ASEAN. Cửa khẩu Chi Ma trở thành cửa khẩu quốc tế, đóng vai trò là trung tâm kho vận, chợ đầu mối về vật liệu xây dựng, logistics, cung ứng và phân phối đơn hàng thương mại điện tử của tỉnh.

Cửa khẩu Tân Thanh phát triển theo hướng trở thành trung tâm chế xuất nông sản và tiêu thụ hàng nông sản cho Việt Nam, các nước ASEAN và Trung Quốc. Cửa khẩu Cốc Nam sẽ là khu kinh tế thương mại, dịch vụ biên giới đáp ứng mặt bằng các công trình dịch vụ công cộng, sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp, chế biến hàng hoá nông sản xuất, nhập khẩu; dịch vụ thương mại, kho ngoại quan.

 

Ngày 17/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119 - 1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2 - 1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc). Thời gian thực hiện Đề án, từ quý 3 năm 2024 đến hết quý 3 năm 2029.

Mục tiêu của Đề án là xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2-1089. Lạng Sơn phấn đấu trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc, đồng thời là cửa ngõ quan trọng thông thương hàng hóa của các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và các nước khác.

Tỉnh xây dựng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành cửa khẩu đường bộ tiên tiến nhất ASEAN phát triển dựa trên ứng dụng công nghệ cao, có hệ thống giao thông đường bộ hiện đại kết nối với cảng biển, sân bay; hình thành trung tâm thương mại giao thương hàng hóa đường bộ lớn nhất của Việt Nam với các nước ASEAN, Trung Quốc và ngược lại...

Lạng Sơn đặt mục tiêu đến năm 2027, nâng cao năng lực thông quan tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2-1089 gấp 2 đến 3 lần so với thời điểm hiện nay. Đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119-1120 tăng từ 800 xe/ngày lên 2.000-2.500 xe/ngày; đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2-1089 tăng từ 400 xe/ngày lên 800-1.200 xe/ngày.

Đến năm 2030, nâng cao năng lực thông quan tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2-1089 gấp 4 đến 5 lần so với thời điểm hiện nay. Đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 tăng từ 800 xe/ngày lên 3.000-3.500 xe/ngày; đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2-1089 tăng từ 400 xe/ngày lên 2.000-2.500 xe/ngày. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tất cả các loại hình qua đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119-1120 đạt khoảng 85 tỷ USD, qua đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2-1089 đạt khoảng 25 tỷ USD...

Để thúc đẩy phát triển kinh tế cửa khẩu, thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường hội đàm, trao đổi, đàm phán với chính quyền, địa phương phía Trung Quốc nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh, thống nhất các giải pháp nâng cao năng lực thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn; không để xảy ra ùn tắc hàng hóa, đặc biệt là dịp cao điểm cuối năm giáp Tết Nguyên đán; sớm khôi phục lại hoạt động tại các cặp cửa khẩu phụ Bình Nghi - Bình Nghi Quan, Pò Nhùng - Dầu Ái. Đồng thời, đa dạng hoá các mặt hàng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu để nâng cao hiệu quả hoạt động thông quan...

Năm 2024, kinh tế cửa khẩu có bước phát triển tích cực, hoạt động xuất, nhập khẩu duy trì ổn định tại 5 cửa khẩu và 2 đường chuyên dụng, lối thông quan với hiệu suất cao, trung bình đạt khoảng 1.300 lượt xe/ngày, cao điểm 1.500 lượt xe/ngày. Tính đến tháng 11/2024, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của tất cả các loại hình qua địa bàn tỉnh đạt 51.269,8 triệu USD, tăng 38,8% so với cùng kỳ; trong đó, riêng kim ngạch hàng hóa mở tờ khai tại Cục Hải quan tỉnh đạt 4.476,9 triệu USD, tăng 9%, trong đó xuất khẩu 2.079 triệu USD, giảm 13%; nhập khẩu 2.397,8 triệu USD, tăng 39%. Ước tính tổng kim ngạch xuất nhập khẩu mở tờ khai tại Hải Quan Lạng Sơn năm 2024 đạt 5.660 triệu USD, đạt 111% kế hoạch, tăng 18,4% so với cùng kỳ. Xuất khẩu hàng địa phương ước 122 triệu USD, đạt 72,2% kế hoạch, tăng 2,5% so với cùng kỳ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục