Kinh tế Eurozone giảm 3,8% trong quý I/2020 do dịch COVID-19

20:32' - 30/04/2020
BNEWS Kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm 3,8% trong quý I/2020 khi hoạt động kinh doanh đình trệ do các doanh nghiệp phải đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-1.

Đây là mức sụt giảm lớn nhất của kinh tế Eurozone kể từ năm 1995.

Tuy vậy, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) ngày 30/4 cho hay tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone chỉ tăng nhẹ lên 7,4% trong tháng 3/2020, từ mức 7,3% trong tháng 2/2020, cho dù nhiều doanh nghiệp, nhà máy, cửa hàng phải ngừng hoạt động tạm thời trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát.

Hàng triệu lao động ở Eurozone đang nhận được sự hỗ trợ thông qua các chương trình do các nước triển khai nhằm chi trả hầu hết lương cho người lao động để các doanh nghiệp bảo vệ việc làm cho người lao động.

Tuy vậy, số liệu trên có thể chưa thể hiện đầy đủ mức độ suy giảm kinh tế của Eurozone do phần lớn lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại ở các nước được áp dụng trong tháng 3/2020, tháng cuối cùng của quý I/2020.

Trong khi đó, Cơ quan Thống kế Quốc gia Pháp (INSEE) cho hay kinh tế Pháp sụt giảm 5,8% trong quý I/2020, mức sụt giảm lớn nhất kể từ năm 1949.

Còn Viện Thống kê Quốc gia Tây Ban Nha ngày 30/4 công bố số liệu sơ bộ cho thấy kinh tế Tây Ban Nha giảm 5,2% trong quý I/2020, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1970, do các tác động tiêu cực của dịch COVID-19.

Con số này cao hơn cả mức ước tính giảm 4,4% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Trong quý I/2020, đầu tư của Tây Ban Nha giảm 9,6% trong khi chi tiêu của các hộ gia đình ở nước này giảm 7,5%. Còn các ngành bán lẻ, vận tải và khách sạn của Tây Ban Nha giảm 11% trong quý I/2020.

Theo ông Gonzalo Gortazar, Giám đốc điều hành ngân hàng  Caixabank SA lớn thứ ba Tây Ban Nha cho rằng tình hình kinh tế nước này trong quý II/2020 có thể sẽ còn nghiêm trọng hơn do thời gian áp dụng lệnh phong tỏa dài hơn.

Các số liệu trên được công bố trước thềm cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Giới phân tích dự đoán ECB sẽ  mở rộng quy mô chương trình mua trái phiếu để hỗ trợ chính phủ các nước và thị trường.

Chỉ vài tuần sau khi công bố một chương trình kích thích kinh tế quy mô lớn, ECB hiện đang chịu sức ép phải triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ nhằm "vực dậy" nền kinh tế có thể giảm tới 10% trong năm 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục