Kinh tế Eurozone giảm mạnh nhất kể từ năm 1995

18:53' - 31/07/2020
BNEWS Kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã bị tác động mạnh bởi cuộc khủng hoảng COVID-19 khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm mạnh nhất kể từ năm 1995.

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) ngày 31/7, trong quý II/2020, Kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã bị tác động mạnh bởi cuộc khủng hoảng COVID-19 khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 12,1%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1995.

Phóng viên TTXVN tại Đức đưa tin mức sụt giảm mạnh trong quý II/2020 nối tiếp đà đi xuống rõ rệt trong quý I/2020, khi GDP của Eurozone giảm 3,6%.

Tuy nhiên, kể từ tháng 3/2020, nền kinh tế Eurozone đã hứng chịu những tác động mạnh khi các biện pháp nhằm kiềm chế dịch COVID-19 được áp dụng.

Sau khi đại dịch tạm thời đạt đỉnh trong tháng 4/2020, nhiều nước Eurozone đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế kinh tế và xã hội từ tháng 5/2020.

Trước đó, một số nền kinh tế lớn nhất trong Eurozone như Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha đã thông báo tốc độ tăng trưởng sụt mạnh trong quý II/2020.

Đức thông báo GDP sụt 10,1%, trong khi GDP của Pháp sụt giảm 13,8%, GDP của Italy giảm 12,4%, GDP của Bồ Đào Nha giảm 14,1% và Tây Ban Nha – một trong số quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh – ghi nhận GDP giảm tới 18,5%.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của hai nước là Lithuania và Latvia bị sụt giảm ở mức tương đối nhẹ so với các nước khác trong Eurozone, với các mức giảm tương ứng là 5,1% và 7,5%. Trong khi đó, kinh tế Áo giảm 10,7% và Bỉ 12,2%.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế Tây Ban Nha, đặc biệt ngành du lịch then chốt của nước này hiện vẫn đang phải gánh chịu hậu quả do dịch bệnh. Khủng hoảng cũng khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha tăng cao.

Từ tháng 4-6/2020, có khoảng 1 triệu người Tây Ban Nha mất việc làm, và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 15,33% - mức cao nhất ghi nhận trong một quý. Ủy ban châu Âu dự báo, GDP của Tây Ban Nha sẽ sụt giảm tới 10,9% trong năm nay.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez thông báo nước này đang đề nghị được hỗ trợ 209 tỷ euro từ gói viện trợ và phục hồi kinh tế của Liên minh châu Âu (EU), trong đó có 81 tỷ USD là viện trợ không hoàn lại.

Đối với Đức, mức sụt giảm GDP trong quý II/2020 lên tới 10,1% là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ khi nước này bắt đầu thống kê GDP theo quý từ năm 1970.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng nền kinh tế Đức sẽ dần tăng trưởng trở lại trong nửa cuối năm nay, với điều kiện số ca mắc COVID-19 không tăng mạnh trở lại.

Theo Viện Nghiên cứu kinh tế Đức (DIW), đã có các dấu hiệu "rõ ràng về sự phục hồi" và hoạt động kinh tế đã chạm đáy vào tháng 4/2020.

Dự báo, GDP trong cả năm 2020 của Đức sẽ sụt giảm 6,3%, trước khi tăng trở lại mức 5,2% vào năm 2021./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục