Kinh tế Eurozone: Lạm phát cách xa mục tiêu đề ra

20:35' - 01/04/2019
BNEWS Ngày 1/4, kinh tế Khu vực đồng đồng tiên chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục đón nhận các tin xấu, với tỷ lệ lạm phát cách xa mục tiêu mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra.
 Kinh tế Eurozone tăng trưởng chững lại. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Eurozone đón nhận tin xấu này giữa lúc kết quả khảo sát mới nhất của hãng cung cấp thông tin tài chính IHS Markit cho thấy lĩnh vực chế tạo của khu vực này sụt giảm ở mức nhanh nhất trong sáu năm qua.

Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), giá tiêu dùng tại Eurozone trong tháng 3/2019 chỉ tăng 1,4%, so với mức 1,5% của tháng trước đó và cách xa mức mục tiêu "ngay dưới 2%" mà ECB đề ra.

Lạm phát lõi (không tính các mặt hàng dễ biến động như năng lượng và thực phẩm) là 0,8%. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu đang đình trệ tại Eurozone.

Lạm phạt giảm tốc giữa những tín hiệu cho thấy kinh tế tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là tại các đầu tàu kinh tế của khu vực như Đức và Pháp.

Trước đó, kết quả khảo sát của hãng cung cấp thông tin tài chính IHS Markit cho biết, hoạt động chế tạo của Eurozone giảm mạnh nhất trong sáu năm qua do sức ép gia tăng từ căng thẳng thương mại tào cầu và những quan ngại về vấn đề Brexit.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo của Eurozone trong tháng 3/2019 giảm xuống 47,6 (điểm) trong tháng 3/2019, so với mức 49,3 (điểm) trong tháng 2/2019.

Trong khi đó, hoạt động chế tạo của Đức- nền kinh tế lớn nhất Eurozone - giảm mạnh nhất trong sáu năm rưỡi qua với chỉ số PMI giảm xuống còn 44,7 (điểm) trong tháng 3/2013.

Theo nhà kinh tế Phil Smith của IHS Markit, Brexit và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc đang “gióng lên hồi chuông cảnh báo” đối với hoạt động chế tạo của Đức.

Những dữ liệu trên cho thấy châu Âu đang “vật lộn” để đối phó với những căng thẳng thương mại toàn cầu và sự bất ổn liên quan vấn đề Brexit, đồng thời có thể gây lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách của ECB.

Đầu tháng Ba vừa qua, ECB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong năm nay và năm 2020 do "những bất ổn" từ địa chính trị cho đến xung đột thương mại đang đè nặng lên nền kinh tế khu vực.

Cụ thể, ECB dự báo kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 1,1% trong năm nay, giảm 0,6 điểm phần trăm với mức dự báo trước đó./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục