Kinh tế hợp tác xã - Liên kết từ ý tưởng đến hành động

18:18' - 18/02/2022
BNEWS Thực tế, nếu so sánh những mô hình hợp tác xã đầu tiên của những năm 1970 vốn manh mún, lạc hậu theo kiểu "đánh kẻng, chấm công" thì đến nay, những "hợp tác xã kiểu mới" đã hoàn toàn khác.

 

Năm 2022, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể, cùng với các khu vực kinh tế khác, khu vực hợp tác xã đã thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động với mức thu nhập ngày càng tăng. Có được kết quả này có thể khẳng định là do khu vực hợp tác xã đã có sự thay đổi mô hình, phương thức hoạt động trên hành trình cùng chung ý tưởng và sự liên kết.

Thực tế, nếu so sánh những mô hình hợp tác xã đầu tiên của những năm 1970 vốn manh mún, lạc hậu theo kiểu "đánh kẻng, chấm công" thì đến nay, những "hợp tác xã kiểu mới" đã hoàn toàn khác.

Đó là không chỉ là các thành viên trong hợp tác xã đã biết liên kết ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật cao vào từng quy trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm mà còn áp dụng công nghệ số để kết nối tiêu thụ sản phẩm đến những địa phương, quốc gia khác trên thế giới.

Dịch COVID-19 chính là phép thử cho các hợp tác xã khẳng định sức sống mãnh liệt nhờ sự liên kết bằng công nghệ số. Những trái vải, nhãn, xoài… từ Bắc Giang, Hưng Yên, Sơn La ở miền Bắc được kết nối tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử đã len lỏi tới từng gia đình ở phía Nam chỉ trong thời gian ngắn mà không phải qua các cuộc xúc tiến thương mại, ký kết hợp đồng trực tiếp. Đặc biệt, mùa vụ 2021, lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang chính thức phân phối trên cả 6 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam với giá ưu đãi và chuyển phát nhanh toàn quốc thông qua "Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia" do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức. Đây cũng là niên vụ đầu tiên, vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang châu Âu theo hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới thông qua sàn thương mại điện tử Voso. Ngoài ra là hàng ngàn tấn trái cây cũng được tiêu thụ tới các thị trường Pháp, Australia, Nhật Bản… qua sàn thương mại điện tử trong thời điểm diễn ra dịch COVID-19 gay gắt.

 
Sự liên kết 3 nhà: Nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp và mới đây thêm nhà băng (ngân hàng), nhà khoa học đã tạo nên chu trình khép kín từ khoa học kỹ thuật, chính sách hỗ trợ, nguồn vốn đến sản xuất, tiêu thụ. Điều này đã tạo thêm sức bật cho sản phẩm các hợp tác xã nhờ nâng cao giá trị, thương hiệu để vươn xa.

Chương trình mỗi địa phương một sản phẩm (OCOP) với mục tiêu tôn vinh, mở rộng tiêu thụ các sản phẩm làng nghề, đặc sản địa phương đã trở thành điểm tựa vững vàng cho các hợp tác xã chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín. Nhiều địa phương đã chủ động ban hành chính sách riêng về hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xúc tiến thương mại, khen thưởng… đã tiếp thêm sức mạnh cho kinh tế hợp tác xã phát triển. Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gợi ý cho sự kết nối sản phẩm OCOP. Đó là "nơi trồng cà ngon thì sẽ không thể có nước mắm ngon và ngược lại, nhưng để tạo ra sản phẩm cà dầm nước mắm ngon thì hai địa phương này có thể kết hợp với nhau tạo ra sản phẩm ngon."

Sau 3 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay, đã có 5.092 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; trong đó có sự đóng góp rất lớn của các hợp tác xã.

Rõ ràng sức mạnh của sự liên kết các thành viên trong hợp tác xã, giữa các hợp tác xã với nhau, giữa các khu vực kinh tế với hợp tác xã và đặc biệt là sự hỗ trợ về chính sách của Nhà nước đã tạo động lực cho khu vực hợp tác xã tiếp tục phát triển. Cùng với đó, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế số với sự nhanh nhạy thích ứng của hợp tác xã đã rút ngắn khoảng cách về thời gian, không gian đưa sản phẩm Việt Nam vươn tầm thế giới.

 

Tuy nhiên, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 mới đây đánh giá, khu vực kinh tế tập thể vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân.

Tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cấp ngành tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp diễn biến mới, thực tiễn Việt Nam. Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần xem trong việc thống kê, xây dựng dữ liệu lớn bởi trong hệ thống thống kê hiện nay còn thiếu dữ liệu khu vực kinh tế tập thể và là thực tế cần nhìn ra.

Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế, thương mại trên toàn cầu ngày càng gay gắt, tiêu chuẩn của người dân và chính sách của các nước trên thế giới ngày càng khắt khe. Do đó,  kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn rất khó có chỗ đứng, cạnh tranh, tồn tại và phát triển.

Vì vậy, sự liên kết cùng chung ý tưởng, hành trình kết nối trong khu vực hợp tác xã cùng sự hỗ trợ kịp thời, phù hợp từ thể chế, chính sách sẽ tạo nên những chuỗi giá trị sản xuất lớn giúp khu vực này đủ sức cạnh tranh trên thương trường, đem lại lợi ích cho thành viên, đóng góp giá trị cho kinh tế - xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục