Kinh tế hướng biển: Hành trang để Khánh Hòa vươn xa

06:37' - 16/08/2016
BNEWS Nhờ khai thác và sử dụng hiệu quả các tiềm năng và thế mạnh về biển của địa phương, Khánh Hòa đã tạo lập được một nền kinh tế năng động, hiệu quả, đầy sức sống.
Khánh Hòa có hệ thống cảng biển phong phú. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN

Không địa phương nào như Khánh Hòa có được lợi thế, tiềm năng cực kỳ quý giá, đó là sở hữu cùng lúc ba vịnh: Nha Trang, Cam Ranh, Vân Phong và vịnh nào cũng có giá trị về nhiều mặt và ở tầm quốc gia, quốc tế.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa khóa XVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội trước mắt cũng như lâu dài của địa phương là tiếp tục thực hiện 3 vùng kinh tế trọng điểm, gắn liền với ba vịnh biển nói trên.

Ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, toàn tỉnh đã và đang hình thành các khu công nghiệp, nhà máy công nghiệp nặng gắn với thế mạnh của biển. Bên cạnh đó, Khánh Hòa có hệ thống cảng biển phong phú, cùng với cơ sở hạ tầng, dịch vụ hàng hải phát triển mạnh mẽ, từng bước đáp ứng yêu cầu về du lịch và vận tải biển.

Bây giờ thì điều đó đã rõ nét. Trong một thời gian dài, dù các thế hệ lãnh đạo tỉnh  Khánh Hòa có nhiều trăn trở, nhưng một phần do cơ chế bao cấp, rồi sau đó do tiềm lực tỉnh chưa đủ khả năng để tự vận động và chủ yếu khi đó nhận thức về giá trị của các vịnh, về biển chưa thấu đáo, nên tốc độ phát triển kinh tế - xã hội khá khiêm tốn...

Chỉ từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, trong quá trình tìm kiếm, dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế, Khánh Hòa đã nhanh chóng đúc kết để đưa đến xác định một hướng đi đúng đắn  - đó là phải dựa vào biển và hướng ra biển. Ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh đã và đang hình thành dựa trên cơ sở đó.

Tỉnh uỷ Khánh Hòa đề ra mục tiêu đến năm 2020, sẽ đưa tỉnh trở thành địa phương mạnh về kinh tế biển, giá trị kinh tế biển chiếm 55 - 60% GDP toàn tỉnh, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của kinh tế biển chiếm 65 - 70%; đảm bảo vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo...

Trong đó, ưu tiên trước nhất cho kinh tế hàng hải (vận tải, cảng biển, đóng và sửa chữa tàu biển), rồi đến kinh tế du lịch biển và kinh tế hải đảo, phát triển các khu công nghiệp, kinh tế thuỷ sản (nuôi trồng, đánh bắt, chế biến hải sản).

Vịnh Nha Trang - một trong số 29 vịnh được Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất trên thế giới kết nạp làm thành viên vào năm 2003, sau đó được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích thắng cảnh cấp quốc gia.

Du lịch biển, ngành kinh tế thế mạnh của Khánh Hòa. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN

Mười mấy năm qua, cùng với các cơ sở hạ tầng do nhà nước đầu tư, hàng trăm khách sạn được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vốn vào xây dựng. Hiện nay toàn tỉnh có trên 610 cơ sở lưu trú phục vụ du lịch với hơn 20.400 phòng, tăng gấp 2,1 lần chỉ sau 8 năm (năm 2008) mà hầu hết tập trung ở thành phố Nha Trang; trong đó có trên 70 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao.

Du khách không chỉ biết đến Nha Trang nhiều hơn nhờ công trình cáp treo vượt biển dài nhất thế giới từ đất liền qua đảo Hòn Tre, hay là một địa điểm diễn ra các cuộc thi hoa hậu trong nước và quốc tế, mà còn nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, như tắm bùn, lặn biển, tham dự Festival biển được tổ chức định kỳ 2 năm/lần...

Với nhiều lợi thế về cảnh quan biển đảo, môi trường, khí hậu, thực tế trong nhiều năm qua, tỉnh Khánh Hòa, chủ yếu là thành phố bên bờ vịnh Nha Trang đã vươn lên trở thành một trung tâm du lịch lớn của cả nước.

Kinh tế từ du lịch đóng góp vào GDP hàng năm của tỉnh chiếm tỷ trọng từ 12% trở lên. Chỉ tính giai đoạn 2012 - 2015, trung bình mỗi năm ngành du lịch Khánh Hòa đạt doanh thu trên 4.855 tỷ đồng. Năm ngoái địa phương đã đón trên 4 triệu lượt du khách; trong đó có gần 1 triệu lượt du khách quốc tế.

Kinh tế hướng biển: Hành trang để Khánh Hòa vươn xa. Ảnh minh họa: Bá Hưng/TTXVN

Đến nay, KKT Vân Phong đã thu hút trên 130 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hàng chục tỷ USD. Trong đó phải kể đến các dự án như Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong công suất 10 triệu tấn/năm (4,3 tỷ USD), Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong I có công suất 1.320 MW với tổng mức đầu tư 2 tỷ USD đã được Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư và tỉnh Khánh Hòa cùng các nhà đầu tư đang tích cực chuẩn bị để sớm khởi động.

Với những dự án đã đi vào hoạt động như Kho xăng dầu Ngoại quan Vân Phong, Nhà máy đóng tàu biển Hyundai Vinashin… đã phát huy hiệu quả rõ nét. Riêng Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin 6 tháng đầu năm nay đã xuất khẩu 8 chiếc tàu biển có trọng tải từ 39.000 - 78.000 tấn, đạt giá trị trên 250 triệu USD.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Khánh Hòa xác định đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông, điện, nước theo quy hoạch đã được phê duyệt, sớm giao đất sạch cho các nhà đầu tư thực hiện dự án, với hy vọng không lâu nữa sẽ đưa vùng kinh tế trọng điểm này trở thành một đại công trường xây dựng.

Đối với vịnh Cam Ranh, bên cạnh tầm quan trọng về chiến lược quốc phòng, một vùng trọng điểm kinh tế đã và đang hình thành, với định hướng phát triển cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, cảng biển Ba Ngòi thành cảng container phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng Nam Trung bộ và Nam Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, khu du lịch Bãi Dài (bắc bán đảo Cam Ranh) đã và đang hình thành với mục tiêu trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia. Đến nay, hàng chục dự án khách sạn, khu resort dần dần hiện hữu. Nhiều người kỳ vọng khu du lịch này không hề thua kém Nha Trang bởi có bãi biển tuyệt đẹp, cảnh vật còn hoang sơ, yên bình.

Cách đó không xa, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đã trở nên quá tải, khi năm ngoái đã có trên 2,7 triệu lượt hành khách thông qua cảng, nên hiện nay Khánh Hòa đã chủ động tìm nhà đầu tư xây dựng thêm đường băng số 2 và xây thêm nhà ga dành cho khách quốc tế, với công suất có thể đáp ứng 4 triệu lượt hành khách thông qua cảng vào năm 2025.

Tại vùng kinh tế trọng điểm này còn có dự án Trung tâm nghề cá lớn đang hình thành, lấy cảng Đá Bạc làm động lực, phục vụ hậu cần nghề cá cho cả vùng duyên hải Nam trung bộ.

Ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh cũng chính là những hậu phương vững chắc để Khánh Hòa xây dựng huyện đảo Trường Sa hùng mạnh, với thế trận quốc phòng toàn dân, trở thành "ngôi nhà thứ hai" của hàng vạn ngư dân ngày đêm bám biển đánh bắt hải sản, làm giàu cho bản thân và đất nước.

Có thể nói, nhờ xác định được hướng phát triển đúng đắn, với nhiều chủ trương, giải pháp mang tính đột phá, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa, tập trung khai thác và sử dụng hiệu quả các tiềm năng và thế mạnh về biển của địa phương, Khánh Hòa đã tạo lập được một nền kinh tế năng động, hiệu quả, đầy sức sống.

Tỉnh đang phấn đấu để trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020. Cả ba vùng kinh tế trọng điểm đều hướng ra biển lớn, cũng chính là nền tảng để Khánh Hòa vươn xa trong tương lai./.          

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục