Kinh tế Iran: Nợ xấu tăng và tài sản ảo nhiều

07:31' - 26/12/2018
BNEWS Chính phủ Iran đang đối mặt với những thách thức kinh tế to lớn khi công bố ngân sách 2019, dự kiến vào ngày 25/12, không phải tất cả đều xuất phát từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Kiểm đổi đồng Rial của Iran (phải) và đồng Đôla Mỹ tại Tehran, Iran. Ảnh: AFP/ TTXVN 

Đồng rial của Iran đã mất khoảng một nửa giá trị so với đồng USD sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng Năm thông báo rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân đã ký năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran.

Điều này đã khiến giá cả tăng và ngăn cản nhiều khoản đầu tư nước ngoài mà Tổng thống Hassan Rouhani hy vọng sẽ vào Iran. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo kinh tế nước này sẽ giảm 3,6% vào năm tới.

Nhà kinh tế Iran Mohammad Mahidashti cho rằng hệ thống ngân hàng là "vấn đề lớn nhất", với rất nhiều tài sản ảo và các khoản nợ xấu.

Các ngân hàng đã cấp những khoản cho vay lớn dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Rouhani Mahmoud Ahmadinejad mà không mấy quan tâm liệu những khoản vay đó có được hoàn trả hay không.

Ủy ban kinh tế của Quốc hội Iran hồi tháng Ba cho biết 50% tổng các khoản vay, trị giá khoảng 27 tỷ USD vào thời điểm đó, đã biến thành nợ xấu.

Trong bối cảnh buộc phải cố gắng thu hút dòng tiền gửi mới với lãi suất cao từ 30% trở lên, các ngân hàng cũng đang phải gánh những tài sản không thể bán được sau khi bơm tiền vào thị trường dự án xây mà đã sụp đổ năm 2013.

Tuy nhiên, chính phủ không muốn để các ngân hàng sụp đổ, do lo ngại phản ứng dữ dội của công chúng, đặc biệt là sau sự đổ vỡ của các cơ quan tín dụng vốn đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình rầm rộ cách đây một năm.

Tin tức nói rằng việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã khiến đồng rial giảm giá mạnh, nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Iran Abdolnasser Hemmati hồi tháng Chín cho rằng nguyên nhân là do nguồn cung tiền tăng quá mạnh.

Do không nhìn thấy nhiều cơ hội đầu tư chắc chắn và sinh lời, nhiều người Iran chọn cách chuyển số tiền tiết kiệm bằng đồng rial sang đồng USD.

Khi khả năng Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt gia tăng khiến đồng rial chịu sức ép vào đầu năm nay, Chính phủ Iran đã yêu cầu đóng cửa các quầy đổi tiền và ấn định tỷ giá ở mức 42.000 rial = 1 USD.

Động thái này đã gây tâm lý hoang mang và khiến những người đầu tư tìm đến "chợ đen". Đồng nội tệ mất giá khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ vào thời điểm các biện pháp trừng phạt đã làm cho việc đưa hàng hóa vào Iran khó khăn hơn.

Kết quả là giá cả tăng, với giá thực phẩm và đồ uống trong tháng 11 năm nay tăng 60% so với năm ngoái.

Một vấn đề khác phải kể đến là dù đang được tư nhân hóa, đa phần nền kinh tế Iran vẫn do nhà nước kiểm soát, hoặc trực tiếp hoặc do các tập đoàn có liên quan đến chính phủ hoặc quân đội là cổ đông chính.

Giới phân tích cho rằng điều này khiến lĩnh vực tư gặp bất lợi, khó thu hút đầu tư và cạnh tranh các dự án. Tia hy vọng về việc thỏa thuận hạt nhân giúp thu hút đầu tư nước ngoài, qua đó thúc đẩy lĩnh vực tư nhân đã lụi tắt khi các biện pháp trừng phạt được áp đặt trở lại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục