Kinh tế Israel thiệt hại hàng tỷ USD do lãng phí thực phẩm

11:32' - 21/01/2024
BNEWS Tình trạng lãng phí thực phẩm diễn ra trong bối cảnh 1,4 triệu người ở Israel không có đủ điều kiện hoặc khả năng đáp ứng đầy đủ các loại thực phẩm theo nhu cầu tối ưu cho cơ thể.
Tình trạng lãng phí thực phẩm cộng với các cuộc xung đột đang gây ra tác động kép tới an ninh lương thực tại Israel, một mặt làm gia tăng bộ phận người dân không được tiếp cận dinh dưỡng phù hợp, mặt khác khiến nền kinh tế thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm.

 
Báo cáo về tình trạng lãng phí và tổn thất thực phẩm 2023 do tổ chức phi lợi nhuận Leket Israel vừa công bố cho biết, trong năm 2022 đã có khoảng 2,6 triệu tấn thực phẩm bị lãng phí tại Israel, với tổng giá trị lên tới 23,1 tỷ NIS (6,16 tỷ USD). Con số này chiếm tới 37% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước. Đặc biệt, trong số thực phẩm bị lãng phí, 50% vẫn còn có thể được sử dụng hoặc có thể khôi phục.

Thực phẩm lãng phí bao gồm từ thức ăn thừa do sử dụng không hết, tới các loại thực phẩm bị hỏng do bảo quản không đúng cách hoặc các loại nông sản bị nông dân vứt bỏ hoặc thiếu người thu hoạch. Tình trạng lãng phí thực phẩm diễn ra trong bối cảnh 1,4 triệu người ở Israel gặp vấn đề về an ninh dinh dưỡng, tức không có đủ điều kiện hoặc khả năng đáp ứng đầy đủ các loại thực phẩm theo nhu cầu tối ưu cho cơ thể.

Chuyên gia về dinh dưỡng tại Bộ Y tế Israel, Ronit Andwalt, cho biết tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng là hiện tượng ngày càng phổ biến tại Israel và được dự báo sẽ gia tăng trong năm 2024. Đây là tình trạng xuất hiện khi người tiêu dùng phải mua thực phẩm giá rẻ hoặc không phù hợp hoặc không đúng về số lượng. Hậu quả là người tiêu dùng dễ bị mắc các loại bệnh tật hơn.

Tình trạng lãng phí thực phẩm liên tục diễn ra trong các năm qua tại Israel. Tuy nhiên, xung đột với phong trào Hamas ở biên giới phía Nam và Hezbollah ở phía Bắc đang khiến tình hình xấu đi, bởi chiến sự ảnh hưởng tới khoảng 30% tổng diện tích canh tác. Các khu vực gần với biên giới Gaza, thường được ví là “vựa nông sản” của Israel, chiếm khoảng 2/3 diện tích nông nghiệp bị ảnh hưởng. Các cuộc xung đột khiến người dân các vùng gần biên giới phải đi sơ tán và lao động nước ngoài bỏ về nước. Hậu quả là các trang trại chăn nuôi không có người chăm sóc, còn các trang trại rau màu và cây trái không có người thu hoạch khi đến vụ.

Về nguy cơ đối với an ninh lương thực, ngoài nhóm dân cư yếu thế thông thường, các cuộc xung đột còn tác động tới nhóm dân cư phải đi sơ tán. Do mất việc làm và thu nhập, nhóm người này khó tiếp cận các loại thực phẩm lành mạnh đúng với nhu cầu hàng ngày. Với tình hình xung đột tiếp diễn như hiện nay, tình trạng này sẽ còn xấu đi trong thời gian tới. Nhóm dân số có thu nhập ổn định, không gặp vấn đề về khả năng chi trả cho thực phẩm hàng ngày, sẽ ngày càng cảm nhận rõ hơn tình trạng giá cả gia tăng và khan hiếm hàng hóa.

Ngoài ra, lần đầu tiên báo cáo cũng đề cập tới khía cạnh chi phí y tế gia tăng do lãng phí thực phẩm. Trong năm 2022, chi phí này được ước tính khoảng 5,2 tỷ NIS, chiếm khoảng 5% tổng chi phí y tế. Nhóm dân số gặp vấn đề về an ninh lương thực sẽ đối mặt nhiều hơn với nguy cơ về sức khỏe, dẫn đến gia tăng chi phí cho điều trị y tế. Chuyên gia Andwalt cho biết, béo phì và bệnh tật là hai hậu quả phổ biến nhất của tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng. Không chỉ về y tế, điều này còn làm giảm năng suất lao động, giảm khả năng tiếp thu kiến thức và khả năng giao tiếp xã hội, qua đó gây ra thiệt hại gián tiếp tới nền kinh tế. Một ví dụ dễ thấy nhất là việc điều trị bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim hoặc cao huyết áp có chi phí rất cao và nhanh chóng gây áp lực tới nền y tế.

Bên cạnh đó, tình trạng lãng phí thực phẩm còn gây ra hậu quả về mặt môi trường. Nông sản thối hỏng hoặc thực phẩm vứt bỏ do dư thừa hoặc không bảo quản đúng cách làm chi phí cho môi trường tăng 3,9 tỷ NIS mỗi năm. Ví dụ, tại Israel, rác thực phẩm chiếm khoảng 1/3 tổng rác thải của các hộ gia đình và là thủ phạm của 6% lượng khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính.

Tổng Giám đốc điều hành Bộ Bảo vệ Môi trường Israel, Guy Smet, cho biết đang phối hợp với tổ chức Leket để thu gom các mặt hàng lương thực, thực phẩm có nguy cơ bị lãng phí để bảo quản và chuyển tới quân đội, người dân sơ tán và những đối tượng có nhu cầu khác, qua đó tránh lãng phí nguồn lực và giảm thiểu việc chôn lấp rác thải.

Được ví là “Ngân hàng thực phẩm quốc gia”, Leket Israel hiện có mạng lưới trên 54.000 tình nguyện viên, mỗi năm huy động được trên 61.000 tấn thực phẩm lẽ ra đã bị vứt bỏ và cung cấp cho trên 170.000 người dân Israel mỗi tuần. Tổng giám đốc Leket, Gidi Karuch, nói đây là báo cáo thường niên lần thứ 8 của tổ chức này và lần đầu tiên Leket Israel đánh giá tác động của tình trạng lãng phí thực phẩm tới nhóm dân số yếu thế bị ảnh hưởng bởi mất an ninh dinh dưỡng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục