Kinh tế Malaysia sẽ duy trì đà tăng trưởng ổn định

07:39' - 16/05/2023
BNEWS Các chỉ số kinh tế mới nhất đã chỉ ra rằng nền kinh tế Malaysia đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 4-5% trong năm 2023.

Các chỉ số kinh tế mới nhất đã chỉ ra rằng nền kinh tế Malaysia đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 4-5% trong năm 2023. Với việc nền kinh tế tăng trưởng 5,6% trong quý I/2023, Thống đốc Ngân hàng rtung ương Malaysia (BNM) Tan Sri Nor Shamsiah Yunus cho hay kinh tế Malaysia sẽ không rơi vào suy thoái trong năm nay.

 

Trên thực tế, báo cáo tổng thể trong quý I/2023 là tín hiệu tích cực khi lạm phát phần nào được kiểm soát, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc và thị trường lao động trong nước dần ổn định.

* Tín hiệu tích cực

Cục trưởng Cục Thống kê, Tiến sỹ Mohd Uzir Mahidin cho hay kết quả tăng trưởng kinh tế trong quý I/2023 có được là nhờ chi tiêu hộ gia đình, hoạt động đầu tư trực tiếp, thị trường lao động và hoạt động du lịch được cải thiện.

Cụ thể, ngành dịch vụ tăng trưởng 7,3% trong quý I nhờ thương mại và bán lẻ (9,4%), vận tải (17%), kinh doanh dịch vụ (16,2%), ăn uống và lưu trú (12%); lĩnh vực sản xuất tăng trưởng 3,2%; lĩnh vực xây dựng tăng 7,4%, trong đó xây dựng dân sự (15,9%); khai khoáng và khai thác đá tăng 2,4%; nông nghiệp tăng trưởng nhẹ ở mức 0,9%, trong đó ngành dầu cọ (3,4%).

Ngoài ra, tiêu dùng tư nhân tăng 5,9% và đóng góp 61,5% GDP, các lĩnh vực khác như nhà ở, nước, điện, khí đốt và nhiên liệu khác tăng trưởng 8,9%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã ghi nhận mức vốn lên tới 12 tỷ RM, chủ yếu là ở ngành tài chính, khai thác và sản xuất.

* Nhu cầu trong nước là mấu chốt

Lạm phát vẫn ở mức cao, dự báo từ 2,8-3,8% trong năm 2023. Thống đốc BNM, bà Nor Shamsiah nhận định lạm phát ở mức 3,9% trong quý I/2023, thể hiện rõ rằng ngay cả khi chi phí đã giảm thì hoạt động kinh tế sôi động vẫn tạo ra áp lực thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và khiến lạm phát tăng cao.

Cụ thể bà nói: “Chúng ta có thể thấy rõ điều này thông qua các chỉ số như trong thương mại bán lẻ và dữ liệu về chi tiêu thẻ tín dụng, hoặc ngay cả khi chúng ta đi ra trung tâm thương mại và nhà hàng, chúng ta có thể thấy hàng dài người xếp hàng”.

Việc kiểm soát lạm phát phụ thuộc vào sự điều chỉnh chính sách của nhà nước trong trợ cấp và kiểm soát giá, sự thay đổi của thị trường tài chính cũng như rủi ro tăng giá hàng hóa toàn cầu do xung đột địa chính trị và thời tiết bất lợi như El Nino.

Bất chấp những thách thức đối với nền kinh tế, bà Nor Shamisah khẳng định nền kinh tế Malaysia được dự đoán sẽ tăng trưởng 4-5% nhờ tín hiệu khả quan của nhu cầu nội địa. Nguy cơ lạm phát cao chủ yếu đến từ yếu tố trong nước như hoạt động du lịch, việc triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn.

* Những thách thức kinh tế Malaysia đối mặt trong năm 2023

Phù hợp với đánh giá gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ Tài chính cho biết tăng trưởng GDP của Malaysia dự kiến ở mức trung bình trong năm 2023, do hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất là yếu tố bên ngoài, căng thẳng địa chính trị, áp lực tăng giá hàng hóa và các điều kiện tài chính bị thắt chặt ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế thế giới. Thứ hai là yếu tố trong nước, các hiện tượng thời tiết khí hậu cực đoan như hiện tượng sóng nhiệt hiện nay và El Nino dự kiến bắt đầu từ tháng 6/2023 sẽ có thể ảnh hưởng đến một loạt nền kinh tế như xây dựng và nông nghiệp.

Tuy nhiên, bất chấp những thách thức trên, Chính phủ Malaysia tin tưởng tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức 4-5% trong năm 2023. Bộ trưởng Tài chính Datuk Seri Anwar Ibrahim khẳng định chính phủ sẽ ưu tiên giải quyết các thách thức kinh tế mà người dân Malaysia phải đối mặt, nhất là giảm lãng phí và chống tham nhũng.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Malaysia ở mức cao so với khu vực như Indonesia 5%, Trung Quốc 4,5%. Tỷ lệ thất nghiệp trong quý I/2023 chỉ ở mức 3,5% (so với 3,6% trong quý IV/2022), một phần nhờ vào sự phục hồi của du lịch trong nước, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Dữ liệu cho thấy các chuyến bay giữa hai nước đã khôi phục 30% so với mức năm 2019, cung cấp 25% việc làm cho người lao động. Lĩnh vực sản xuất tăng trưởng ổn định nhờ vào sự đa dạng về xuất khẩu khi Malaysia không chỉ xuất khẩu hàng hóa mà còn cả công nghệ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục