Kinh tế Mỹ chờ loạt sự kiện quan trọng nhất trong nhiều năm

14:26' - 28/07/2025
BNEWS Một loạt số liệu kinh tế quan trọng của Mỹ sẽ được công bố trong tuần này gồm: Báo cáo việc làm, lạm phát, lòng tin tiêu dùng và lợi nhuận doanh nghiệp cùng với báo cáo đầu tiên về GDP quý II/2025.
Một loạt số liệu kinh tế quan trọng của Mỹ sẽ được công bố trong tuần này, bao gồm báo cáo việc làm, lạm phát, lòng tin tiêu dùng và lợi nhuận doanh nghiệp cùng với báo cáo đầu tiên về GDP quý II/2025. Và quan trọng nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ quyết định sẽ cắt giảm hay giữ nguyên lãi suất thêm một lần nữa.

Thêm vào đó, ngày 1/8 là hạn chót mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump đặt ra cho việc áp mức thuế quan mới cho toàn bộ trên 200 đối tác thương mại của Mỹ. Các cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Trump sẽ đàm phán thỏa thuận với Trung Quốc tại Thụy Điển. Và một tòa phúc thẩm sẽ nghe các lập luận trong tuần này về việc liệu phần lớn các mức thuế quan mà ông Trump tuyên bố có hợp pháp hay không.

 
Nhìn chung, các số liệu có thể cho thấy một nền kinh tế Mỹ có khả năng phục hồi nhưng đang chậm lại dưới những tác động từ những thay đổi thuế quan của ông Trump, việc cắt giảm nhân viên chính phủ và chi tiêu, cũng như việc trục xuất mạnh tay những người lao động sinh ra ở nước ngoài.

Một số tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ sẽ công bố báo cáo lợi nhuận trong tuần này, bao gồm Microsoft, Meta, Amazon và Apple. Các báo cáo này sẽ định hình tâm lý thị trường.

Cổ phiếu công nghệ đã thúc đẩy thị trường tăng trưởng kỷ lục trong những tháng gần đây khi các nhà đầu tư tập trung vào việc chuẩn bị cho sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI). Theo FactSet, cho đến nay, khoảng 80% các công ty thuộc chỉ số S&P 500 đã công bố báo cáo trong mùa báo cáo lợi nhuận này đều vượt ước tính.

Trong tuần này, hai báo cáo về lòng tin tiêu dùng và tâm lý tiêu dùng sẽ được công bố.

Chỉ số lòng tin tiêu dùng theo đánh giá của Conference Board đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đại dịch khi ông Trump áp mức thuế quan cao lên các đối tác thương mại lớn. Người tiêu dùng lo ngại về tác động tiêu cực đến nền kinh tế và giá cả nhưng đã lạc quan hơn khi các thỏa thuận thương mại bắt đầu được công bố.

Trong khi đó, khảo sát tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan tiếp tục cho thấy người tiêu dùng lo ngại về việc lạm phát sẽ tăng trở lại, sau khi nền kinh tế đã kiềm chế được mức tăng giá lịch sử sau đại dịch. Mặc dù tâm lý đã phục hồi từ mức thấp gần kỷ lục vào đầu năm nay, nhưng vẫn còn thấp do chính sách thương mại của ông Trump.

Về GDP, số liệu này giảm trong quý đầu tiên của năm, lần đầu tiên kể từ năm 2022. Các nhà kinh tế kỳ vọng sẽ có sự cải thiện trong quý II/2025, khi nhập khẩu được tái cân bằng nhờ các công ty đẩy mạnh mua hàng trước khi thuế quan của ông Trump có hiệu lực. Họ cảnh báo rằng, cũng giống như việc hàng tồn kho tăng đột biến có thể đã gây tổn hại không thực chất đến GDP trong quý I/2025, việc các công ty xử lý hàng tồn kho trong quý II/2025 có thể khiến nền kinh tế khả quan hơn so với trên thực tế.

Về quyết định của Fed, ông Trump đã nhiều lần và công khai chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell vì không hạ lãi suất nhưng Fed được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp trong tuần này.

Với thị trường việc làm vẫn tương đối mạnh, hầu hết các quan chức Fed đều cho rằng nền kinh tế có thể chịu được với mức lãi suất cao hơn trong thời điểm hiện tại. Trong khi đó, họ muốn chờ xem chính sách thuế quan cao và việc trục xuất lao động nước ngoài của ông Trump sẽ tác động ra sao đến lạm phát và thị trường lao động.

Về tình hình lạm phát, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân mà Fed ưu tiên theo dõi đã tăng dần và đang rời xa mục tiêu 2% trong những tháng gần đây. Đó chỉ là một yếu tố đằng sau lập trường của ngân hàng trung ương về việc cắt giảm lãi suất.

Lệnh tạm dừng áp dụng mức thuế quan cao của ông Trump được thực hiện vào tháng 4/2025 sẽ hết hạn vào ngày 1/8. Nhà Trắng đã phải nỗ lực để đạt được thỏa thuận với một loạt đối tác, công bố các thỏa thuận sơ bộ với Anh, Trung Quốc, Indonesia (In-đô-nê-xi-a), Philippines (Phi-líp-pin), Nhật Bản... Và vào ngày 27/7, ông Trump đã công bố khuôn khổ cho một thỏa thuận với Liên minh châu Âu.

Khi thời hạn chót đang đến gần, ông Trump sẽ gửi thư đến khoảng 200 quốc gia trong tuần này để đơn phương thiết lập một loạt mức thuế quan.

Một nhà phân tích cho rằng thị trường Mỹ rất chú trọng vào các mức đã được thiết lập và mức thuế quan thực tế vượt 20% đối với các đối tác thương mại lớn có thể kéo Phố Wall đi xuống.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán với Trung Quốc vẫn đang diễn ra. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent dự kiến sẽ gặp các quan chức Trung Quốc trong hai ngày 28 và 29/7 để thống nhất chi tiết về khuôn khổ mà hai nước đã nhất trí tại các cuộc họp ở London và Geneva.

Vào tháng 4/2025, ông Trump đã áp thuế 145% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến Trung Quốc đáp trả bằng mức thuế 125% lên hàng nhập khẩu từ Mỹ. Điều này trên thực tế đã tạo ra một lệnh cấm vận hoàn toàn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trước khi đồng ý tạm thời giảm mạnh thuế quan cho đến ngày 12/8.

Trong khi đó, vào ngày 1/8, Tòa Phúc thẩm Mỹ sẽ nghe các lập luận về việc liệu ông Trump có thể sử dụng quyền hạn khẩn cấp của mình để áp thuế hay không sau khi một tòa án cấp dưới phán quyết rằng ông đã vượt thẩm quyền khi làm như vậy.

Ông Trump đã cam kết sẽ phục hồi chương trình "Sản xuất tại Mỹ", nhưng báo cáo việc làm tháng 7/2025 dự kiến sẽ cho thấy mức tăng trưởng việc làm trung bình hàng tháng đã giảm xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ năm 2010 (không tính mức giảm trong thời kỳ đại dịch).

Lực lượng lao động tại Mỹ đã giảm trong những tháng gần đây, một dấu hiệu tiềm ẩn cho thấy việc trục xuất hàng loạt người nhập cư đang ảnh hưởng đến việc làm.

Ngoài ra, báo cáo gần đây nhất cho thấy ngành sản xuất đã mất việc làm tháng thứ hai liên tiếp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục