Kinh tế Mỹ và nguy cơ tiềm ẩn sau bức tranh “hào nhoáng”

05:30' - 25/10/2017
BNEWS Kinh tế Mỹ có vẻ giống thời điểm cuối năm 1965 khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,2%, tiền lương trung bình không hề thấp, nhưng những rủi ro thực sự vẫn tồn tại dưới bề ngoài tưởng chừng hào nhoáng.
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong cả thập kỷ sau đó, Mỹ đã phải đối mặt với đợt lạm phát cao ngất ngưởng và cổ phiếu Phố Wall đã mất gần 60% giá trị thực, còn những nhà đầu tư trái phiếu thì trắng tay.

Sau cuộc khủng hoảng Lehman Brothers, tỷ lệ nợ toàn cầu đã tăng từ 276% GDP lên mức kỷ lục 327% GDP hiện nay.

Hệ số giá trên thu nhập Shiller CAPE của S&P 500 hiện nay đã vượt quá mức đỉnh điểm năm 1929. (Giáo sư Shiller nổi tiếng vì đã dự báo chính xác một cả hai bong bóng lớn nhất trong lịch sử là bong bóng dot – com và bong bóng nhà đất).

Đó là nguyên nhân tại sao có quá nhiều dấu hiệu của sự dư thừa, dù mức nợ của Phố Wall hiện tại gấp 3 lần so với đỉnh điểm trước cuộc khủng hoảng Lehman Brothers năm 2008. Trong báo cáo gần nhất, Ngân hàng thanh toán quốc tế đã cảnh báo rằng cơ cấu này chỉ bền vững với điều kiện chi phí vay được giữ ở mức sàn.

Những tác động của toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số đã phá vỡ quy luật sử dụng lao động, hay theo các học giả, đây chính là nguyên nhân đã giết chết Đường cong Phillips (biểu thị quan hệ giữa tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lạm phát).

Tỷ lệ thất nghiệp được kì vọng sẽ giảm xuống dưới 4% một cách an toàn mà không làm giảm mức lương và tăng tỷ lệ lạm phát. Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường đang vận động đúng theo hướng này.

Các chuyên gia về lạm phát đã cảnh báo rằng chính sách cực đoan của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rồi sẽ khiến giá cả tăng mạnh. Đây là một sai lầm trong quá trình điều tiết tính thanh khoản của đồng tiền trên toàn thế giới sau cuộc khủng hoảng năm 2008.

Hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã chạm sàn NAIRU (tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên không làm gia tăng lạm phát), một dấu hiệu cho những rủi ro trong tương lai khi tỷ lệ người tìm việc đã giảm xuống mức thấp lịch sử.

Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Fed Janet Yellen, Fed đã gần như không có phản ứng trước tình hình này. Cho đến nay, bà vẫn luôn biện minh rằng lạm phát cơ bản đang giảm. Tuy nhiên, những hiểm họa đang đến gần khi Fed không có phản ứng kịp thời và tự tin rằng có thể đẩy tỷ lệ thất nghiệp một cách an toàn xuống tới mức thấp hơn Đường cong Phillips như trước cuộc khủng hoảng năm 1965.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen. Ảnh: AFP/TTXVN

Giáo sư Athanasios Orphanides, đồng tác giả của bài luận văn trước vụ Lạm phát lớn năm 1965 của Mỹ, cựu giám đốc ngân hàng trung ương tại MIT, bày tỏ lo lắng về chiến lược của Fed khi cho rằng bà Yellen đang điều hành nền kinh tế một cách quá mạo hiểm.

Giáo sư Orphanides cũng cho biết bài học rút ra từ năm 1965 là khi nhìn thấy dấu hiệu lạm phát, Fed phải ngay lập tức có những phản ứng mạnh mẽ. Ông cho rằng người lao động cố gắng giữ công việc vì những hậu quả mà cuộc suy thoái năm 2008 để lại và điều này đã làm méo mó các tín hiệu trên thị trường lao động.

Tuy nhiên, Danny Blanchflower, nhà kinh tế học nghiên cứu về lao động của trường Dartmouth và là cựu chuyên gia về lãi suất của Anh, cho biết các diễn biến xảy ra những năm 1960 không thể để lặp lại lần thứ hai. "Quá trình toàn cầu hoá đã khiến nền kinh tế Mỹ thay đổi rất nhiều.

Những áp lực đè nặng lên mức lương đang trở nên mạnh hơn. Các công ty có thể dễ dàng kiếm được lao động giá rẻ ở Hungary hoặc Thái Lan”, ông nói. Cũng theo ông, “mức lương là một trong những dấu hiệu căn bản để nhận diện lạm phát, nhưng chúng ta sẽ không thể thấy được điều đó bởi quá trình toàn cầu hoá”.

Câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra khi chi phí cho một lao động ở Trung Quốc và Đông Âu tăng lên, giống như ở hiện tại? Đường cong Phillips sẽ tạo nên một cuộc khủng hoảng. Nói cách khác, tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc mới là thứ cần được theo dõi.

Giáo sư Ken Rogoff của đại học Harvard cho rằng mối hiểm họa lớn nhất sẽ xảy ra khi lãi suất tăng lên trên toàn cầu. "Nếu cuộc khủng hoảng ở Trung Quốc lan khắp khu vực, các nhà đầu tư châu Á sẽ rút tiền về. Điều này có thể làm giảm lưu lượng tiết kiệm toàn cầu và một viễn cảnh kinh hoàng sẽ mở ra".

Fed có thể đang đánh giá thấp tác động của những quyết định đối với hệ thống tài chính thế giới, vì dường như Mỹ vẫn đang trung thành với một mô hình "kinh tế khép kín" trước toàn cầu hóa. Cuối cùng, Fed có thể sẽ bị ép vào đường cùng. Nếu các nhà đầu tư thận trọng bắt đầu kìm hãm lạm phát, họ sẽ buộc phải tăng lượng trái phiếu dài hạn của Mỹ và chia sẻ rủi ro cho các thị trường toàn cầu.

Bill Gross, "ông hoàng" trái phiếu của Janus, cho rằng viễn cảnh này đang xảy ra và ông cảnh báo rằng nếu lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ thời hạn 10 năm chạm mức trên 2,4%, khi đó thị trường lý tưởng cho các nhà đầu tư cố định sẽ không còn. Cả thế giới đang đứng rất gần ranh giới của một cuộc khủng hoảng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục