Kinh tế Nga trong nỗ lực đứng vững trước các lệnh trừng phạt

08:25' - 17/08/2022
BNEWS Giám đốc điều hành Macro-Advisory, công ty có trụ sở tại Moscow, Chris Weafer, cho rằng kinh tế Nga không bị phá hủy và dù đối mặt với nguy cơ giảm 5-6% trong năm nay.

Nền kinh tế Nga sụt giảm khi đối mặt với một loạt các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến xung đột tại Ukraine, khiến hoạt động thương mại bị gián đoạn và gần như loại Nga ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.

Sự sụp đổ trong ngắn hạn như một số dự báo có thể sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, các nhà kinh tế có những quan điểm khác biệt về việc liệu nền kinh tế nước này có thể tiếp tục trụ vững trước các biện pháp trừng phạt từ bên ngoài trong dài hạn hay không.

 

Kinh tế vẫn đứng vững giữa các lệnh trừng phạt

GDP của Nga trong quý II/2022 giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giới phân tích dự báo giảm 5%.

Tác động ngay lập tức của các lệnh trừng phạt được giảm thiểu nhờ Ngân hàng trung ương Nga (CBR) nhanh chóng triển khai các biện pháp kiểm soát vốn và tăng mạnh lãi suất.

Những biện pháp này đã ổn định các thị trường trong nước và thậm chí khiến đồng ruble trở thành một trong những đồng tiền tăng giá mạnh nhất trên thế giới kể từ đầu năm nay.

Sau đó, các biện pháp kích thích tài khóa và việc cắt giảm mạnh lãi suất cũng phát huy hiệu quả, hạn chế tác động ngắn hạn của các lệnh trừng phạt. Cuối tháng trước, CBR gây bất ngờ khi hạ lãi suất 150 điểm cơ bản, xuống 8% và đánh dấu lần hạ thứ năm liên tiếp, kể từ khi bắt đầu tăng lãi suất khẩn cấp từ 9,5% lên 20% vào cuối tháng Hai.

Nhà kinh tế về các thị trường mới nổi tại Capital Economics, Liam Peach, cho rằng tốc độ suy giảm của nền kinh tế có thể sẽ mạnh hơn nhiều nếu CBR không thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính. Sự vững vàng của lĩnh vực năng lượng của Nga có thể cũng đóng vai trò làm giảm mức độ ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Giám đốc điều hành Macro-Advisory, công ty có trụ sở tại Moscow, Chris Weafer, cho rằng kinh tế Nga không bị phá hủy và dù đối mặt với nguy cơ giảm 5-6% trong năm nay, vẫn không sụp đổ hay rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế hay tài chính.

Trong một nghiên cứu, ông Weafer nhận định kinh tế Nga sẽ loạng choạng chứ không chìm. Chính phủ, các doanh nghiệp và người dân đã quen với các cuộc khủng hoảng kinh tế và các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện tốt.

Trong khi đó, lòng tin kinh doanh sau khi giảm mạnh vào tháng Ba và tháng Tư đã phục hồi về mức trung bình dài hạn đối với cả lĩnh vực chế tạo và dịch vụ.

Ông Weafer cũng không đồng tình với các đánh giá gần đây rằng kinh tế Nga đang trên chặng đường dài đi đến sự quên lãng, cho rằng hàng loạt các công ty của phương Tây rời khỏi Nga sẽ không gây tổn thất lớn như nhận định.

Đó là do hầu hết các công ty này đều hoặc là công ty nhỏ như thương hiệu thời trang bán lẻ hoặc đã được bán cho công ty của Nga.

Trong số 50 công ty thuộc quyền kiểm soát của nước ngoài, chỉ có 3 công ty đóng cửa hoàn toàn. Ba công ty khác đã được bán cho các công ty của Nga và 10 có kế hoạch bán cho công ty của nước này.

Mức độ tác động đến GDP là dưới 1%, do các tài sản hoạt động vẫn ở Nga.

Nhận định trên là ngược lại với những tác động thảm họa theo dự báo được đưa ra trong một nghiên cứu của Đại học Yale công bố trong tháng trước, với phân tích số liệu về tiêu dùng, thương mại và vận tải biển.

Các tác giả của nghiên cứu cho rằng các lệnh trừng phạt và việc hơn 1.000 công ty trên toàn cầu rời khỏi Nga đang làm tê liệt nền kinh tế nước này.

Lo ngại về những tác động dài hạn

Ông Peach cho rằng có những dấu hiệu cho thấy sự ổn định trong nhiều lĩnh vực trong một, hai tháng qua, nhưng đà giảm sẽ chưa thoát đáy cho đến quý II/2023 và nền kinh tế sẽ đình trệ sau đó.

CBR dự báo tốc độ suy giảm của nền kinh tế sẽ mạnh hơn trong những quý tới, xuống mức thấp nhất vào quý I/2023.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng tác động dài hạn đến nền kinh tế Nga sẽ nghiêm trọng hơn nhiều, khi các doanh nghiệp từng bước hạn chế các hoạt động tại nước này cùng với việc không tiếp cận được các công nghệ thiết yếu.

Trong khi đó, các lệnh trừng phạt đã có tác động lớn đến một số lĩnh vực của nền kinh tế, với sản lượng chế tạo quý II giảm 4% so với quý trước và hoạt động sản xuất trong những lĩnh vực phụ thuộc vào nhập khẩu giảm hơn 10%.

Nhu cầu tiêu dùng cũng yếu đi đáng kể, doanh số bán lẻ giảm 11% so với quý trước, sau cú sốc lạm phát vào tháng Ba, trong khi lòng tin tiêu dùng giảm mạnh và các điều kiện tiền tệ bị thắt chặt.

Ông Peach cho rằng GDP quý III có thể tiếp tục giảm, với mức giảm nhẹ hơn so với quý II. Sự giảm sút của doanh số bán lẻ và chế tạo đã được hạn chế, lạm phát hạ nhiệt và các điều kiện tiền tệ được nới lỏng.

Kinh tế Nga vẫn đối mặt với những trở ngại lớn, như sự tiếp cận hạn chế đối với công nghệ của phương Tây và lệnh cấm của Liên minh châu Âu về việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm với các tàu chở dầu của Nga, điều sẽ khiến GDP giảm 10% trong năm tới.

Kinh tế Nga đang đứng trước nguy cơ giảm một con số ở khoảng thấp trong 5-7 quý và một danh sách dài các thách thức mà nếu không được giải quyết hiệu quả có thể khiến tăng trưởng ở mức gần như đình trệ trong nhiều năm./.  

>>>Nga kỳ vọng kim ngạch thương mại với Trung Quốc có thể lập kỷ lục 170 tỷ USD

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục