Cơ hội kinh tế khởi sắc

13:27' - 30/09/2021
BNEWS Việt Nam vẫn còn cơ hội để cải thiện mức tăng trưởng hiện tại nếu sớm đạt được những thành quả tích cực hơn trong phòng chống dịch bệnh COVID-19.

 

Các địa phương tăng tốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư   công trong các tháng cuối năm 2021. Ảnh minh họa: TTXVN

Do dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, Việt Nam vẫn còn cơ hội để cải thiện mức tăng trưởng hiện tại nếu sớm đạt được những thành quả tích cực hơn trong phòng chống dịch bệnh. Khi thực hiện song song hai mặt trận phòng chống dịch và phát triển kinh tế, đại dịch COVID-19 được khống chế, kinh tế quý IV có thể sẽ khởi sắc, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

* Kinh tế vẫn có điểm sáng

Tổng cục Thống kê cho biết, dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 4 với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe, tính mạng của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh. GDP quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, GDP 9 tháng năm nay chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Tuy đạt mức tăng thấp nhưng là thành công lớn của nước ta trong phòng chống dịch bệnh và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong bức tranh tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế. Điều này bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) cho biết, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số ngành dịch vụ giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như: bán buôn, bán lẻ giảm 3,1%; ngành vận tải kho bãi giảm 7,79%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 23,18%.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, quý III giảm mạnh 9,5%. Tính đến ngày 20/9/2021, có 1.212 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 12,5 tỷ USD, giảm 37,8% về số dự án và tăng 20,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt 13,28 tỷ USD, giảm 3,5%.

Dịch COVID-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1%; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3%.

Tổng cục Thống kê cho hay, số liệu này có thể chưa phản ánh được thực sự số doanh nghiệp thực tế rút lui khỏi thị trường. Bởi, trong điều kiện nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội nên các doanh nghiệp không thể làm thủ tục liên quan đến việc rút lui khỏi thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, nền kinh tế vẫn có những điểm sáng như: trong 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 9/2021 là tháng cán cân thương mại xuất siêu trở lại sau 5 tháng liên tiếp nhập siêu với giá trị xuất siêu 0,5 tỷ USD. Mức xuất siêu này đã đưa cân đối thương mại 9 tháng nhập siêu giảm còn 2,13 tỷ USD.

Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý III/2021 tăng 2,51% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, CPI tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

“Bình quân 9 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,88% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung đã phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá xăng, dầu và giá gas tăng. Mức tăng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây của CPI là điều kiện thuận lợi và dư địa cho việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay”, bà Tạ Thị Thu Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.

 

* Các kịch bản tăng trưởng

Nhận định về tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm, ông Nguyễn Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia, Tổng cục Thống kê cho rằng, với mức tăng trưởng 9 tháng 1,42% thì khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,0% theo yêu cầu của Quốc hội và 6,5% theo yêu cầu của Chính phủ đặt ra cho cả năm là khó khả thi.

Dựa vào tăng trưởng 9 tháng của năm, Tổng cục Thống kê đưa ra 2 dự báo về tăng trưởng cả năm 2021. Theo đó, kịch bản 1, tăng trưởng cả năm đạt 2,5%. Để đạt được mức trên, thì tăng trưởng quý IV/2021 phải đạt 5,3%. Kịch bản 2, tăng trưởng cả năm đạt 3%. Để đạt được mức này thì tăng trưởng quý IV phải đạt 7,1%.

Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Hiếu, với kịch bản 1 thì mức tăng trưởng quý IV đạt 5,3%, mức này cao hơn quý I với 4,48% nhưng thấp mức 6,61% của quý II nên sẽ khả thi hơn là kịch bản 2.

Đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, GDP 9 tháng vẫn đạt mức tăng trưởng dương, các cân đối lớn của nền kinh tế đảm bảo, lạm phát được kiểm soát. Đặc biệt, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang rất nỗ lực trong kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trở lại. Đây là những tín hiệu tích cực cho tăng trưởng quý IV và cả năm 2021.

Để đạt được mức tăng trưởng cao nhất, bên cạnh những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước thì công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn cần được ưu tiên hàng đầu. Bởi chỉ khi phòng, chống dịch bệnh hiệu quả thì mọi hoạt động mới trở lại bình thường, doanh nghiệp mới yên tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright cũng cho hay, tác động của đợt dịch lần thứ tư phản ánh rõ trong bức tranh kinh tế. Theo đó, cần có giải pháp để giải ngân hiệu quả nhất gói an sinh xã hội và các gói hỗ trợ, phê chuẩn triển khai ngay gói miễn giảm thuế; khởi động lại các dự án đầu tư công.

Đối với khu vực doanh nghiệp, ông Phạm Đình Thúy đề xuất cần có giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất.

Cụ thể là các ngành liên quan nhanh chóng triển khai miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành nghề, địa bàn.

Cùng với đó, các địa phương cần có giải pháp và triển khai thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận kênh thông tin về xuất, nhập khẩu nhằm tìm kiếm thị trường mới nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào. Từ đó, tránh phụ thuộc vào một thị trường để tiêu thụ sản phẩm đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ.

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt khoảng 4,8% trong năm 2021 và phục hồi về tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi. Mức tăng trưởng này được WB kỳ vọng trong thời gian còn lại của năm 2021, chính sách tiền tệ vẫn sẽ được nới lỏng thông qua triển khai thực hiện một số công cụ; trong đó, cho phép doanh nghiệp được gia hạn thời hạn trả nợ. Chính sách tài khóa sẽ mang tính hỗ trợ hơn thông qua đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, đặc biệt sau khi gỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại. WB cũng quan tâm đến việc sau gói hỗ trợ đảm bảo xã hội đợt hai, Chính phủ đang sẵn sàng triển khai một gói hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp.

Với việc thay đổi chiến lược chống dịch từ “không có COVID-19” sang "thích ứng an toàn", linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh của Chính phủ, cùng với việc Thủ tướng Chính phủ liên tiếp gặp gỡ các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, các hiệp hội doanh nghiệp thông qua các cuộc hội nghị trực tuyến cho thấy quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch thành công, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tại các cuộc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn khẳng định đồng hành cùng doanh nghiệp trên tinh thần “3 không, 5 thật”. Đó là không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả thật. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành địa phương cùng bàn, cùng chia sẻ, cùng tìm phương pháp tháo gỡ với doanh nghiệp.

Một yếu tố quan trọng cấp thiết để thúc đẩy tổng cầu cho nền kinh tế quý cuối năm đó là giải ngân gần 250.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2021. Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm rất cao mới làm được.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu việc giao vốn phải chuẩn bị kỹ càng, lựa chọn đúng các công trình trọng tâm, trọng điểm. Trong điều kiện nguồn vốn nhà nước có hạn, phải theo đúng tinh thần kết luận của Trung ương: đầu tư công phải dẫn dắt và kích hoạt đầu tư của mọi thành phần kinh tế, huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển.

Với nhiệm vụ nặng nề của quý cuối cùng của năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tình hình càng khó khăn, phức tạp càng phải đoàn kết, huy động trí tuệ tập thể và lấy khó khăn, thách thức là động lực phấn đấu, vươn lên, khẳng định đưa đất nước phát triển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục