Kinh tế Singapore với hành trình "sống chung" với COVID-19

09:31' - 02/10/2021
BNEWS Đến thời điểm này, nhìn chung người dân Singapore không cảm thấy quá sợ hãi trước COVID-19 nữa, tâm lý sẵn sàng “sống chung” với COVID-19 ngày càng được củng cố.

Bốn tháng kể từ thời điểm Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu trực tiếp trên truyền hình trước toàn dân ngày 31/5, trong đó xác định nước này sẽ đi theo con đường “thích nghi, phát triển và chung sống lâu dài với COVID-19”, nền kinh tế Singapore đã có một số dấu hiệu tích cực cho thấy chiến lược này đang đúng hướng.
* Nền kinh tế châu Á "tiên phong" sống chung với COVID-19

Về mặt xã hội, đến thời điểm này, nhìn chung người dân Singapore không cảm thấy quá sợ hãi trước COVID-19 nữa, tâm lý sẵn sàng “sống chung” với COVID-19 ngày càng được củng cố. Tiến sỹ David Allen, chuyên gia tư vấn cấp cao về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Dược Yong Loo Lin (thuộc Đại học Quốc gia Singapore - NUS) cho rằng người dân Singapore đang trở nên “quen thuộc” hơn với COVID-19.
Singapore có tỷ lệ người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 rất cao, với khoảng 82% người dân đủ điều kiện đã được tiêm vaccine đầy đủ tính đến 20/9. Điều này đã giúp giảm thiểu số lượng bệnh nhân COVID-19 chuyển biến nặng và tử vong.
Về khía cạnh kinh tế, Singapore cũng ghi nhận những tín hiệu đáng khích lệ. Theo số liệu do Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) vào tháng Tám, GDP của Singapore trong quý II/2021 đã tăng trưởng 14,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế (ngoại trừ lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ và quản trị) đều có mức tăng trưởng dương trong quý II/2021 so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xây dựng (tăng 106,2%), thương mại bán lẻ (tăng 50,7%), thực phẩm và đồ uống (tăng 36,7%), bất động sản (tăng 25,8%) là những lĩnh vực có mức tăng trưởng ấn tượng nhất.
Trong nửa đầu năm 2021, kinh tế Singapore tăng trưởng 7,7% so với cùng kỳ năm 2020. Tốc độ tăng trưởng khả quan hơn dự báo của kinh tế Singapore trong nửa đầu năm 2021 là một trong những yếu tố để MTI đưa ra mức dự báo tăng trưởng của Singapore trong cả năm 2021 đạt 6-7%, cao hơn so với mức dự báo 4-6% đưa ra trước đó.
* Hành trình không chắc chắn
Tuy nhiên, trên thực tế, con số tăng trưởng GDP ấn tượng 14,7% trong quý II/2021 của Singapore chủ yếu là do được so sánh với mức thấp trong quý II/2020. Đó là thời điểm Singapore áp đặt biện pháp phong tỏa “ngắt mạch cầu dao”, đóng cửa biên giới và gần như mọi hoạt động kinh tế bị tạm dừng, dẫn tới việc GDP sụt giảm tới 13,3% so với quý II/2019.

Tính trên cơ sở từng quý, GDP quý II/2021 của Singapore đã giảm 1,8% so với quý I/2021, trái ngược với mức tăng 3,3% của quý I/2021 so với quý IV/2020.

Với tỷ lệ tiêm vaccine ở mức cao hàng đầu thế giới, giới chức lãnh đạo Singapore có động lực và niềm tin vào việc tái mở cửa nền kinh tế. Tuy nhiên, Singapore vẫn đang trong giai đoạn tiến hành những bước đi đầu tiên của tiến trình sống chung với COVID-19, chắc chắn sẽ gặp phải những khó khăn, bất ổn nhất định, và kinh tế Singapore không thể là ngoại lệ.

Điều này cũng đã được Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore Ong Ye Kung nhận định là “một hành trình không chắc chắn và đầy những chỗ quanh co khúc khuỷu”.
Đợt bùng phát các ca lây nhiễm mới trong cộng đồng đang diễn ra (bắt đầu từ ngày 23/8) cũng khiến Singapore bất đắc dĩ phải tạm dừng kế hoạch mở cửa nền kinh tế hơn nữa. Không áp đặt các biện pháp hạn chế mới, nhưng Singapore cũng không nới lỏng thêm. Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong ngày 10/9 khẳng định hiện chưa phải là thời điểm thích hợp để đẩy nhanh các biện pháp mở cửa.
Thay vào đó, Singapore đang rất thận trọng và từng bước mở cửa theo phương châm “ném đá dò đường”, vừa làm vừa điều chỉnh. Sự cẩn trọng này của Singapore có thể làm chậm lại quá trình phục hồi kinh tế và có thể làm gia tăng sự thất vọng của một số người dân Singapore, nhưng chắc chắn sẽ mang lại kết quả tích cực lâu dài.
Việc sống chung với COVID-19 sẽ kéo theo việc chi phí gia tăng; bệnh viện và các cơ sở chăm sóc cộng đồng sẽ cần được mở rộng, chi phí xét nghiệm và truy dấu vết sẽ tăng lên. Làm việc tại nhà sẽ tiếp tục được áp dụng, song điều này sẽ gây thêm áp lực lên lĩnh vực bất động sản văn phòng. Nhiều hoạt động kinh tế sẽ chuyển dịch khỏi khu trung tâm thương mại ra các khu vực ngoại ô…
Tuy nhiên, viễn cảnh tăng trưởng của nền kinh tế Singapore không chỉ phụ thuộc vào các điều kiện y tế trong nước mà sẽ tiếp tục bị tác động bởi tình hình từ bên ngoài khi Singapore mở cửa. COVID-19, đặc biệt là biến thể Delta vẫn đang hoành hành tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan...
Ngay cả các nền kinh tế phát triển hơn như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Australia và New Zealand cũng ghi nhận sự gia tăng các ca nhiễm mới trong những tuần gần đây. Rõ ràng, điều này có nghĩa là Singapore sẽ khó mở cửa du lịch quốc tế - ít nhất là đối với khu vực trong vài tuần tới.

Và do vậy, các ngành nghề liên quan đến hàng không, du lịch và dịch vụ hỗ trợ tổ chức hội nghị quốc tế của Singapore nhiều khả năng sẽ còn suy giảm trong năm tới.
Lĩnh vực chế tạo sản xuất của Singapore cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng là hiển hiện. Với các ca lây nhiễm tiếp tục gia tăng, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã buộc phải áp đặt các biện pháp phong tỏa, làm gián đoạn chuỗi cung ứng trong nhiều ngành công nghiệp.
Các chuỗi cung ứng tại Trung Quốc cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề do các biện pháp phong tỏa của nước này nhằm kiểm soát các ca lây nhiễm mới gia tăng. Chính sách “không COVID-19” của Trung Quốc có nghĩa là nước này không chấp nhận sống chung với COVID-19 và sẽ dẫn đến việc áp đặt các biện pháp hạn chế, bao gồm thắt chặt các quy định về khoảng cách xã hội, hạn chế đi lại… Điều này càng làm gia tăng sự đứt gãy chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, theo Nomura International, các biện pháp siết chặt mới nhất của Trung Quốc đối với lĩnh vực bất động sản - lĩnh vực chiếm 1/4 nền kinh tế Trung Quốc và một nửa ngành kinh doanh xây dựng toàn cầu - có thể làm giảm đáng kể tăng trưởng GDP của Trung Quốc. Ngân hàng DBS (Singapore) ngày 18/8 cũng đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 của Trung Quốc xuống 8,8% từ mức 9,5% đưa ra trước đó.
Nền kinh tế Singapore, vốn đang dựa vào thương mại và nhu cầu từ bên ngoài, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng từ "thể trạng" của kinh tế Trung Quốc, do nước này là thị trường chiếm tới 17% tổng các hàng hóa xuất khẩu của Singapore. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng nếu kinh tế Trung Quốc cứ giảm 1 điểm phần trăm thì kinh tế Singapore có thể giảm 0,6%, thậm chí giảm tới 1%.
Hiện tại, các trung tâm mua sắm lớn, các khu vực ăn uống tập trung tại Singapore đang dần nhộn nhịp trở lại. Các công trình xây dựng nhà ở, đường sá, cầu cống đã và đang được thi công khẩn trương nhằm bắt kịp tiến độ sau những sự đình trệ trước đây.

Hoạt động giao thông, đi lại bằng xe buýt, bằng tàu điện ngầm, ô tô cá nhân gần như đã trở lại với lưu lượng như trước khi có dịch. Điều đó phần nào phản ánh rằng các hoạt động kinh tế của Singapore đang cùng "chung sống" với COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục