Singapore tiếp tục thúc đẩy hoạt động chuyển tiền xuyên biên giới

15:42' - 27/09/2021
BNEWS Hoạt động giao dịch chuyển tiền xuyên biên giới giữa Singapore và Malaysia theo thời gian thực bằng số điện thoại di động sẽ có thể được thực hiện vào cuối năm 2022.

Ngày 27/9, thông báo chung của Cơ quan Tiền tệ Singapore (ngân hàng trung ương – MAS) và Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) cho biết các hoạt động giao dịch chuyển tiền xuyên biên giới theo thời gian thực giữa hai nước bằng số điện thoại di động sẽ có thể được thực hiện vào cuối năm 2022.

MAS và BNM cho biết kế hoạch triển khai liên kết theo giai đoạn giữa hai hệ thống thanh toán PayNow của Singapore và DuitNow của Malaysia sẽ diễn ra vào quý IV/2022. Người tiêu dùng cũng có thể thanh toán các giao dịch mua bán bằng việc quét các mã QR code NETS hoặc DuitNow được dán tại các cửa hàng.

Bên cạnh đó, việc liên kết giữa hai hệ thống này cũng sẽ tạo điều kiện cho du khách từ hai quốc gia thuận lợi trong việc tiến hành các giao dịch thanh toán. Trước đại dịch COVID-19, mỗi năm có trung bình khoảng 12 triệu khách du lịch đến và đi từ Singapore và Malaysia ngược lại.

Hoạt động liên kết giữa hai hệ thống thanh toán nói trên dự kiến sẽ tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy hoạt động chuyển kiều hối xuyên biên giới giữa Malaysia và Singapore.

Năm 2020, tổng cộng đã có khoảng 1,3 tỷ SGD kiều hối được chuyển qua lại giữa hai nước. Thông báo của MAS và BNM cũng cho biết sẽ dần dần mở rộng mối liên kết PayNow-DuitNow để kết hợp nhiều tính năng và đối tượng tham gia hơn.

Trước đó, ngày 14/9/2021, MAS và Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cũng đã công bố có kế hoạch tương tự để liên kết hệ thống thanh toán PayNow với hệ thống thanh toán UPI của Ấn Độ vào tháng 7/2022.

Tháng 4/2021, MAS và Ngân hàng Trung ương Thái Lan cũng đã triển khai liên kết PayNow và PromptPay của Thái Lan, cho phép khách hàng của các ngân hàng chuyển khoản giữa hai nước theo thời gian thực số tiền lên đến 1.000 SGD (hoặc 25.000 baht) mỗi ngày chỉ bằng số điện thoại di động của họ.

Động thái này phù hợp với nỗ lực thúc đẩy thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn, rẻ hơn, toàn diện hơn và minh bạch hơn của nhóm nước Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Đây cũng là một bước đi cụ thể nhằm tiến tới một mạng lưới các hệ thống thanh toán theo thời gian thực được liên kết của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục