Kinh tế số trong mối tương quan với thực thi chính sách

16:02' - 26/07/2017
BNEWS Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) tổ chức hội thảo chuyên đề kinh tế số “Thúc đẩy thực thi chính sách để tạo đà nắm bắt cách mạng công nghệ 4.0”
 

Ngày 26/7 tại Hà Nội, Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) tổ chức hội thảo chuyên đề kinh tế số “Thúc đẩy thực thi chính sách để tạo đà nắm bắt cách mạng công nghệ 4.0”.

Sự kiện thu hút mối quan tâm và tham gia của đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…; các chuyên gia kinh tế; các hiệp hội ngành hàng và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp.

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Ngọc Quỳnh/Bnews/TTXVN

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch nhóm công tác kinh tế số cho biết, doanh thu từ thương mại điện tử ở Việt Nam trong năm 2016 đạt 900 triệu USD. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có tốc độ người sử dụng internet thông qua công cụ smartphone rất lớn với khoảng 60 triệu người dùng.

Đây chính là điều kiện quan trọng phát triển kinh tế số. Năm 2016, quảng cáo trực tuyến cũng thu được 390 triệu USD và dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2020, tương đương với 950 triệu USD.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh của nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, nhất là trong việc xây dựng kế hoạch phát triển quốc gia, xây dựng thành phố thông minh và hướng tới sự phát triển của kinh tế số trong tương lai.

Cùng với đó là rất nhiều những thách thức, rào cản cần khắc phục sớm như: tạo môi trường cạnh tranh tự do, bình đẳng; giải quyết nhiều vướng mắc do các cơ chế, chính sách hiện tại gây nên. Nhiều chính sách cụ thể dành cho doanh nghiệp còn thiếu và chưa đầy đủ, rõ ràng. Cùng với đó, chất lượng nguồn nhân lực về công nghệ thông tin còn yếu, thiếu hụt số lượng và chất lượng…

Để có một nền kinh tế số phát triển, trước mắt cần khắc phục những vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách hiện hành. Đây cũng là điều được ông Bùi Quang Ngọc, Tổng Giám đốc, Tập đoàn FPT kiêm Phó Chủ tịch VPSF nêu rõ, nhất là việc ứng xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế khi tiếp cận các dự án ICT trong lĩnh vực sử dụng vốn Nhà nước.

Ông Ngọc cho rằng, không nên phân biệt các thành phần kinh tế khi tham gia các chương trình tin học hóa cho khu vực công quyền. Hiện nay, có một số dự án đang hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, hay việc trợ giá từ một số doanh nghiệp Nhà nước.

Trong lĩnh vực của mình, ông Ngọc cho biết, các doanh nghiệp viễn thông đang phải đóng phí thương quyền (0,5% doanh thu) và phí viễn thông công ích (1,5% doanh thu) vào quỹ do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý và sử dụng. Quy định này khiến các doanh nghiệp như FPT lâm vào cảnh “một cổ hai tròng”.

Chưa hết, sau khi nộp các nghĩa vụ thuế, phí với Nhà nước, việc đóng góp công ích cũng nên là điều xuất phát từ sự tự nguyện của doanh nghiệp chứ không cần nhắc nhở hay phân bổ. Trong khi đó, quy định đóng góp lại dựa theo phần trăm doanh thu của doanh nghiệp là không hợp lý.

Internet là hạ tầng kết nối của nền kinh tế số, gắn với sự phát triển của cuộc sống văn hóa, kinh tế, kỹ thuật…nên cần được khuyến khích, hỗ trợ thay vì bắt nộp thêm phí. Xuất phát từ bất cập nêu trên, ông Ngọc kiến nghị, cần bỏ phí viễn thông công ích. Đồng thời, thay thế Nghị định số 102/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Những lý do được nêu cụ thể như nhiều dự án sau 3 năm xây dựng vẫn chưa xong phần chuẩn bị; ngân sách tiêu không hết; tỷ trọng vốn dành cho phần cứng là quá lớn với 85% trong khi chỉ có 15% là dành cho phần mềm và dịch vụ. Vì thế, khiến cho lực lượng làm phần mềm và dịch vụ bị suy giảm; nhiều chủ đầu tư buộc phải lách luật hoặc xé nhỏ dự án…

Đại diện phía Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa cũng đồng tình với nhận định về các bất cập nảy sinh trong quá trình thực thi Nghị định 102.

Mâu thuẫn lớn nhất là công tác quản lý chất lượng, dự toán chi phí là chưa có; cùng với đó, còn nhiều hạt sạn lớn cần sự ngồi lại của các bộ như Bộ Thông tin và Truyền Thông, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… để bàn thảo và xây dựng lại các văn bản luật cho chuẩn.

Với sự cầu thị, ông Hạnh cho rằng, các doanh nghiệp cũng nên cùng tham gia vào quá trình soạn thảo và xây dựng luật. Từ những thực tiễn và quá trình triển khai của doanh nghiệp sẽ là yếu tố quan trọng giúp cho việc đưa luật vào cuộc sống dễ dàng, chuẩn xác và dễ thực thi hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục