Kinh tế thế giới có kịp “cán đích” năm 2016 (Phần II)

06:32' - 26/09/2016
BNEWS Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 11 diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc) cho rằng tăng trưởng toàn cầu vẫn dưới mức kỳ vọng và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Kinh tế thế giới có kịp “cán đích” năm 2016. Ảnh: Reuters

Tín hiệu tích cực từ châu Á 

Trong bối cảnh trên, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), ông Angel Gurria nhận định các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tiến khá gần tới điểm giới hạn về khả năng (của các ngân hàng) trong kích thích tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Gurria, trước tình trạng thiếu các chính sách chung mang tính đột phá, tăng trưởng toàn cầu có thể vẫn ở mức thấp. Ông Gurria cũng nhấn mạnh rằng việc kết hợp các chính sách điều chỉnh cơ cấu và chính sách tài khóa, tiền tệ là cần thiết để vực dậy tăng trưởng trên quy mô toàn thế giới, trong đó có Trung Quốc.    

Tuy nhiên, ông Gurria tương đối lạc quan về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, dù gánh nợ của cường quốc này ngày một tăng và chưa có tiến bộ rõ ràng trong việc giải quyết vấn đề dư thừa công suất và hiệu quả thấp tại các ngành công nghiệp chủ chốt. Theo ông Gurria, kinh tế Trung Quốc có khả năng tiếp tục tăng trưởng ở mức khoảng 6,5-7% trong giai đoạn 2016-2020.    

Trong khi đó, giới phân tích kinh tế tại “xứ sở sương mù” nhận định châu Á là một trong những điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm. Châu Á đang dẫn đầu đà phục hồi tăng trưởng nhẹ trên các thị trường mới nổi.  

Kinh tế châu Á dẫn đầu đà phục hồi tăng trưởng của các thị trường mới nổi. Ảnh: blissful-wisdom

Trong số các nền kinh tế mới nổi, Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á đang có được đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Kinh tế Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng 5,2% trong quý II/2016, mức tăng trưởng nhanh nhất trong 10 quý trở lại đây.

Kinh tế Philippines tăng trưởng 7% trong quý II/2016, tăng mạnh hơn dự báo và là mức tăng nhanh nhất trong ba năm trở lại đây. Ấn Độ, nền kinh tế xếp thứ bảy trên toàn cầu, ghi dấu ấn với bước tăng trưởng vượt bậc 7,9% trong quý đầu năm nay. 

Nhịp độ tăng trưởng trung bình của các nền kinh tế mới nổi, bao gồm hầu hết các nước châu Á không kể Nhật Bản và Singapore (Xinh-ga-po), nhiều khả năng sẽ vượt xa mức tăng trưởng trung bình tại các nền kinh tế phát triển. Điều đó có thể khiến nhiều nhà đầu tư tài chính trên toàn cầu phải suy tính lại, khi mà trong 5 năm qua, giới đầu tư phần nào tỏ ra thờ ơ với các thị trường mới nổi.

Mặc dù đang trên đà phục hồi tích cực, song kinh tế châu Á chưa đạt được mức tăng trưởng trước khủng hoảng tài chính. Kim ngạch xuất khẩu giảm cùng với việc hàng hóa rớt giá và nhu cầu hàng hóa từ Trung Quốc giảm sút, ít nhiều đã ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế của châu lục này. Tuy nhiên, những dấu hiệu gần đây cho thấy châu Á đang thích nghi với tình hình mới bằng cách giảm phụ thuộc vào xuất khẩu và thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng. 

Công ty nghiên cứu Capital Economics cho hay chi tiêu tiêu dùng trong khu vực trong quý II/2016 tăng ở mức nhanh nhất kể từ quý IV/2012. Sự gia tăng nhanh chóng về dân số, thu nhập và xu hướng mua sắm trực tuyến hứa hẹn mang lại cơ hội đầu tư, kinh doanh cho các công ty trên toàn thế giới, nhất là các công ty châu Âu và Mỹ. 

Triển vọng tăng trưởng tích cực của châu Á mang tới niềm lạc quan cho kinh tế thế giới. Tuy nhiên, giới phân tích cũng lưu ý một số yếu tố bất lợi đối với tăng trưởng kinh tế châu Á khi tại một số nước, nhiều hộ gia đình chi tiêu mạnh tay trong bối cảnh chi phí đi vay thấp.

Ngoài ra, mặc dù kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,7% trong quý II/2016, song chất lượng tăng trưởng cũng là vấn đề cần lưu tâm. Nợ doanh nghiệp của Trung Quốc hiện tương đương 171% GDP, cao gấp hai lần Mỹ và châu Âu.

Xem lại phần I

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục