G7: Kinh tế thế giới đối mặt “những rủi ro nghiêm trọng”

20:56' - 26/05/2016
BNEWS Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị G7 nhất trí cho rằng nền kinh tế thế giới đang đối mặt với “những rủi ro nghiêm trọng”.
Từ trái sang phải: Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Thủ tướng Italy Matteo Renzi, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Pháp Francois Hollande , Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản. EPA/TTXVN

Phát biểu sau phiên họp về tình hình kinh tế thế giới của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Ise, Mie (Nhật Bản), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói: “Kinh tế thế giới đang ở một thời điểm mang tính bước ngoặt và chúng ta phải thừa nhận rằng nếu các nước có những chính sách ứng phó sai lầm thì có thể dẫn tới rủi ro là đẩy kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng sau khi chấm dứt một chu kỳ kinh tế bình thường”.

Bên cạnh đó, ông Abe cho biết mong muốn tăng cường ảnh hưởng của chương trình cải cách kinh tế Abenomics đối với phần còn lại của thế giới.

Tại phiên họp trên, các lãnh đạo G7 cũng nhất trí về việc thực hiện các biện pháp tài khóa linh hoạt trong khi xúc tiến cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới trong bối cảnh “đầu tàu” Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng chậm lại.

Theo Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hiroshige Seko, các lãnh đạo G7 “chia sẻ quan điểm cho rằng G7 sẽ không ngần ngại thực hiện các biện pháp tài khóa đề thúc đẩy nhu cầu và ứng phó với các vấn đề như di dân, thiên tai, thảm họa và những vấn đề khác mà mỗi nước trong G7 phải đối mặt. Tuy vậy, quy mô và thời gian thực hiện các biện pháp tài khóa sẽ cần được cân nhắc tùy theo tình hình của mỗi quốc gia.

Ngoài ra, lãnh đạo các nước G7 cũng nhất trí rằng sự giảm tốc của các nền kinh tế mới nổi đã làm tăng mức độ nghiêm trọng đối với hiện trạng kinh tế thế giới và G7 phải đi đầu trong nhiệm vụ đạt được đà tăng trưởng bền vững của nền kinh tế thế giới.

Dự kiến, hội nghị lần này sẽ đưa ra một tuyên bố chung sau hai ngày nhóm họp, theo đó sẽ đưa ra các quan điểm như trên với sự kết hợp quan điểm của Nhật Bản và Mỹ (kêu gọi tăng cường các biện pháp tài khóa để thúc đẩy nhu cầu thế giới) và quan điểm của Vương quốc Anh và Đức (tập trung nhiều hơn vào cải cách cơ cấu để nâng cao năng suất).

Thủ tướng Abe cũng bảy tỏ nóng lòng về việc G7 đạt được một thỏa thuận hành động tài khóa chung nhằm thúc đẩy nhu cầu thế giới. Tuy vậy, Đức vẫn bảo lưu quan điểm về các vấn đề tài khóa và chú trọng nhiều hơn vào cải cách cơ cấu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục