Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh tiếp tục khởi sắc

20:22' - 26/04/2022
BNEWS Kinh tế thành phố tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo tâm lý và tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, trong tháng 4, một số lĩnh vực kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc, tăng tốc và phục hồi mạnh mẽ so với những tháng trước và so với cùng kỳ.

* Nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng tích cực

Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội của Tp.Hồ Chí Minh tháng 4 và 4 tháng đầu năm diễn ra chiều 26/4, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.Hồ Chí Minh cho biết, một số lĩnh vực kinh tế của thành phố đã có dấu hiệu khởi sắc, tăng tốc và phục hồi mạnh mẽ so với những tháng trước và so với cùng kỳ.

 

Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2022 ước tính tăng 2% so với tháng 3 năm 2022 và tăng 9,7% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 năm 2022 tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ.

Hoạt động thương mại dịch vụ tháng 4 duy trì ổn định, nối tiếp đà phục hồi. Ngành lưu trú và ăn uống tăng hơn 12% so với tháng trước; dịch vụ lữ hành tăng hơn 18%.

Tính chung 4 tháng đầu năm, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá. Tổng thu ngân sách nhà nước ước trên 168.177 tỷ đồng, đạt 43,51% dự toán, tăng 13,87% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu thành phố ước đạt 13,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 2,6% so với cùng kỳ; trong đó bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 6% so với cùng kỳ.

"Mặc dù còn khó khăn do tác động của đại dịch, nhưng một số doanh nghiệp FDI đã bắt đầu tìm kiếm các nhà cung ứng trong nước để thay thế. Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài", đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.Hồ Chí Minh cho biết.

Đáng chú ý, cùng với việc kiểm soát tốt dịch bệnh và kinh tế dần phục hồi đã giúp thị trường du lịch có dấu hiệu "ấm" dần. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch trong tháng 4/2022 ước đạt 8.761 tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ.

Khách du lịch nội địa đến Tp.Hồ Chí Minh ước đạt 1,97 triệu lượt, tăng 56,7%, trong khi khách quốc tế ghi nhận hơn 114.728 lượt, tăng 100% so với cùng kỳ.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Tp.Hồ Chí Minh, tháng 4/2022 số lượng khách du lịch đến TP.HCM ở giai đoạn này có tăng so với tháng trước, nhưng nếu so với thời điểm tháng 1/2022 thì con số hiện nay vẫn còn âm. Điều này chủ yếu là do nguyên nhân ảnh hưởng dịch bệnh gây tê liệt cho toàn ngành du lịch.

Khách quốc tế mới chỉ được phép bắt đầu đến Việt Nam từ mốc mở cửa du lịch hoàn toàn ngày 15/3 và ngành du lịch đã có nhiều hoạt động trong dịp này để chào đón du khách như Lễ hội Áo dài, Tp.Hồ Chí Minh chào đón bạn...

Đây được xem là cột mốc mang tính quyết định để khách tự tin quay trở lại với du lịch trong suốt tháng 4 và tác động rất tích cực đến mùa du lịch 30/4, dịp hè và du lịch nội địa trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng định hướng làm mới nhiều sản phẩm du lịch city tour (tham quan thành phố) bằng phương tiện trực thăng và du thuyền, tạo điểm nhấn thu hút khách đến thành phố.

* Cần quan tâm hơn đời sống người lao động

Đánh giá về tình hình kinh tế xã hội thành phố trong 4 tháng đầu năm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, việc kiểm soát và điều trị tốt dịch bệnh COVID-19 đã tác động rất tích cực đến các hoạt động kinh tế.

Điều này được thể hiện rõ qua số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng mạnh; hoạt động du lịch sôi động trở lại; thu ngân sách đạt trên 43% dự toán...

Tuy nhiên, vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, thành phố cần quan tâm đến đời sống người lao động nhiều hơn, nhất là trong bối cảnh lạm phát đang ngấm rất sâu vào đời sống người lao động trên địa bàn.

"Dấu hiệu rõ nét nhất cho vấn đề này là giá cả hàng hóa đang ngày càng tăng cao. Do đó, thành phố cần quan tâm và có giải pháp cho vấn đề này, đặc biệt là người lao động, hộ nghèo, gia đình chính sách", ông Ngân nói.

Ngoài ra, đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển Tp.Hồ Chí Minh cũng cho rằng, thành phố cần đẩy nhanh việc triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để doanh nghiệp, người lao động được tiếp cận gần hơn tới gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ. Có như vậy, nền kinh tế thành phố mới phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi yêu cầu ngành lao động thành phố cần đánh giá việc tăng giá cả các mặt hàng tác động đến người dân, nhất là bộ phận người dân có thu nhập thấp. Đồng thời, rà soát, giải quyết dứt điểm các gói hỗ trợ COVID-19 cho người dân, không để kéo dài.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5, lãnh đạo UBND Tp.Hồ Chí Minh yêu cầu các sở ban ngành, địa phương tiếp tục kiểm soát tốt dịch COVID-19 cũng như dịch sốt xuất huyết. Đồng thời, các cấp khẩn trương triển khai các Nghị quyết mà HĐND thành phố đã ban hành vào kỳ họp vừa qua cũng như cần triển khai quyết liệt, đồng bộ hơn nữa việc thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ liên quan đến các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung triển khai công tác tổ chức, tham gia các sự kiện, hoạt động du lịch gắn kết với văn hóa với điểm nhấn là tổ chức có hiệu quả Ngày hội Du lịch Tp.Hồ Chí Minh lần thứ 18 năm 2022. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục dự án xây dựng đường Vành đai 3 cũng như tháo gỡ các khó khăn trong vấn đề giải ngân đầu tư công…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục