Kinh tế Trung Quốc đột ngột giảm tốc: Thách thức và biện pháp hóa giải

06:30' - 21/10/2021
BNEWS Mức tăng trưởng tương đối yếu trong quý III/2021 được cho là do thiếu điện, gián đoạn chuỗi cung ứng, dịch COVID-19 ở một số khu vực và thị trường bất động sản suy yếu do “cơn bão” Evergrande.

Theo tờ Mainichi của Nhật Bản, từ đầu năm 2021, Trung Quốc đã kiểm soát thành công dịch bệnh COVID-19 và nhanh chóng đưa nền kinh tế nước này bước vào giai đoạn phục hồi. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê được công bố ngày 18/10, GDP của nền kinh tế thứ hai thế giới này trong quý III/2021 chỉ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 7,9% của quý II/2021 cũng như kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.​

Mức tăng trưởng tương đối yếu trong quý III/2021 được cho là do thiếu điện, gián đoạn chuỗi cung ứng quốc tế, dịch COVID-19 ở một số khu vực làm giảm tiêu thụ và thị trường bất động sản suy yếu do “cơn bão” Evergrande, cùng một số vấn đề khác.

Tờ báo dẫn lời bình luận của nhân viên làm việc trong một tổ chức tài chính Nhật Bản tại Trung Quốc vào cuối tháng Chín rằng, các nhà máy sản xuất linh kiện cho các đối tác đã phải tạm dừng sản xuất vì lý do thiếu điện dù mới bắt đầu đi vào hoạt động kể từ sau khi dịch COVID-19 được khống chế. Nhiều nhà máy phải đối mặt với tình trạng cắt điện 3-4 ngày/tuần.

Có thông tin cho rằng, việc hạn chế nguồn cung điện cho các nhà máy, bao gồm các nhà máy liên doanh với nước ngoài như Nhật Bản đã xảy ra với khoảng 20 địa phương của Trung Quốc, chiếm khoảng 2/3 tỉnh, thành phố của quốc gia này. Đây là nguyên nhân chính làm giảm tốc đột ngột GDP của nước này trong quý III/2021. Một lãnh đạo Tập đoàn xây dựng lớn nhất Trung Quốc Sany Heavy Industries ngày 15/10 đã thừa nhận rằng doanh nghiệp của ông đã bị ảnh hưởng nhẹ trong tháng Chín.

Tại vùng Đông Bắc Trung Quốc, người dân đã chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng thiếu điện khi điện sinh hoạt bị cắt liên tục, đèn tín hiệu giao thông không hoạt động, dịch vụ Internet bị gián đoạn. Đã có nhiều ý kiến phàn nàn trên mạng xã hội như “chúng tôi đang thiếu nước sinh hoạt”, “chúng tôi không thể học trực tuyến vì đường truyền bị cắt”…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu điện nhưng nguyên nhân chính là do giá than tăng mạnh. Theo Hiệp hội các doanh nghiệp điện lực Trung Quốc, giá than trong nước dùng để phát điện trong tháng Chín đã tăng hơn gấp đôi so với nửa đầu năm 2021. Ở Trung Quốc, các doanh nghiệp sản xuất điện, truyền tải và phân phối điện hoạt động độc lập, do đó, các doanh nghiệp sản xuất điện không thể chủ động tăng giá điện khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Chính việc càng làm càng lỗ nên các doanh nghiệp sản xuất điện của Trung Quốc không muốn mở rộng nguồn cung.

Việc tăng giá than đột biến so với thế giới cũng đến từ chính sách giảm khí thải carbon của Chính phủ Trung Quốc. Trong một bài phát biểu tại Liên hợp quốc vào tháng 9/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố mục tiêu sẽ cắt giảm một lượng lớn khí thải carbon đến năm 2030 và quyết tâm trung hòa khí thải carbon vào năm 2060. Chính vì thế, sản xuất điện từ nguồn than đá, vốn chiếm phần lớn lượng khí thải ra môi trường, bị hạn chế đáng kể, và đây trở thành một trong những lý do khiến giá nhiên liệu này tăng cao.

Trong bối cảnh phải chấp hành chủ trương giảm khí thải từ chính phủ, chính quyền các địa phương của Trung Quốc phải chịu áp lực lớn khi ngành công nghiệp sản xuất nhôm, thép, vốn tiêu thụ nhiều điện năng vẫn phải tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu phục hồi nền kinh tế hậu COVID-19.

Trước tình trạng thiếu điện trầm trọng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra “chỉ thị quan trọng” nhằm ổn định nguồn cung năng lượng vào cuối tháng Chín vừa qua liên quan đến việc tăng sản lượng khai thác của các mỏ than phía Bắc. Tuy nhiên, hiện tại, tình trạng thiếu điện tại các doanh nghiệp ở một số địa phương vẫn khá nghiêm trọng vì Trung Quốc đang tập trung ưu tiên cung cấp điện sinh hoạt nhằm xoa dịu tâm lý bất mãn của người dân. Trong khi đó, mưa lớn lại bất ngờ xảy đến với tỉnh Sơn Tây khiến cho nhiều mỏ than tại đây phải tạm dừng khai thác.

Trước thời điểm bắt đầu một mùa Đông khắc nghiệt, Tổng Giám đốc Công ty Honda tại Trung Quốc cho biết, tại một cuộc nói chuyện trực tuyến về chiến lược sản xuất xe điện tại Trung Quốc rằng, rất khó để đánh giá chính xác khả năng thiếu điện sẽ trầm trọng hơn trong thời gian tới nên doan nghiệp này sẽ theo dõi sát tình hình để có kế hoạch sản xuất tiếp theo.

Mặt khác, một trong những chính sách trung và dài hạn khiến cho GDP của Trung Quốc trong quý III/2021 giảm là siết chặt hoạt động kinh doanh bất động sản. Chủ trương thúc đẩy “thịnh vượng chung” được Chính phủ Trung Quốc đưa ra nhằm giúp gia tăng của cải cho toàn thể người dân Trung Quốc, trong đó có việc kiểm soát đà tăng giá bất động sản tại các khu đô thị lớn. Kết quả là tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande của Trung Quốc rơi vào khủng hoảng tài chính do không thể huy được được nguồn tài chính.

Ở Trung Quốc, kể cả khi tập đoàn Evergrande phá sản thì nhu cầu nhà ở của dân cư thành thị vẫn tăng. Nếu không xảy ra một vụ vỡ nợ khổng lồ thì ít có khả năng làm xáo trộn thị trường bất động sản nước này. Tuy nhiên, mức độ đầu tư vào lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã bị thu hẹp đáng kể trong sáu tháng liên tiếp (tính đến tháng Tám năm nay). Trong bối cảnh các ngành công nghiệp nặng đang chịu áp lực giảm sản lượng thì nguồn thu từ giao dịch bất động sản cũng giảm, đã khiến cho tình hình tài chính của các địa phương Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn.

Một nguyên nhân khác khiến GDP của Trung Quốc tăng trưởng chậm lại là do tiêu dùng của người dân giảm do các biện pháp chống COVID-19 nghiêm ngặt. Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã lây lan mạnh ở Trung Quốc vào mùa Hè vừa qua. Mặc dù số ca mắc COVID-19 mới ở một số địa phương đã vượt trên 100 người/ngày, thấp hơn nhiều so với các nước như Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu nếu xét trên quy mô dân số, nhưng các nhà chức trách Trung Quốc đã nhanh chóng áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt tại các thành phố có ca nhiễm bệnh. Điều này gián tiếp ảnh hưởng đến chi tiêu cá nhân liên quan đến đi du lịch và ăn uống bên ngoài của người dân Trung Quốc.

Mặc dù tình trạng lây nhiễm COVID-19 giảm mạnh trong tháng 10, nhưng doanh thu từ du lịch trong kỳ nghỉ dài nhân dịp Quốc khánh Trung Quốc vẫn thấp hơn khoảng 30% so với trước thời điểm bùng phát dịch bệnh là năm 2019 và giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tờ Mainichi dẫn nhận định của các chuyên gia tài chính dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể đạt mức 8% trong năm 2021, một phần là để bù lại tốc độ tăng trưởng chỉ ở mức 2,3% trong năm 2020 do ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19. Tuy nhiên, mục tiêu này đang có xu hướng giảm dần trong giai đoạn cuối năm, như vậy khả quan nhất chỉ có thể tăng trưởng ở mức 5,5%.

Chính phủ Trung Quốc đang đặt mục tiêu chuyển đổi từ tăng trưởng chạy theo số lượng sang chú trọng chất lượng và mục tiêu giảm khí thải carbon cũng như kiểm soát giá bất động sản là một phần trong chiến lược này. Tuy vậy, sự đột ngột giảm tốc trong các tháng gần đây của kinh tế Trung Quốc có thể sẽ tác động lớn đến kinh tế toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục