Kinh tế Trung Quốc đứng trước triển vọng phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023

06:30' - 21/04/2023
BNEWS Trung Quốc đang ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất kể từ quý II/2022, báo hiệu một sự khởi đầu tốt đẹp để đạt được sự phục hồi mạnh mẽ trong cả năm.

Theo Thời báo Hoàn Cầu - ấn bản của Nhân dân nhật báo (Trung Quốc), trong 3 tháng đầu năm nay, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 28.500 tỷ NDT (4.150 tỷ USD). Đây là mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ quý II năm ngoái, báo hiệu một sự khởi đầu tốt đẹp để đạt được sự phục hồi mạnh mẽ trong cả năm.

Các chuyên gia phân tích nhấn mạnh, kể từ khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tuyên bố giành thắng lợi lớn và mang tính quyết định trong việc ứng phó với dịch COVID-19, đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã “nhấn nút tăng tốc”, tiếp tục đóng vai trò là nhân tố ổn định kinh tế thế giới và động lực phục hồi kinh tế thế giới giữa những "cơn gió ngược", từ việc Mỹ liên tục tăng lãi suất đến bất ổn tài chính toàn cầu.
Nhà kinh tế kỳ cựu Điền Vân ở Bắc Kinh, nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng dữ liệu tốt hơn mong đợi này đã cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà tiến tới một sự phục hồi hoàn toàn, điều có thể sẽ khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong ấn bản Triển vọng Kinh tế Thế giới tiếp theo của họ.

Trong khi đó, nhà kinh tế học Tào Hòa Bình tại Đại học Bắc Kinh, nói với Thời báo Hoàn Cầu: "Có nhiều điểm nổi bật trong quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm 2023, bao gồm doanh số bán xe sử dụng năng lượng mới và các phụ tùng liên quan tăng trưởng mạnh, xuất khẩu tốt hơn dự kiến trong tháng 3 và tốc độ tăng trưởng cao trong đầu tư cơ sở hạ tầng".
Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố, tổng giá trị gia tăng của các doanh nghiệp công nghiệp trên quy mô được chỉ định từ tháng Một đến tháng Ba năm nay đã tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh sự phục hồi nhanh chóng của sản xuất công nghiệp và những kỳ vọng kinh doanh được cải thiện.

Theo NBS, trong 3 tháng đầu năm, đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc đã tăng trưởng một cách vững chắc 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 10.730 tỷ Nhân dân tệ. Cụ thể, đầu tư vào phát triển bất động sản giảm 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thu hẹp so với mức giảm 10% so với cùng kỳ trong năm 2022.

Liên Bình, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế đồng thời là người đứng đầu Viện Nghiên cứu Đầu tư Trực Tín, nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng: "Với việc khởi động các dự án lớn, đầu tư cơ sở hạ tầng của đất nước Trung Quốc dự kiến sẽ tăng tốc trong quý II/2023, cùng với việc đầu tư sản xuất ổn định và đầu tư bất động sản phục hồi, sẽ cùng nhau thúc đẩy sự tăng trưởng ổn định của đầu tư tài sản cố định".

NBS cho biết, sự cải thiện và phục hồi mạnh mẽ của tiêu dùng trong nước được nêu bật trong số liệu kinh tế quan trọng mới nhất vừa được công bố. Tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng đạt 11.490 tỷ NDT, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng doanh số bán lẻ tháng 3/2023 đã tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phục hồi kinh tế của đất nước.

Trong tháng 4/2023, Triển lãm Sản phẩm Tiêu dùng Quốc tế Trung Quốc và Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc lần thứ 33 lần lượt được tổ chức, thể hiện đầy đủ sức mạnh kinh tế và sẵn sàng của Trung Quốc trong việc chia sẻ cơ hội về những lợi tức phát triển của mình với thế giới, thúc đẩy hơn nữa sự phục hồi tiêu dùng.

Ngành du lịch cũng có sự phục hồi mạnh mẽ. Theo dữ liệu mà trang web đặt phòng du lịch Trung Quốc Trip.com gửi cho Thời báo Hoàn Cầu, kể từ ngày 6/4, số lượng đặt chỗ du lịch nội địa đã tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái và phục hồi về mức trong cùng kỳ năm 2019.

Chuyên gia Điền Vân dự đoán, trong quý II/2023, tiêu dùng của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Chuyên gia này cho rằng, trong thời gian tới, với việc tiếp tục thực hiện các chính sách thúc đẩy tiêu dùng và ổn định thị trường bất động sản, cùng với sự tăng trưởng ổn định của xuất khẩu, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng hơn 6% trong quý II/2023. Chuyên gia Điền Vân cho biết thêm, để hỗ trợ tăng trưởng, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ vừa phải, bên cạnh những nỗ lực tăng cường hỗ trợ cho các ngành công nghiệp mới nổi do nền kinh tế số dẫn dắt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục