Kinh tế Trung Quốc giảm tốc không phải là một điều “đáng lo”

18:48' - 24/01/2019
BNEWS Điều đáng chú ý là kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng với quy mô lớn hơn nhiều song các phương tiện truyền thông đã đưa tin đậm nét về sự giảm tốc của nền kinh tế nước này.
Hàng hóa được xếp tại cảng Dương Sơn, Thượng Hải, Trung Quốc ngày 1/11/2018. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần này đã viết trên twitter rằng việc kinh tế Trung Quốc năm 2018 tăng trưởng thấp nhất (6,6%) trong gần 3 thập niên qua, điều khiến nước này cần nhanh chóng đạt được một “thỏa thuận thực sự” về thương mại với Mỹ.

Trong khi đó, với nền kinh tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1990, Trung Quốc cũng rất muốn kết thúc một cuộc chiến thương mại với Mỹ. Nhưng các số liệu thống kê mới đây cho thấy lý do mà các nhà lãnh đạo nước này ít lo ngại hơn so với những gì Tổng thống Mỹ đã nghĩ.
Đầu tiên, quy mô của nền kinh tế Trung Quốc có nghĩa là mức tăng trưởng kinh tế 6,6% trong năm 2018 đã tạo ra con số kỷ lục mới về sản lượng kinh tế.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) danh nghĩa của Trung Quốc trong năm 2018 đã tăng thêm 8.000 tỷ NDT (1.200 tỷ USD), cao hơn mức 5.100 tỷ NDT năm 2007 - khi nước này đạt nhịp độ tăng trưởng 14,2%, mức tăng cao nhất trong những thập niên gần đây.

Điều đáng chú ý là kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng với quy mô lớn hơn nhiều song các phương tiện truyền thông đã đưa tin đậm nét về sự giảm tốc của nền kinh tế nước này.
Bên cạnh đó, sự thay đổi "bản chất" tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc cũng giúp nước này giảm thiểu phần nào những tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Các mức thuế quan mà Mỹ áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang gây khó cho các doanh nghiệp Trung Quốc, khi họ đã thông báo số đơn đặt hàng xuất khẩu giảm mạnh.

Tuy vậy, đối với nền kinh tế có quy mô rộng lớn hơn thì doanh thu xuất khẩu có vai trò ít quan trọng hơn so với trước đây.

Thặng dư thương mại sụt giảm đã "lấy đi" 0,5 điểm phần trăm của mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2018, song nhu cầu nội địa của nước này giúp bù đắp nhiều hơn con số đó.

Chi tiêu tiêu dùng đã đóng góp 3/4 mức tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2018, cao nhất kể từ năm 2000.
Cuối cùng, Trung Quốc đã đạt được những thành quả vừa phải trong việc làm “lành mạnh hóa” hệ thống tài chính trong nước. Chính phủ Trung Quốc đã tìm cách hạn chế mức nợ vay, đã tăng mạnh trong thập niên vừa qua.

Những ý kiến chỉ trích cho rằng Trung Quốc đã không giảm được nợ vay một cách thực sự do tỷ lệ nợ tính trên GDP của nước này vẫn tiếp tục tăng.

Tuy vậy, bình ổn mới là mục tiêu thực sự của Trung Quốc. Nước này đã đạt được một số thành công khi mức độ tăng nợ đã chậm lại đáng kể.

Năm 2015, cứ 4 đồng NDT tín dụng mới sẽ tạo ra 1 đồng NDT trong GDP của Trung Quốc. Tỷ lệ tương ứng của năm 2018 đã giảm còn 2,5/1 và đây cũng là mức trung bình trong 15 năm qua.
Dĩ nhiên là Trung Quốc muốn thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump rút lại quyết định áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc.

Tổng thống Trump ngày 23/1 khẳng định các cuộc đàm phán thương mại giữa nước này và Trung Quốc vẫn đang diễn tiến tốt đẹp. Trước đó cùng ngày, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett bày tỏ tin tưởng rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đạt được một thỏa thuận trước ngày 1/3.

Theo kế hoạch, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tại Washington vào tuần tới, trong bối cảnh hai bên nỗ lực giải quyết tranh chấp thương mại trước ngày 1/3 - thời điểm "đình chiến thương mại" 90 ngày kết thúc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục