Gắn trách nhiệm cụ thể với từng địa phương khi vay vốn ODA

15:01' - 24/03/2016
BNEWS Để sử dụng hiệu quả vốn vay ODA, các địa phương phải thông qua HĐND các cấp để cân nhắc xem dự án có mang lại hiệu quả và cần thiết không, từ đó, gắn trách nhiệm cụ thể với từng địa phương.

Liên quan đến việc Việt Nam có thể không còn được vay vốn ưu đãi theo điều kiện ODA bắt đầu từ tháng 7/2017 và phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Bên lề Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII ngày 24/3, phóng viên TTXVN đã ghi lại ý kiến của các đại biểu quốc hội về vấn đề này.

* Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Gắn trách nhiệm cụ thể với từng địa phương

Đây là một trong những nội dung mà Chính phủ đã có kịch bản. Hiện nay, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã đạt 2.109 USD, trong khi cứ vượt qua mức thu nhập bình quân đầu người 1.000 USD thì đã là nước có thu nhập trung bình.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Tp. Hồ Chí Minh). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Đến năm 2017, chúng ta sẽ vay với mức lãi suất cao hơn từ 2-3% và thời gian cũng ngắn hơn chỉ khoảng 15-20 năm, thậm chí còn ngắn hơn nữa. Do vậy, vấn đề vốn vay ODA cần phải được kiểm soát chặt hơn nữa bởi vì mỗi năm Việt Nam giải ngân khoảng 4 - 4,5 tỷ USD.

Như vậy, suốt 20 năm qua, nguồn vốn này giúp Việt Nam trong việc tăng trưởng kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, đem lại rất nhiều lợi ích... Nhưng nếu quản lý một cách chặt chẽ hơn, hạn chế bớt những dự án xin cho thì tính hiệu quả của nó còn cao hơn nữa.

Sắp tới đây, vốn ODA sẽ xem xét đến vấn đề Chính phủ vay xong rồi cho các địa phương vay lại. Các địa phương đó phải thông qua Hội đồng nhân dân các cấp để cân nhắc xem dự án có mang lại hiệu quả hay không và có cần thiết chưa, có phù hợp với cuộc sống của người dân hay không. Từ đó, gắn trách nhiệm cụ thể với từng địa phương theo như Luật Đầu tư công và nâng cao việc sử dụng vốn ODA.

Bên cạnh đó, cũng hạn chế được tình trạng đầu tư không hiệu quả như trước đây, bởi có sự tham gia giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương. Tuy nhiên, cần lưu ý đến các dự án liên vùng mang tính chất ảnh hưởng đến khu vực thì nhất thiết dự án đó phải là của Chính phủ và là các dự án cấp phát.

* Đại biểu Phan Văn Quý (đoàn Nghệ An): Giảm bớt gánh nặng cho Chính phủ

Việc rút ngắn thời gian cho các khoản vay vốn ODA là chính sách của các nhà tài trợ. Khi một đất nước thoát được mức thu nhập trung bình thì các chính sách ưu đãi, đặc biệt về vốn ODA sẽ bị cắt giảm và chúng ta cũng nằm trong chính sách chung của các nhà tài trợ đó.

Đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An). Ảnh: Đức Duy/TTXVN
Chính phủ đã có chủ trương xem nguồn vốn ODA cũng như nguồn vốn vay khác phải có hạch toán. Đồng thời, cũng được xem như nguồn vốn thương mại khác. Đó là cách làm chuyên nghiệp và có hiệu quả, bởi vì các chủ đầu tư sử dụng vốn, đặc biệt vốn ODA phải nghĩ tới hiệu quả của nó.

Thời hạn đến năm 2017 vốn ODA sẽ cắt giảm và tăng lãi suất sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển của Việt Nam vì nước ta đang phát triển, các công trình hạ tầng chính đã cơ bản hoàn thành và phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang áp dụng nhiều hình thức đầu tư như PPP, BOT… Điều này đã giảm bớt gánh nặng cho Chính phủ.

Lâu nay nhà nước vẫn làm thay cho các địa phương, dẫn đến việc địa phương khi xin được ODA coi như "của được". Bây giờ cho các địa phương vay thì phải xét trên tính khả thi của dự án và phải có trách nhiệm hoàn trả vốn. Như vậy, trách nhiệm của địa phương sẽ cao hơn. Đây là một hình thức hay, tạo ra trách nhiệm của tất cả các tầng lớp, đặc biệt là những người đi vay vốn.

* Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc): Phân công trách nhiệm rõ ràng

Trước đây, phương thức sử dụng vốn ODA theo cách là nguồn vốn tập trung ở Chính phủ rồi Chính phủ điều tiết. Cơ chế này nảy sinh tình trạng "xin", "chạy" vốn ODA, dẫn đến sự không công bằng và đôi khi vốn này sử dụng chưa hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc). Ảnh: TTXVN

Chúng ta đang sử dụng nguồn vốn vay trong bối cảnh đất nước đang cần các nguồn lực để kiến tạo và phát triển. Quan trọng nhất là quản lý, sử dụng nguồn vốn như thế nào là câu chuyện đáng bàn và bài toán là làm sao sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả.

Trong đó, phải tính toán được chúng ta vay 1 đồng phải mang lại lợi ích là 2 - 3 đồng và bảo đảm nguồn vốn phải sinh lời. Muốn được như vậy, phải có phân công trách nhiệm rõ ràng và có cơ chế chịu trách nhiệm trong nguồn vay này. Nếu không phân rõ trách nhiệm, rất khó để các nguồn vay này được sử dụng có hiệu quả.

Không có chuyện cứ vay ào ào, rồi đến lúc để thất thoát nguồn vốn, sử dụng không hiệu quả lại là trách nhiệm tập thể và cuối cùng không có cá nhân đứng ra chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, cũng cần phải huy động nguồn vốn nội lực trong nước, huy động được nguồn vốn từ dân và hạn chế đi vay. Đây không chỉ là chuyện vay vốn, mà phải tính toán đầu tư vào đâu, đầu tư cái gì, đầu tư làm sao cho có hiệu quả trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào thế giới hiện nay.

Ngoài ra, cũng cần phải coi trọng các thành phần kinh tế để tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội; tạo sân chơi bình đẳng, các thành phần kinh tế phải được tôn trọng ngang nhau trước pháp luật để từ đó huy động được các nguồn lực.

Nguồn vay là một kênh huy động vốn rất tốt, nhưng hết sức thận trọng khi sử dụng nguồn vay. Vay là chúng ta phải trả lãi mà hiện áp lực vay của Chính phủ là rất lớn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục