Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Biến cam kết thành hành động

13:38' - 11/06/2019
BNEWS Chất vấn và trả lời chất vấn là hoạt động giám sát của Quốc hội, được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm.

Tại các phiên chất vấn, hàng loạt các vấn đề “nóng” của người dân sẽ được các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ làm rõ ngay tại nghị trường. Sau mỗi phiên chất vấn, cử tri và nhân dân mong muốn các bộ, ngành vào cuộc mạnh mẽ để giải quyết những bức xúc đó, biến cam kết thành hành động để tạo sự chuyển biến trên thực tế.

*Triệt tiêu nguyên nhân dẫn đến tội phạm

Tại kỳ họp này, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn theo từng nhóm vấn đề xoay quanh 4 nội dung: an ninh trật tự, an toàn xã hội; xây dựng; giao thông vận tải; văn hóa, thể thao và du lịch. Bốn Bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn gồm: Bộ Công an; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trong quá trình chất vấn, các Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam, cùng các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan tham gia giải trình và báo cáo làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã nhận được nhiều câu hỏi của đại biểu Quốc hội liên quan đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy; công tác đấu tranh phòng chống tội phạm giết người, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; tổ chức đường dây mang thai hộ xuyên quốc gia; xâm hại phụ nữ, trẻ em; công tác đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật, tội phạm xâm phạm an toàn giao thông, nhất là đối tượng tham gia giao thông sử dụng rượu bia vượt quá mức quy định và sử dụng ma tuý, chất kích thích, gây hậu quả nghiêm trọng.

Đây là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, tính mạng, tài sản của nhân dân; liên quan đến trật tự kỷ cương của nhà nước, sự bình yên của xã hội nên nhận được sự quan tâm rất lớn của đại biểu Quốc hội và cử tri.

Giải trình trước Quốc hội về công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ: Bộ đã đánh giá và dự báo được tình hình. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải chịu áp lực ma túy từ nước ngoài vào rất lớn do ở gần trung tâm sản xuất ma túy là Tam Giác Vàng. Nguy cơ phát triển tội phạm này rất cao, số người nghiện ma túy cũng tiếp tục gia tăng, nguồn cung rất lớn và nhu cầu cũng ngày một phát triển…

Để giải quyết tình trạng này, Bộ Công an đã đề xuất với Chính phủ kế hoạch tổng thể để ngăn chặn tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia. Bộ Công an cũng phối hợp với Lào tổ chức cao điểm triệt phá ma túy có hiệu quả tốt. “Với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, chúng tôi hoàn toàn có thể ngăn chặn được tội phạm ma túy và không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy ra thế giới”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Mặc dù thời gian qua, công tác phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tuy nhiên, xã hội vẫn chưa thực sự bình yên, người dân vẫn chưa thực sự yên tâm trước diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình an ninh trật tự.

Sự gia tăng hoạt động tội phạm, thành tích của lực lượng công an rất lớn nhưng vẫn còn đó những lo lắng trong xã hội; vẫn xảy ra nhiều vụ án lớn thương tâm mà Quốc hội, nhân dân và xã hội cực lực lên án.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Theo đó, tổng kết rà soát một cách tổng thể và đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật về phòng chống ma túy; triển khai hiệu quả chương trình quốc gia về phòng chống ma túy đến năm 2020; kiềm chế gia tăng tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội, tạo sự chuyển biến rõ nét về trật tự an toàn xã hội trên từng địa bàn, cả đô thị và nông thôn…

Để góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thực hiện phòng là chính, chống phải hiệu quả, triệt để loại bỏ các nguyên nhân dẫn đến tội phạm. Đây là mong muốn không chỉ của các đại biểu Quốc hội mà tất cả người dân và xã hội.

*Bảo đảm tính khả thi của quy hoạch

Là lĩnh vực liên quan mật thiết đến đời sống người dân và công tác quản lý, điều hành, phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã nhận được rất nhiều câu hỏi của đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Bộ trưởng đã giải trình, làm rõ nhiều nội dung liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình; việc quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú, biệt thự du lịch; công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị…

Các đại biểu Quốc hội đánh giá, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, thực thi nhiều giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị, góp phần làm cho diện mạo các đô thị có chuyển biến tích cực, thị trường bất động sản dần đi vào nề nếp, là một kênh đầu tư quan trọng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực xây dựng còn không ít tồn tại, hạn chế, trong đó có những nội dung đã tồn tại từ giai đoạn trước, có vấn đề mới xuất hiện; có nội dung xuất phát từ khách quan sự phát triển của nền kinh tế nhưng không ít vấn đề xuất phát từ chủ quan của chính công tác quản lý, điều hành.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về những hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực phụ trách. Cụ thể, Bộ chưa kịp thời đánh giá, theo dõi tình hình thực hiện pháp luật trên thực tế tại các địa phương; chậm thực hiện hoặc thực hiện chưa hiệu quả một số việc theo nhiệm vụ quy định pháp luật giao cho Bộ Xây dựng như: Thẩm định một số dự án, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn định mức đánh giá...

Nêu một số giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, Bộ sẽ nâng cao chất lượng quy hoạch, bảo đảm tính khả thi của quy hoạch; kiểm soát việc thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy hoạch; tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền công bố công khai quy định pháp luật về quy hoạch để nhân dân biết, thực hiện và giám sát; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống quy định của pháp luật về xây dựng, nhà ở, quản lý đô thị, kinh doanh bất động sản; tăng cường hiệu lực, hiệu quả thanh tra giám sát công tác quy hoạch, quản lý để ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật trong quản lý thị trường bất động sản, quản lý trật tự đô thị, chấm dứt tình trạng “phạt cho tồn tại” trong quản lý xây dựng, trong quản lý, vận hành nhà chung cư.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về xây dựng, tăng cường công tác quản lý đô thị đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ thống nhất theo quy hoạch…

*Xử lý sai phạm trong quản lý dự án

Không phải ngẫu nhiên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể lại là vị “tư lệnh” ngành được khá nhiều đại biểu Quốc hội chọn lựa vào vị trí “ghế nóng” chất vấn tại Kỳ họp thứ Bảy.

Bởi, hàng loạt các vấn đề của ngành như: Công trình giao thông trọng điểm liên tiếp chậm tiến độ, đội vốn; tồn tại ở các trung tâm sát hạch cấp giấy phép lái xe; bất cập tại các dự án BOT... diễn ra trong thời gian vừa qua gây nhiều bức xúc trong dư luận. Sự xuất hiện của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại phiên chất vấn vì vậy đã làm “nóng” nghị trường bởi rất nhiều câu hỏi của đại biểu Quốc hội và cử tri chờ câu trả lời thỏa đáng.

Lần thứ hai trả lời chất vấn trước Quốc hội, với kinh nghiệm trong quản lý điều hành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã giải thích về những nguyên nhân khách quan, chủ quan cho những tồn tại, bất cập của ngành đồng thời đưa ra những cam kết, giải pháp cũng như lộ trình cụ thể để thực hiện.

 Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Đáng chú ý, việc chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng kém, thất thoát lãng phí trong các công trình đầu tư cho giao thông tuy không phải là vấn đề mới nhưng sự chuyển biến còn chậm, gây bức xúc trong dư luận nên đã được nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn. Giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, thanh tra Bộ đã thanh tra các dự án mà báo chí và người dân phản ánh về chất lượng.

Cùng với đó, Bộ đã phối hợp với Thanh tra các Bộ, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và cơ quan điều tra của Bộ Công an đang tiến hành xử lý. Với những dự án, công trình chậm tiến độ do yếu tố khách quan như giải phóng mặt bằng, bố trí vốn chưa kịp thời thì kiểm điểm rút kinh nghiệm. Còn dự án do trách nhiệm chủ quan của các cơ quan có liên quan, do chủ đầu tư thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kể cả chuyển hồ sơ qua cơ quan công an xử lý nghiêm.

Liên quan đến vấn đề sát hạch lái xe, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận, đây là một nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông phức tạp nên Bộ Giao thông vận tải đã tải tập trung thực hiện công tác này như: chỉ đạo Cục Đăng kiểm, Thanh tra Bộ để thanh tra, kiểm tra các trung tâm sát hạch lái xe. Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 138 thay thế Nghị định 165, trong đó điều chỉnh một số tiêu chuẩn với cơ sở đào tạo... Bộ trưởng khẳng định, sẽ cố gắng cải thiện hơn nữa công tác đào tạo, sát hạch lái xe.

Nhấn mạnh lĩnh vực giao thông vận tải tác động trực tiếp đến đời sống sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của nhân dân, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu để đề ra những giải pháp mang tính đột phá.

Theo đó, tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về giao thông vận tải cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư giải quyết cơ bản những tắc nghẽn, quá tải, ùn tắc giao thông…

Bên cạnh đó, các bộ, ngành tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án trọng điểm, các dự án được Quốc hội quyết định, giải quyết dứt điểm các dự án còn dở dang hoặc đã hoàn thành, sắp hoàn thành nhưng chưa giải ngân; rà soát toàn bộ hệ thống các trạm thu phí đường bộ để xử lý những tồn tại, vướng mắc, bất cập trong thực tế, khẩn trương quyết toán các dự án BOT để đảm bảo công khai minh bạch, triển khai giám sát chặt chẽ việc thu phí bằng hệ thống công nghệ phù hợp…

*Giải pháp đồng bộ chống mê tín, dị đoan

Thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, gia đình, xã hội, lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là vấn đề thể thao đã trở thành niềm tự hào, góp phần tạo nên sức mạnh, nâng cao vị thế của quốc gia. Tuy nhiên, sự phát triển của kinh tế với những mặt trái đã tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa, tinh thần và gây ra không ít những vấn đề bức xúc trong nhân dân và dư luận xã hội.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Xuất phát từ mối quan tâm của xã hội, cử tri và nhân dân, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện làm rõ các vấn đề với mong muốn các bộ, ngành có những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực này.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã giải trình cụ thể các vấn đề liên quan đến công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn, quản lý điện ảnh, quản lý hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; Công tác quản lý và phát triển dịch vụ du lịch… Đặc biệt, công tác phòng ngừa mê tín dị đoan; quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh, du lịch tâm linh cũng được người đứng đầu ngành Văn hóa làm rõ.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, “việc thương mại hóa công trình tâm linh, lợi dụng công trình tâm linh để kinh doanh, thu lợi bất chính, thực hiện hành vi mê tín dị đoan là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải lên án và xử lý theo quy định”.

Về quản lý tiền thu, chi công đức, Bộ trưởng cho biết, hiện nay chưa có văn bản pháp quy nào quy định vấn đề này. Chỉ có văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Bộ Nội vụ hướng dẫn việc sử dụng tiền công đức.

Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV về hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo đã quy định “Tiền, tài sản được dâng cúng, công đức, tài trợ cho các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch”.  

Theo Bộ trưởng, hiện nay, Chính phủ ban hành Nghị định liên quan đến quản lý và tổ chức lễ hội, trong đó, giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn vấn đề thu chi tiền công đức.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy giá trị tốt đẹp, truyền thống của các tôn giáo, tín ngưỡng, bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; có các giải pháp, biện pháp đồng bộ trong việc phòng, chống mê tín dị đoan, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để thu lợi bất chính; chấn chỉnh các hành vi lợi dụng tâm linh để tiến hành các hoạt động không có trong giáo lý, giáo luật; tăng cường các biện pháp tuyên truyền để nhân dân nhận diện được sự khác nhau giữa các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh với các hành vi mê tín dị đoan núp bóng hoạt động tín ngưỡng, tâm linh; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan.

Có thể nói, tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm của cả người hỏi và trả lời; sự linh hoạt trong điều hành của Chủ tọa đã giúp cho phiên giám sát đặc biệt của Quốc hội thực sự “nóng” với những tranh luận sôi nổi.

Tuy nhiên, theo các đại biểu, cần nhiều hơn sự vào cuộc rốt ráo của ngành chức năng, từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là tăng cường đôn đốc, giám sát việc thực hiện những lời hứa của các thành viên Chính phủ, tạo chuyển biến mạnh mẽ, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra./.

Xem thêm:

>>Hôm nay, Quốc hội biểu quyết thông qua hai nghị quyết và cho ý kiến hai dự án Luật

>>Tăng chế tài ngăn chặn việc lạm dụng rượu, bia, gây tai nạn giao thông

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục