Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực

18:43' - 11/11/2019
BNEWS Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 11/11, với 88,2% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN

Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.

Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Qua thảo luận tại tổ, các đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập đang tồn tại hiện nay và bảo đảm tính pháp lý ổn định, nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, cũng như tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.

Liên quan đến lĩnh vực đầu tư, quy mô và phân loại dự án PPP, dự thảo Luật quy định: Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với từng lĩnh vực, nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP để áp dụng phương thức đầu tư PPP là cần thiết nhằm ưu tiên đầu tư PPP đối với các dự án quan trọng, khuyến khích thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân thuộc các lĩnh vực được xác định, tránh tình trạng đầu tư tràn lan, không kiểm soát được rủi ro do các dự án PPP còn liên quan đến các nghĩa vụ từ phía khu vực công như bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu...

Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với các lĩnh vực cũng như làm rõ hơn căn cứ, cơ sở của việc quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP tại dự thảo Luật.

Về lựa chọn nhà đầu tư, nhiều đại biểu cho rằng, việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP cần phải được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế, để tránh rủi ro về lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát, giảm tính cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án. Do đó, cần quy định cụ thể hơn về điều kiện áp dụng theo hướng thu hẹp các trường hợp chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế tại dự thảo Luật.

Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lực lượng dự bị động viên và thảo luận về dự án Luật này.

Tại thảo luận, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra cũng đã tiếp thu, phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, về cơ bản, các nội dung của dự thảo đã được rà soát, bảo đảm đồng bộ thống nhất, nhiều nội dung đã được chỉnh sửa.

Các quy định của dự thảo luật đã bám sát nguyên tắc, chủ trương xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, nâng cao chất lượng, hiệu quả huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.

Việc xây dựng lực lượng dự bị động viên phải bám sát tình hình, đặc thù trong công tác quân sự quốc phòng, xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là trong bối cảnh xây dựng kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Các đại biểu đã thảo luận, làm rõ thêm những quy định trong dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên.

Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng hợp các ý kiến của đại biểu, chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục