Ký kết thỏa thuận phối hợp kết nối cung cầu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu

13:26' - 29/11/2024
BNEWS Tại hội nghị kết nối cung – cầu, Liên minh Hợp tác xã 12 tỉnh, thành phố đã ký kết thỏa thuận phối hợp về kết nối cung cầu, quảng bá giới thiệu tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu.

Ngày 29/11, tại thành phố Thái Bình, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Bình tổ chức hội nghị kết nối cung – cầu và trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu của các Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã tỉnh Thái Bình.

 
Dịp này, Liên minh Hợp tác xã 12 tỉnh, thành phố gồm Thái Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Phú Thọ, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên đã ký kết thỏa thuận phối hợp về kết nối cung cầu, quảng bá giới thiệu tiêu thụ sản phẩm.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường đánh giá, thời gian qua nhiều Hợp tác xã được củng cố, đổi mới về tổ chức, hoạt động, có nhiều chuyển biến về quy mô, công nghệ, năng lực quản trị sản xuất, kinh doanh. Nhiều hợp tác xã điển hình tiên tiến, sản xuất, kinh doanh giỏi ở các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế- xã hội.

Mặc dù chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại theo nhóm ngành, lĩnh vực đã được triển khai song còn nhiều tồn tại, hạn chế như: chưa thực hiện đúng đối tương, chưa phát huy hiệu quả theo đúng mục tiêu, nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp; tỷ lệ hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản xuất còn hạn chế; số lượng hợp tác xã xây dựng được thương hiệu sản phẩm chưa nhiều….

Để nâng cao hiệu quả hỗ trợ về xúc tiến thương mại cho kinh tế tập thể, hợp tác xã, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề nghị Liên minh Hợp tác xã các địa phương tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành các chính sách phát triển hợp tác xã trong đó chú ý đến nguồn lực phát triển, công tác xúc tiến thương mại.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của hoạt động xúc tiến thương mại với hiệu quả của quá trình sản xuất, kinh doanh, tạo sự chủ động, tích cực tham gia của các đơn vị thành viên; tích cực tìm kiếm thị trường, kêu gọi các nhà đầu tư, hỗ trợ các hợp tác xã tham gia hình thành chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm;

Các hợp tác xã cần đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại với nhiều hình thức phong phú, đa dạng để khai thác tốt các thị trường mới, thị trường tiềm năng, trong đó đặc biệt quan tâm đến khai thác thị trường trên nền tảng số. Cùng đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, làm tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, qua đó gia tăng sức cạnh tranh, đồng thời tập trung từng bước xây dựng các thương hiệu mạnh từ trong nước đến quốc tế.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Bình Trần Văn Toản cho biết: Trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện có 361 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản; 118 hợp tác xã phi nông nghiệp; có 35 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn sinh học; có 194 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP, trong đó 48 sản phẩm đạt 4 sao, 146 sản phẩm đạt 3 sao, có 54 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia là chủ thể.

Toàn tỉnh hiện có 286 hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm với trên 30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm được cung cấp tại các trung tâm thương mại, siêu thị thuộc các tập đoàn phân phối lớn.

Là địa phương dẫn đầu phong trào xây dựng nông thôn mới của cả nước và đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, tỉnh Thái Bình tập trung xây dựng mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tổ chức sản xuất tập trung theo quy mô lớn, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản.

Cùng đó, tỉnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện thực tế; xây dựng vùng nguyên liệu nông sản tập trung quy mô lớn gắn với cấp mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục