Kỳ thi THPT quốc gia 2017: Điều chỉnh phương pháp ôn thi dựa trên bộ đề thi tham khảo

19:39' - 17/05/2017
BNEWS Từ ngày 15/5, nhiều trường THPT tại tỉnh Nghệ An đã điều chỉnh phương pháp ôn thi cho học sinh, dựa trên bộ đề thi tham khảo mà Bộ Giáo dục và đào tạo công bố chiều 14/5.
Kỳ thi THPT quốc gia 2017: Điều chỉnh phương pháp ôn thi dựa trên bộ đề thi tham khảo. Ảnh minh họa: Thu Hằng-TTXVN

Toán và Lịch sử là hai trong các môn thi chuyển từ hình thức thi tự luận sang trắc nghiệm được thầy cô và học sinh quan tâm hàng đầu.

Ghi nhận tại buổi ôn tập Toán của học sinh trường THPT chuyên Đại học Vinh chỉ 3 ngày sau khi bộ đề thi tham khảo được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, trong đề cương ôn tập, phần câu hỏi có thể giải bằng máy tính giảm xuống còn 10% thay vì 30% như trước.

Đây là điều chỉnh đầu tiên trong phương pháp ôn tập cho các em, đó là giảm bớt thời gian luyện, giải các câu hỏi bằng máy tính. Bởi trong đề thi tham khảo lần này, những câu hỏi như vậy chỉ chiếm 5 - 6 câu, ít hơn nhiều so với 2 đề thi trước do Bộ công bố.

Thạc sĩ Lê Mạnh Linh, giáo viên Toán trường THPT chuyên Đại học Vinh cho biết: “Với đề thi này hạn chế học sinh dùng máy tính bỏ túi, yêu cầu học sinh nắm vững và biết vận dụng kiến thức cơ bản trong dạng Toán.

Ngoài ra học sinh cũng phải sử dụng tư duy logic, suy luận để làm bài. Ở những câu vận dụng bậc cao thì hạn chế tính hàn lâm và không nên đưa những câu hỏi tự luận vào làm thi trắc nghiệm”.

Còn đối với học sinh, môn Toán là môn có sự thay đổi đáng kể về cấu trúc làm bài. Cụ thể là bỏ dạng toán thực tế và thay vào đó là dạng toán cực trị hình học. Em Nguyễn Ngọc Huy, học sinh lớp 12A4 trường THPT chuyên Đại học Vinh cho biết: “Sự thay đổi này sẽ làm khó một số bạn học sinh bởi các bạn sẽ phải thay đổi cách học trong một tháng trước khi kỳ thi bắt đầu.

Tuy nhiên em vẫn mong muốn được đưa dạng toán thực tế vào đề thi bởi đây là dạng toán rất hay khi chúng ta đang học mà thiếu thực hành. Còn các môn khác như môn Hóa và môn Lý các bài toán dần lược bỏ và thay vào đó là các bài lý thuyết rất hay".

Tiến sĩ Lê Xuân Sơn, Hiệu phó trường THPT chuyên Đại học Vinh nhận định: Với một chủ đề kiến thức nhưng học sinh phải biết đặt ra câu hỏi và tự trả lời hoặc cùng trao đổi với bạn. Bởi vậy nhà trường khuyến khích các em học sinh học nhóm để cùng giúp đỡ, bổ trợ kiến thức cho nhau.

Đối với môn lịch sử, cô giáo Vi Thị Thu Hồng, giáo viên Lịch Sử trường THPT Dân tộc nội trú 1 Nghệ An đưa ra lời khuyên: Trong thời gian nước rút, học sinh nên lựa chọn cụm từ chìa khóa để học, cố gắng phân biệt được thuật ngữ Lịch sử và các cụm từ khóa, đồng thời vạch ra được công thức chung để các em học, tránh nhầm lẫn sự kiện này với sự kiện kia. Trong quá trình học cố gắng tìm ra những sự kiện Lịch sử thế giới có tác động trực tiếp đến Việt Nam, vận dụng liên hệ thực tế.

Ngoài môn Toán và Lịch sử, đề thi môn Tiếng Anh cũng khiến nhiều giáo viên và học sinh băn khoăn. Cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên Tiếng anh trường THPT chuyên Đại học Vinh đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo nên bổ sung phần câu thành ngữ, tục ngữ, đề sẽ hay hơn.

Bởi đây là câu phân loại học sinh giỏi, mở rộng vốn từ và thông qua các câu thành ngữ để các em hiểu được văn hóa, truyền thống của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới thì các em sẽ có động lực để học và phần học của mình có tính thực tiễn hơn.

>>> Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017: Thú vị với đề thi Giáo dục công dân

>>> Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017: Đề thi không quá khó với học sinh ĐBSCL

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục