BNEWS
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế nhập khẩu đối ứng cách đây một tuần, VN-Index đã giảm hơn 18%, vốn hóa sàn HOSE “bốc hơi” hơn 933.000 tỷ đồng (khoảng 36 tỷ USD).
Thị trường chứng khoán đang ở một trong những nhịp giảm sâu nhất lịch sử giao dịch trước thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam - nằm trong Top 3 nước bị áp thuế cao nhất, áp dụng từ ngày 9/4/2025.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế nhập khẩu đối ứng cách đây một tuần,
VN-Index đã giảm hơn 18%, vốn hóa sàn HOSE “bốc hơi” hơn 933.000 tỷ đồng (khoảng 36 tỷ USD).
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho biết, đà giảm của thị trường trong những ngày qua tương đương với thời điểm xảy ra COVID-19 vào tháng 3 năm 2020. Về cơ bản, nhà đầu tư rơi vào tâm lý hoảng loạn quá mức, nhiều cổ phiếu cũng đã rơi về mức định giá rất thấp.
Ông Minh cho rằng, mức thuế 46 % là mức “không tưởng” đối với hàng hóa Việt Nam. Vị chuyên gia này không nghiêng về kịch bản Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ áp dụng mức thuế 46 %. “Tôi vẫn nghiêng về kịch bản ông Trumd sẽ hoãn chính sách thuế quan sau 90 ngày. Nếu như thế thì thị trường chứng khoán sẽ có đợt phục hồi ngay sau 9/4 và có chiều hướng tích cực hơn”, ông Minh nhận định.
Ông Minh cũng nhận định, thị trường hiện ở mức rất rẻ, nhiều cổ phiếu bị quá bán trong ngắn hạn. Đây cũng là cơ sở mà để thị trường có thể sẽ có nhịp hồi phục.
Trường hợp xấu nhất nếu Việt Nam vẫn bị áp thuế 46%, tăng trưởng của nền kinh tế sẽ gặp khó, các doanh nghiệp niêm yết cũng sẽ gặp khó khăn về tăng trưởng. Như vậy, khả năng thị trường sẽ giảm sâu hơn nữa trước khi bật tăng. Có thể VN-Index sẽ giảm và xoay quanh mốc 900 điểm, khi đó, định giá của thị trường chắc chắn cũng sẽ giảm xuống.
“Vấn đề lúc này là tâm lý nhà đầu tư không còn phản ứng theo định giá thị trường vì họ lo sợ tăng trưởng của nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi mức áp thuế 46 % với hàng hóa Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ thị trường sẽ sớm hồi lại”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, trong một thời gian ngắn các doanh nghiệp FDI không thể ngay lập tức chuyển các dây chuyền sản xuất qua quốc gia khác. Bên cạnh đó, người dân Mỹ họ vẫn phải tiêu dùng, vẫn phải mua đồ gỗ, quần áo, thực phẩm... Do vậy, sau khi thị trường có mức chiết khấu cao như hiện nay sẽ nhanh chóng định giá lại. Ứng xử của nhà đầu tư hiện nay là nên giải phóng margin (vay giao dịch ký quỹ), nộp tiền vào tài khoản để đưa tỷ lệ margin về mức thấp nếu có điều kiện. Với nhà đầu tư có tỷ lệ đòn bẩy an toàn thì nên nắm giữ cổ phiếu, không nên bán trong thời điểm hiện tại.
Thực tế cho thấy, dù thị trường vẫn giảm sâu trong phiên hôm nay, nhưng đã có những dấu hiệu nhen nhóm hy vọng sự phục hồi. Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), khối lượng khớp lệnh hôm nay tăng mạnh so với phiên trước và vượt mức (tăng 63,8%) so với mức trung bình 20 phiên.
Thanh khoản gia tăng, nhiều nhóm cổ phiếu thoát giá sàn, thậm chí đã xuất hiện nhiều nhóm cổ phiếu bật tăng trở lại trong phiên (hàng không, nhựa, công nghệ viễn thông…) cho thấy lực cầu bắt đáy đã có tín hiệu gia nhập.
Xét về xu hướng thì đà giảm vẫn hoàn toàn áp đảo, song ở thời điểm hiện tại, VN-Index đang khá gần với ngưỡng hỗ trợ mạnh (1.021 – 1.045) điểm. VN-Index liên tục giảm mạnh trong mấy phiên gần đây đã khiến hệ số giá trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu (P/E) về gần với các mức đáy trong quá khứ.
Dịch bệnh COVID-19 khiến VN-Index tạo đáy trong 2020 với P/E 10,23 lần, khủng hoảng trái phiếu 2022, VN-Index tạo đáy với P/E 9,5 lần và hiện tại với P/E của VN-Index là 10,84 lần đang rất sát với các mức đáy trong 2 cuộc khủng hoảng trước đây.
Vậy khi VN-Index giảm về vùng hỗ trợ (1.021 -1.045) điểm thì P/E của thị trường cũng tiền sát về các mức đáy của thị trường và sau đó có sự phục hồi trở lại. “Vì vậy ở thời điểm hiện tại chúng tôi cho rằng nhà đầu tư không nên bán tháo, thậm chí với các tài khoản còn tiền mặt thì có thể căn mua từng phần khi VN-Index sát về vũng hỗ trợ trên”, CSI cho biết.
Các chuyên gia tư Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) nhìn nhận, tin xấu thực tế có thể trở thành cơ hội tốt. Dù không thể tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn, nhưng những lợi ích dài hạn cho Việt Nam sẽ đến từ mô hình tăng trưởng kinh tế cân bằng do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại và đây vẫn là kịch bản cơ sở.
Trong ngắn hạn, Chính phủ vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% cho năm 2025 và hai con số cho các năm tiếp theo. Chính sách tài khóa (kích cầu, đầu tư công) vẫn là điểm nhấn của năm 2025, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ nợ công của Việt Nam vẫn đang ở mức rất thấp so với thế giới và thu ngân sách tăng cao.
Chính sách tiền tệ được nới lỏng thêm do áp lực lên tỷ giá khó kéo dài lâu khi “chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ” đang dần bị thay thế bởi rủi ro suy thoái. Tuy nhiên, trong ngắn hạn việc tỷ giá chịu áp lực cũng có thể ảnh hưởng đến sự linh hoạt của chính sách tiền tệ.
Về dài hạn, việc có cơ hội nhanh chóng tiến tới có một hiệp định thương mại tự do để làm cơ sở cân bằng hơn cán cân thương mại giữa hai nước, cũng như bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, sẽ là một bước tiến lớn của Việt Nam trong câu chuyện trở thành quốc gia kết nối. Đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng đa dạng hơn thị trường xuất khẩu, cũng như tập trung hơn vào thị trường nội địa với các động lực tăng trưởng từ bên trong để nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế.
Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay thấp hơn so với giai đoạn căng thẳng thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 2028-2019. Câu chuyện tăng trưởng nội địa của Việt Nam vẫn mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi các yếu tố cụ thể, bao gồm nâng hạng thị trường chứng khoán và kết quả từ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và phát triển kinh tế tư nhân.
Tin xấu có thể lại là cơ hội tốt đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là cơ hội ở các ngành phòng thủ như hàng tiêu dùng thiết yếu, năng lượng, điện, công nghệ thông tin và các ngành liên quan đến cơ sở hạ tầng trong nước như Vật liệu xây dựng.
Thông tư 68/2024/TT-BTC ngày 18/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, có hiệu lực từ ngày 2/11/2024 cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua cổ phiếu mà không cần có đủ tiền trước (Non Pre-funding solution – NPS). Đây là một bước tiến quan trọng để thị trường chứng khoán Việt Nam đáp ứng các yêu cầu nâng hạng lên thị trường mới nổi của tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russell.
FTSE Russell có cái nhìn khả quan về việc triển khai NPS. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình thực hiện (việc mở tài khoản, hệ thống giao dịch và xử lý các giao dịch thất bại). Việc xử lý các giao dịch thất bại là yếu tố quan trọng FTSE Russell đang xem xét để quyết định nâng hạng cho Việt Nam.
Các cơ quan quản lý vẫn đang nỗ lực đạt mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi. Kế hoạch triển khai hệ thống giao dịch mới KRX vào ngày 5/5 sẽ cải thiện năng lực thực thi và cung cấp các sản phẩm mới.
Việc sửa đổi Luật Chứng khoán gần đây đã tạo tiền đề pháp lý cho mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán. Ngoài ra, dự thảo sửa đổi Nghị định 155/2020 nhằm đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài và rút ngắn thời gian giữa IPO (bán cổ phần lần đầu ra công chúng) và niêm yết cũng là những chuyển biến tích cực trong quá trình nâng hạng. SSI kỳ vọng khả năng Việt Nam được đưa vào danh sách nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9/2025.
Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhìn nhận, trong ngắn hạn, thị trường tiếp tục chịu áp lực bán giải chấp dư nợ ký quỹ. Rất nhiều mã, nhóm mã đã giảm mạnh kéo dài với mức giảm giá 40-60% từ vùng giá cao nhất. Hiện tại Việt Nam đang đàm phán thuế đối ứng. Trường hợp tốt nhất, bên cạnh các biện pháp như giảm thuế, gia tăng mua hàng nhập khẩu của Mỹ. Việt Nam có thể đàm phán loại giảm tỉ trọng xuất khẩu các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam của các công ty Mỹ như Apple, Intel, Adidas, Nike… Qua đó giảm tỷ lệ 90% chệnh lệch thương mại theo cách tính hiện nay của Mỹ, xuống còn 50% và chịu mức thuế đối ứng 25%.
SHS kỳ vọng VN-Index có thể sẽ phục hồi trong vùng giá 1.020 - 1.080 điểm. Sau khi chịu áp lực bán giải chấp đột biến trong trong vài phiên tới, nhất là với các nhóm ngành liên quan đến xuất khẩu. Công ty chứng khoán này cho rằng, nhiều mã đang trở nên rẽ tương đối so với các yếu tố nội tại của doanh nghiệp.
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) kỳ vọng, mức thuế đối ứng của Mỹ đối với Việt Nam sẽ không kéo dài, mà có thể sớm được đàm phán xuống mức thấp hơn.
Khi tin xấu ra, với nhà đầu tư nước ngoài, họ sẽ xem xét các nhóm ngành mục tiêu đang có mức định giá hấp dẫn hơn trước đó. So với định giá ở thời điểm chiến tranh thương mại năm 2018, P/E ở mức 23 - 24 lần, thì nay chỉ bằng một nửa.
“Những thông tin như thế này có thể được các nhà đầu tư tổ chức dùng để đánh giá lại vị thế của họ tại thị trường Việt Nam, có thể sẽ theo chiều hướng tốt”, ông Hưng nói.
Bên cạnh đó, ngày 9/4/2025, Mỹ áp dụng mức thuế quan mới cũng là thời điểm FTSE Russell đưa đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam liên quan đến việc nâng hạng. Triển vọng thị trường được nâng hạng sẽ hạn chế phần nào tâm lý tiêu cực từ tác động thuế quan.
Theo ông Hưng, hiện tại, nhà đầu tư trên toàn thế giới có lẽ đang tạm đặt câu chuyện tăng trưởng sang một bên và tìm đến các cổ phiếu giá trị trong khi chờ đợi các vấn đề ổn định trở lại. Giá trị ở đây liên quan định giá thấp, doanh thu ổn định bất kể kinh tế biến động.