Kỳ vọng về tuyến cao tốc kết nối Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tp. Hồ Chí Minh

20:41' - 25/05/2024
BNEWS Chiều 25/5, thảo luận tại tổ, các đại biểu đã cho ý kiến về Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Theo quy hoạch, đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây. Đây là trục giao thông quan trọng, kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam bộ, vùng Tây Nam bộ và Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian phát triển mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên.

Cho ý kiến về Chủ trương đầu tư Dự án, đa số ý kiến thống nhất với sự cần thiết đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương, tạo tính kết nối Đông Nam bộ và Tây Nguyên, tạo sự lan tỏa, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Đầu tư dự án cũng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch liên quan. Các ý kiến phát biểu cũng cơ bản đồng tình với phạm vi đầu tư và hướng tuyến của Dự án, quy mô đầu tư và phương thức đầu tư.

 

Các đại biểu cũng quan tâm đến phương thức đầu tư, bởi theo Tờ trình, Chính phủ kiến nghị đầu tư Dự án theo phương thức đối tác công tư. Dự kiến vốn do nhà đầu tư thu xếp chiếm khoảng 50% tổng mức đầu tư dự án, nhưng đại biểu nêu thực tế triển khai các dự án thời gian qua cho thấy, việc thu hút các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng tham gia đầu tư các dự án gặp nhiều khó khăn. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung các cơ sở để bảo đảm tính khả thi cho Dự án, tránh trường hợp phải chuyển đổi sang hình thức đầu tư công.

Trao đổi với các đại biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng (đại biểu Quốc hội đoàn Điện Biên) cho biết, đồng bào Tây Nguyên hết sức chờ đợi dự án này. Dự án nếu thành hiện thực thì đây là tuyến đường đẹp và chắc chắn có hiệu quả lớn trong kết nối Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Thành phố Hồ Chí Minh.

Về phía Bộ Giao thông Vận tải cũng rất mừng, được Quốc hội và Chính phủ quan tâm dành 50% kinh phí thực hiện dự án, phần còn lại kêu gọi doanh nghiệp. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng khẳng định “không lo lắng trong việc thu hút nhà đầu tư” với dự án này. Lý do đây là dự án có thời gian thu phí không quá dài (trong 18 năm), đã bảo đảm cả lãi suất ngân hàng và tỷ suất đầu tư. Thời gian này tương đối tương đồng với 3 dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông đã hoàn thành và sắp thu phí. Ngoài ra, việc dự án được áp dụng cơ chế về chia sẻ doanh thu cũng là điều kiện thuận lợi hơn để thu hút các nhà đầu tư tham gia. Cũng theo Bộ trưởng, các đại biểu Quốc hội có thể yên tâm về vấn đề trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc này. Bởi lẽ, Bộ đã có kinh nghiệm, pháp lý cũng đã đầy đủ và các nhà đầu tư rất quan tâm tới trạm dừng nghỉ.

Cho ý kiến về cơ chế đặc thù, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho biết, trong Tờ trình của Chính phủ trình 4 cơ chế đặc thù, trong đó có một số cơ chế được kế thừa các dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội thông qua. Về cơ bản, đại biểu Nguyễn Minh Sơn nhất trí với các kiến nghị về cơ chế, chính sách đặc biệt để triển khai cái dự án này. Đối với kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân đến hết năm 2026 đối với số vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện dự án, đại biểu Nguyễn Minh Sơn tán thành với đề xuất của Chính phủ, nhằm bảo đảm dự án được triển khai liên tục. Bởi, nếu thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước, việc bố trí vốn giữa hai giai đoạn sẽ mất từ 6 đến 8 tháng, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như hoàn thành dự án theo kế hoạch.

Liên quan đến phân cấp, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho biết, thời gian qua Đắk Nông và Bình Phước chưa thực hiện các dự án hạ tầng giao thông có quy mô lớn, nên việc dự kiến phân cấp cho hai địa phương cần phải được chú ý quan tâm đến năng lực của Ban quản lý dự án của hai địa phương. Với tổng mức đầu tư lớn, đại biểu đề nghị trong công tác chỉ đạo, điều hành sắp tới, Chính phủ cần hết sức lưu ý đảm bảo năng lực của hai Ban quản lý này. Các Ban của Bộ Giao thông vận tải có nhiều kinh nghiệm có thể hỗ trợ hai Ban quản lý dự án thực hiện (nếu được Quốc hội thông qua), đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiến độ của dự án.

Về quy mô đầu tư, đại biểu Nguyễn Văn An (Thái Bình) cho biết, theo Tờ trình của Chính phủ, đoạn kết nối từ nút giao với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa có chiều dài chỉ khoảng 2 km, dự kiến đầu tư quy mô 2 làn xe. Đại biểu đề nghị nên xem xét đầu tư đoạn kết nối 2 km này mở rộng hơn theo quy mô 4 làn xe, để kết nối đồng bộ, bảo đảm an toàn giao thông.

Dự án có diện tích rừng sản xuất cần chuyển mục đích sử dụng (khoảng 46 ha) thuộc địa phận tỉnh Bình Phước. Theo Tờ trình của Chính phủ, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước đã có Nghị quyết thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án này. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Bình Phước rà soát bảo đảm việc trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

Về kiến nghị được áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án, đại biểu Nguyễn Văn An đề nghị cần xem xét cân nhắc trên cơ sở tính toán, khảo sát nhu cầu vật liệu của Dự án và khả năng đáp ứng của các khu vực khoáng sản đã được điều tra, thăm dò ở khu vực 2 tỉnh liên quan (Đắk Nông và Bình Phước).

Cho ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, dự án có số hộ dân bị ảnh hưởng khá lớn, với khoảng hơn 1.200 hộ, đại biểu Nguyễn Văn An đề nghị Chính phủ chỉ đạo 2 tỉnh liên quan đặc biệt quan tâm, có chính sách hỗ trợ, tái định cư hợp lý và đền bù thỏa đáng đối với người dân chịu ảnh hưởng để các hộ dân sớm ổn định đời sống sinh hoạt và sản xuất.

Cũng quan tâm đến phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho biết, các hộ dân thuộc diện thu hồi đất phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy đại biểu đề nghị trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, đặc biệt Chính phủ cần chỉ đạo sát sao đối với chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, tạo điều kiện cho người dân nhận thức đúng đắn về sự cần thiết cũng như ý nghĩa của dự án này.

Cùng với đó, tính toán phương án đền bù, có giải pháp phù hợp để người dân có chỗ ở ổn định, tạo sinh kế bền vững, nhằm tránh phát sinh khiếu kiện trong thời gian tới.

Cũng tại phiên thảo luận tổ chiều nay, các đại biểu cho ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục