Lãi suất giảm, dòng tiền dần quay lại thị trường chứng khoán

15:43' - 03/06/2023
BNEWS Diễn biến giao dịch trên thị trường chứng khoán tuần qua càng khẳng định quan điểm rằng dòng tiền trong nước đang dần quay trở lại thị trường chứng khoán trong bối cảnh lãi suất giảm.

*Chuyển xu hướng

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), chỉ số VN-Index đã đặt một chân qua mốc 1.080 điểm (tương ứng với đường xu hướng dài hạn MA200 - đường trung bình 200 phiên giao dịch) với thanh khoản chạm mức 18.000 tỷ đồng trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 2/6). 

Tuần tới, VN-Index có thể kiểm định lại mốc 1.080 điểm và nếu duy trì thành công trên ngưỡng này, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chuyển dịch trạng thái từ “xu hướng đi ngang trước đó” sang “xu hướng tăng điểm”. 

Do đó, nhà đầu tư cần quan sát kỹ diễn biến giao dịch của chỉ số VN-Index tuần tới để có thể khẳng định là thị trường đã thực sự bước vào sóng tăng hay chưa. Nhà đầu tư đã giải ngân thành công trong những tuần trước đó có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu, đồng thời hạn chế mua đuổi những cổ phiếu đã tăng mạnh gần đây vì việc mua vào với giá vốn cao tiềm ẩn rủi ro khi bước vào nhịp điều chỉnh kỹ thuật, ông Hinh khuyến nghị.

 

Thực tế, sau động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, một loạt các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay trong tuần qua. Xu hướng lãi suất giảm đã có tác động tích cực tới diễn biến trên thị trường chứng khoán. Cụ thể, thanh khoản thị trường tiếp tục có sự cải thiện ấn tượng với giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn tăng mạnh 27,2% so với tuần trước lên mức 18.509 tỷ đồng/phiên. 

Cùng với sự bùng nổ của thanh khoản, các chỉ số chứng khoán đã có sự bứt phá trong tuần qua. Chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 2,6% trong tuần qua và tạm thời vượt đường xu hướng dài hạn MA200 để chốt tuần tại mức 1.090,8 điểm. Đây là mức điểm cao nhất của chỉ số này kể từ đầu tháng 2/2023. 

Đà tăng tích cực cũng lan tỏa sang sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội với chỉ số HNX-Index tăng mạnh 3,9% lên  mức 226  điểm và chỉ số UPCOM-Index bật tăng 4,2% lên mức 84 điểm.

Điểm chưa có sự cải thiện trong tuần qua đó là động thái tiếp tục bán ròng của khối ngoại với giá trị 1.185 tỷ đồng trên sàn HOSE và 103 tỷ đồng trên sàn UPCOM, trong khi chỉ mua ròng 8 tỷ đồng trên sàn HNX.

Chuyên gia Phạm Bình Phương đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, chính yếu tố bán ròng của khối ngoại là nguyên nhân quan trọng của việc các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có diễn biến khả quan hơn nhóm bluechip (cổ phiếu của các công ty uy tín, tài chính vững vàng, giá trị vốn hoá lớn, có lịch sử thành lập - hoạt động lâu năm, minh bạch trong chi trả cổ tức cho nhà đầu tư) trong thời gian qua. 

Tuần qua, thị trường “bùng nổ” về điểm số với sự đóng góp lớn đến từ nhóm ngân hàng. Nhiều cổ phiếu sau thời gian dài tích lũy đã chứng kiến đà tăng mạnh trong tuần vừa qua như: TCB tăng 7,7%, MBB tăng 6,8%, VCB tăng 3,2%,  BID tăng 3%.

Ngành chứng khoán duy trì đà tăng ấn tượng trong bối cảnh thanh khoản thị trường hồi phục, tiêu biểu như: VND tăng 14,7%, SSI tăng 6,9%, HCM tăng 3,8%. 

Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu vốn hóa lớn như: VHM giảm 2,9%, GAS và VNM đều giảm 1,8% và VRE giảm 2,2%.

Chuyên gia Phạm Bình Phương, đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, nỗ lực chinh phục thành công kháng cự MA 200 ngày (1.080) đã giúp cải thiện xu hướng trung hạn của VN-Index, tuy nhiên VN-Index có thể sẽ có nhịp điều chỉnh để lấp Gap (khoảng trống giữa hai phiên giao dịch mà không có giao dịch nào ở giữa) tại vùng 1.077 điểm trước khi tiếp tục diễn biến tăng điểm ngắn hạn. Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn đang ở mức khả quan. 

*Chứng khoán thế giới tăng mạnh

Thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên trong bối cảnh các thị trường chứng khoán thế giới cũng tăng mạnh trong tuần qua.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ đi lên trong phiên giao dịch cuối tuần, khép lại tuần qua với mức tăng mạnh, sau khi số liệu việc làm vượt dự kiến và Quốc hội Mỹ phê chuẩn thỏa thuận về trần nợ, ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ của cường quốc này.

Trong cả tuần, chỉ số S&P 500 tăng 1,8%, trong khi chỉ số Dow Jones và Nasdaq Composite cùng tăng 2%.

Chốt phiên 2/6, chỉ số Dow Jones tăng 2,1% lên 33.762,76 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,5% lên 4.282,37 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,1% lên 13.240,76 điểm.

Chiều 2/6, các thị trường chứng khoán châu Á đi lên trước những hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không tăng lãi suất trong tháng này.

Bên cạnh đó, thị trường cổ phiếu cũng được hưởng lợi, khi mối lo ngại về nguy cơ vỡ nợ của Mỹ đã chấm dứt sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật đình chỉ chính sách áp dụng trần nợ công. Hiện nay, nhà đầu tư đang hướng sự chú ý trở lại với nỗ lực của Fed nhằm đối phó với tình trạng lạm phát vọt lên mức cao trong nhiều thập kỷ.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 376,21 điểm (1,21%) lên 31.524,22 điểm. Công ty chứng khoán Iwai Cosmo Securities nhận định, đà tăng của các nhóm cổ phiếu lớn tại châu Âu và Mỹ (vốn được hậu thuẫn bởi việc thông qua dự luật về trần nợ của Mỹ và dấu hiệu lạm phát chậm lại) đã thúc đẩy hy vọng cho đà tăng của chứng khoán Nhật Bản.

Cùng chung xu hướng đi lên, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải tăng 25,43 điểm (0,79%) lên 3.230,07 điểm, còn chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong tăng 733,03 điểm (4,02%) lên 18.949,94 điểm. Trước đó, chứng khoán Hong Kong có một thời gian dài thua lỗ giữa những lo ngại về đà phục hồi kinh tế chậm chạp của Trung Quốc./. 

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục