Lãi suất trong năm 2018 liệu có cơ hội giảm?

09:16' - 31/12/2017
BNEWS Mục tiêu hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp dường như vẫn chưa thực hiện được.
Mục tiêu hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp dường như vẫn chưa thực hiện được. Ảnh minh họa: TTXVN

Phấn đấu giảm lãi suất cho vay là một trong những chỉ đạo xuyên suốt năm 2017 của người đứng đầu Chính phủ đối với toàn ngành ngân hàng.

Nhưng tới giờ thì mục tiêu hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp dường như vẫn chưa thực hiện được.
Ngay trong Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng diễn ra hồi đầu tháng 1/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị: “Ngành ngân hàng phải quyết liệt tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp".
Yêu cầu này tiếp tục được Thủ tướng đưa ra tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2017 sau khi các số liệu thống kê từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động trong quý 1/2017 có xu hướng tăng nhẹ kể từ tháng 3.
Cụ thể, tại các kỳ hạn ngắn, lãi suất huy động được một số ngân hàng tăng thêm từ 0,1-0,5%. Đáng chú ý, các ngân hàng thương mại tăng phát hành giấy tờ có giá khiến lãi suất ở các kỳ hạn dài (5 năm, 7 năm) lên mức cao 9,2%. Trong khi đó có một số ngân hàng lại giảm nhẹ lãi suất huy động.
Theo nhận định của Ủy ban này, hiện tượng trên chủ yếu mang tính cục bộ và tính mùa vụ (tương tự trong quý I/2016). Cụ thể, thanh khoản của toàn hệ thống mặc dù kém dồi dào hơn do tăng trưởng tín dụng nhanh hơn huy động, song thanh khoản của hệ thống vẫn ở mức an toàn.
Ngoài ra, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, động thái tăng lãi suất trên chủ yếu do các ngân hàng nhỏ chủ động cơ cấu lại nguồn vốn chuẩn bị từ đầu năm và cơ cấu lại nguồn vốn trung và dài hạn phù hợp với quy định của Thông tư 06.
Phải tới tháng 7/2017, động thái giảm lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới được ghi nhận. Đây là lần đầu tiên trong hơn 2 năm, NHNN điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, lãi suất điều hành.
Theo đó, từ ngày 10/7, giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành gồm: giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,5%/năm xuống 6,25%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với ngân hàng từ 7,5%/năm xuống 7,25%/năm.
Về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 7%/năm xuống 6,5%; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 8%/năm xuống 7,5%/năm.
"Động thái này nhằm phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp", ông Nguyễn Đức Long – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, NHNN khẳng định.
Theo ông Nguyễn Đức Long, trong 6 tháng đầu năm, việc điều hành để giữ ổn định mặt bằng lãi suất gặp khó khăn trong bối cảnh lạm phát cuối năm 2016, đầu năm 2017 ở mức cao, tín dụng tăng nhanh ngay từ đầu năm, trái phiếu Chính phủ tiếp tục phát hành với khối lượng lớn, kỳ hạn dài hơn, Fed tăng lãi suất 2 lần.
Trước diễn biến thực tế có thời điểm một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động chủ yếu là kỳ hạn trên 12 tháng, NHNN đã tập trung điều tiết thanh khoản hệ thống hợp lý để hỗ trợ các tổ chức tín dụng ổn định lãi suất.

Đồng thời triển khai họp với các ngân hàng có thị phần lớn để nắm tình hình và yêu cầu các ngân hàng thực hiện đồng bộ các giải pháp giữ ổn định mặt bằng lãi suất, ông Long cho hay.
Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là động thái hạ lãi suất này của NHNN có ý nghĩa quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời giúp hạ chi phí của các tổ chức tín dụng và góp phần gián tiếp hạ lãi suất cho vay trên thị trường.
Tuy nhiên, từ đó tới nay, mục tiêu hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp dường như vẫn chưa thực hiện được.

Mặt bằng lãi suất hiện vẫn ở mức cao đối với cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay, Chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Đặc biệt trong những tháng cuối năm 2017, khi nhu cầu vốn tăng cao, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại liên tiếp được điều chỉnh tăng ở hầu hết các kỳ hạn.

Trong đó các kỳ hạn dưới 6 tháng (tính đến ngày 18/12/2017) hầu như đã chạm trần 5,5%/năm.
Trong đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) hiện có bảng lãi suất gần như cao nhất thị trường, với mức lãi suất thấp nhất từ 5,3%/năm và cao nhất lên tới 7,5%/năm, cao hơn các ngân hàng khác từ 0,2 - 0,4%/năm tùy từng kỳ hạn.
Trước đó, hai “ông lớn” là BIDV – Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam và VietinBank – Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đã đồng loạt tăng lãi suất thêm từ 0,3-0,5%/năm ở hầu hết các kỳ hạn.

Tuy nhiên, chỉ sau vài tuần, lãi suất của hai ngân hàng này lại được điều chỉnh giảm về mức cũ.
Lí giải điều này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, nhu cầu vốn của các ngân hàng biến động khôn lường nên tăng hay giảm lãi suất để cân đối nguồn vốn tùy theo từng thời điểm.

Thậm chí dù không có nhu cầu cao về vốn nhưng đồng loạt các ngân hàng nâng lãi suất cũng sẽ gây áp lực khiến các ngân hàng khác tăng theo. Và đến khi “no đủ” rồi lãi suất sẽ hạ.
Theo ông Hiếu, mục tiêu hạ lãi suất xuống mức thấp chưa thực hiện được trong năm qua có thể xuất phát từ chính nhu cầu tín dụng cao của nền kinh tế kéo theo các ngân hàng phải huy động vốn để đáp ứng nhu cầu này.

Và đẩy lãi suất lên cao chính là một trong những cách huy động vốn hiệu quả nhất.
Nhìn lại một năm qua, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định NHNN đã thực hiện hết sức linh hoạt chính sách tiền tệ. Đồng thời, cũng phải ghi nhận sự thành công của NHNN trong việc giữ ổn định nền kinh tế thông qua việc giữ tỷ lệ lạm phát ở mức thấp (khoảng 4%).

Các thị trường đô la, vàng, tỷ giá, chứng khoán, bất động sản không những được giữ ổn định mà còn tăng trưởng khả quan. Điều này góp phần rất quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay.
Giải đáp câu hỏi “Lãi suất trong năm 2018 liệu có cơ hội giảm?”, TS. Nguyễn Tú Anh, chuyên gia kinh tế nhận định lãi suất năm tới sẽ không tăng còn giảm được hay không thì còn cần đánh giá nhiều yếu tố.
Theo ông Tú Anh, khả năng giảm lãi suất sẽ rất khó vì các ngân hàng còn phải cạnh tranh nhau, mà lãi suất huy động không giảm được sẽ dẫn đến lãi suất cho vay cũng không giảm.
Tuy vậy, vẫn còn một vài yếu tố có thể hi vọng: Thứ nhất, nếu xử lý nợ xấu tốt, các ngân hàng sẽ có một nguồn lực dồi dào tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Thứ hai, hiệu quả của tín dụng đang có xu hướng tăng lên giúp giảm áp lực lên lãi suất.

Thứ ba, lãi suất không hẳn là yếu tố quan trọng nhất khi gửi tiền, mà các ngân hàng tốt mới là nơi khách hàng “chọn mặt gửi vàng”.
Trong khi các ngân hàng nhỏ phải tăng lãi suất để cạnh tranh thì các ngân hàng tốt có khả năng huy động với lãi suất thấp hơn mặt bằng chung từ đó sẽ gây sức ép lên các ngân hàng, làm giảm mặt bằng lãi suất chung.
Lạc quan hơn về tình hình lãi suất trong năm tới, TS. Nguyễn Trí Hiếu dự báo có thể đến đầu năm 2018 lãi suất sẽ hạ sau khi cơn sốt về tín dụng năm 2017 qua đi, các ngân hàng không còn chịu áp lực tăng tín dụng một cách mạnh mẽ nữa, dẫn tới hạ nhiệt lãi suất huy động tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay. Như vậy, lãi suất cho vay có thể khả quan hơn cho các doanh nghiệp trong năm 2018./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục