Lâm Đồng ứng dụng công nghệ số trong tất cả các kênh tiêu thụ nông sản

12:25' - 13/07/2021
BNEWS Tỉnh Lâm Đồng bắt đầu triển khai Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030”.

Mục tiêu của Đề án đặt ra nhằm hướng đến một ngành nông nghiệp phát triển toàn diện, ứng dụng khoa học kỹ thuật; tạo lập và duy trì các liên kết bền vững giữa các chủ thể tham gia kênh sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản; hình thành và phát triển các doanh nghiệp hoạt động liên kết bền vững, dẫn dắt, định hướng sản xuất và tiêu thụ nông sản theo yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước tại các địa bàn sản xuất nông sản.

Cụ thể theo Quyết định 1748/QĐ-UBND ngày 8/7/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án trên.

Trong đó, những nội dung trọng tâm được triển khai như cung cấp thông tin cung- cầu nông sản như thời vụ, sản lượng, chất lượng, chủng loại; thông tin tình hình sản xuất, giá cả, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng đặc trưng của tỉnh như rau, hoa, cà phê, chè, mắc ca, điều, lúa gạo, trái cây, dược liệu, dâu tằm, sữa bò…ở thị trường trong nước và quốc tế cho doanh nghiệp và các hộ sản xuất kinh doanh.

Trong nội dung tổ chức các kênh tiêu thụ nông sản theo chuỗi liên kết bền vững: giai đoạn 2021- 2025 sẽ xây dựng 3 kênh tiêu thụ nông sản với các chủ thể chính là doanh nghiệp - hợp tác xã chế biến bảo quản; 2 dự án kênh tiêu thụ sản phẩm với chủ thể chính là doanh nghiệp - hợp tác xã kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại; 1 dự án xây dựng kho dự trữ nông sản có sự tham gia của các doanh nghiệp phân phối.

Giai đoạn 2026- 2030 tổ chức thực hiện dự án truy xuất nguồn gốc nông sản ứng dụng công nghệ số trong tất cả các kênh tiêu thụ nông sản được xây dựng trên địa bàn…

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, tỉnh Lâm Đồng đặt ra các giải pháp gồm rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân và nông thôn; xây dựng cơ chế ràng buộc, gắn kết giữa các chủ thể chính trong kênh tiêu thụ nông sản; thiết kế các chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích các chủ thể liên kết hữu cơ với nhau từ khâu cung ứng vật tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Từ nhiều năm nay, tỉnh Lâm Đồng có những sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng trong nước và thế giới, đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm như Rau - hoa Đà Lạt, Sầu riêng Đạ Huoai, Rượu vang Đà Lạt, mứt trái cây Đà Lạt, gạo nếp quýt Đạ Tẻh, Cà phê Cầu Đất, dược liệu Atiso Đà Lạt…

Đặc biệt, sản phẩm lụa tơ tằm Bảo Lộc đã đưa thành phố này trở thành thủ phủ của ngành dâu tằm tơ Việt Nam từ hàng chục năm qua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục