Làm gì để hạn chế người dân tìm đến tín dụng đen?

08:20' - 04/01/2019
BNEWS "Cơn bão" tín dụng đen vẫn đang âm thầm len lỏi ở các làng quê. Dù đã có nhiều cảnh báo và ngành ngân hàng luôn quyết liệt vào cuộc nhưng câu chuyện này vẫn chưa có hồi kết.

Chiếm khoảng 50% tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã và đang có những chiến lược cụ thể nhằm đẩy lùi tình trạng này.

Khách hàng giao dịch tại Agribank. Ảnh: Hương Phạm/BNEWS/TTXVN

Lãnh đạo Agribank cho biết, ngân hàng xác định không đứng ngoài cuộc trước hiện tượng tín dụng đen có xu hướng gia tăng và hoành hành ở một số làng quê. Thể hiện nỗ lực cùng Chính phủ và ngành ngân hàng hạn chế tín dụng đen, Agribank tích cực phối hợp chặt chẽ với cấp Ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên… thông qua hình thức cho vay qua tổ nhóm để chuyển tải nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của người dân.
Với 55.000 tổ vay vốn, gần 1,4 triệu khách hàng, dư nợ đạt trên 110 nghìn tỷ đồng tại tất cả các tỉnh thành trong cả nước, Agribank đã triển khai mô hình điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dụng nhằm đưa ngân hàng lưu động đến tận vùng sâu, vùng xa. Đây đang được xem là một kênh dẫn vốn hiệu quả của Agribank với chi phí thấp, giảm thời gian đi lại, đồng thời phát triển thêm công cụ đầu tư để giảm bớt tín dụng đen, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Thí điểm hoạt động từ cuối năm 2017 và chính thức triển khai từ tháng 1/2018, Đề án điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng của Agribank đã triển khai thành công giai đoạn I với 68 xe, thực hiện trên 2.000 phiên giao dịch, phục vụ gần 300 nghìn khách hàng trên địa bàn 300 xã, tại 68 huyện thuộc 60 tỉnh, thành phố. Trong thời gian tới, Agribank định hướng tiếp tục triển khai Điểm giao dịch lưu động đến 50% số xã, huyện trên toàn quốc nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
"Chúng tôi đang nỗ lực đưa vốn đến những buôn làng xa xôi nhất bằng việc mở các phòng giao dịch hoặc xe cho vay lưu động. Nếu trước đây, người dân cần vay vốn phải tìm đến ngân hàng thì nay, chính ngân hàng đang mang vốn đến hỗ trợ từng người dân sản xuất - kinh doanh" , ông Nguyễn Dự, Giám đốc Agribank Gia Lai, cho biết.
Có thể nói, việc hình thành các tổ vay vốn và đưa dịch vụ ngân hàng thông qua điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng nhằm giúp người dân tiếp cận vốn vay và các dịch vụ ngân hàng là một cách làm sáng tạo của Agribank.
Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Toàn Vượng cho biết, năm 2019 Agribank sẽ xem xét bố trí nguồn vốn khoảng 10 nghìn tỷ đồng để cho vay mục đích tiêu dùng hợp pháp; trong đó, có các nhu cầu vốn cấp bách trong thời gian ngắn với thủ tục nhanh gọn hướng tới rộng rãi đối tượng khách hàng là bà con tại khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại, công ty tài chính đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu cho vay sản xuất, tiêu dùng với độ phủ rộng, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, thị trường vẫn xảy ra hiện tượng người dân tìm đến tín dụng đen. Nguyên nhân là quy định pháp luật hình sự, hành chính và dân sự liên quan đến hoạt động này chưa rõ ràng và nghiêm khắc. Mặt khác, tín dụng đen là hoạt động ngầm nên việc quản lý và nắm bắt thông tin gặp nhiều khó khăn, nhiều vụ việc chỉ khi đổ bể mới được phát hiện.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy nhiều năm qua, cơ quan này đã phối hợp với cơ quan chức năng xử lý 218 vụ việc liên quan đến tín dụng đen tại 16 tỉnh, thành với tổng số khoảng 117 tỷ đồng. Cụ thể, đã xử lý 72 vụ việc, khởi tố 14 vụ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ.
Để tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với nhiều ưu đãi như: nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm lên gấp 2 lần so với mức cho vay hiện hành đối với một số đối tượng khách hàng cá nhân, hộ gia đình, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, chính sách xử lý rủi ro đối với khách hàng gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng.
Nghị định 116/2018/NĐ-CP ra đời song hành cùng các giải pháp về tín dụng ngân hàng đã đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt nâng cao tiếp cận vốn của người nghèo, người có thu nhập thấp ở khu vực nông thôn, góp phần hạn chế việc người dân tìm đến các nguồn vốn không chính thức khác./.
Xem thêm:

>>Thanh Hóa truy quét hoạt động tín dụng đen

>>Người dân cần “tỉnh táo” trước bẫy tín dụng đen

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục