Làm gì để mô hình du lịch nông nghiệp hút khách?

09:04' - 01/07/2023
BNEWS Du lịch nông nghiệp đóng góp ngày càng nhiều vào phát triển kinh tế các xã nông thôn mới như tạo ra cơ hội việc làm, đẩy mạnh sản xuất và bán các sản phẩm địa phương...

Du lịch nông nghiệp đóng góp ngày càng nhiều vào phát triển kinh tế các xã nông thôn mới như tạo ra cơ hội việc làm, đẩy mạnh sản xuất và bán các sản phẩm địa phương, cung cấp các dịch vụ du lịch… Trên thực tế, nhiều mô hình du lịch nông nghiệp đã trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách, qua đó góp phần phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo làng quê theo hướng hiện đại.

 

Ngày 22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, bên cạnh 11 nội dung thành phần, có thêm 6 chương trình chuyên đề chuyên sâu. Đặc biệt, lần đầu tiên đưa du lịch nông thôn trở thành một chương trình để chỉ đạo thực hiện đồng bộ, mang tính hệ thống trên địa bàn cả nước gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây được xem là những định hướng cụ thể để các địa phương xây dựng kế hoạch đánh thức tiềm năng du lịch canh nông tại địa phương.

Hiện nhiều địa phương trong cả nước đã xây dựng và triển khai các chương trình bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề. Các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao gắn với du lịch cộng đồng đang thành công không chỉ thu hút khách du lịch mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Theo thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động. Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong khâu quy hoạch, định hướng phát triển, tiêu chí đánh giá chất lượng và năng lực quản lý.

Đi đầu trong phát triển du lịch canh nông là thành phố Hà Nội với việc xây dựng và quy hoạch phát triển 17 làng nghề gắn với du lịch. Tỉnh Phú Thọ triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 4-6 điểm du lịch nông thôn được công nhận, gắn với lợi thế về nông nghiệp, làng nghề.

Tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với làng nghề. Tỉnh Bình Định xây dựng đề án thí điểm phát triển du lịch tại các làng nghề giai đoạn 2020-2025… Đây là những tiềm năng để các địa phương phát triển du lịch.

Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, lưu giữ nhiều di sản văn hóa phong phú gắn với đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam, đến Phú Thọ phần lớn du khách cho rằng nơi đây xứng đáng là điểm đến du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, nông thôn.

Phú Thọ có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên khá phong phú và hấp dẫn; trong đó, phải kể đến: Vườn Quốc gia Xuân Sơn, khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy; đầm Ao Châu, đầm Vân Hội, Ao giời- Suối Tiên, thác Cự Thắng, đồi chè Long Cốc… Phú Thọ còn được biết đến là tỉnh tập trung nhiều làng nghề truyền thống hình thành từ lâu đời với những sản phẩm có tính độc đáo, chứa đựng hồn cốt của dân tộc và sắc màu văn hóa đặc trưng của mỗi địa phương.

Ông Dương Nhị Hà - Trưởng Phòng Phát triển tài nguyên du lịch, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết, các sản phẩm làng nghề gắn với tuyến du lịch tại 4 trung tâm du lịch trọng điểm đang được quan tâm đầu tư khai thác. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn vẫn chưa phát triển, chưa tương xứng với tiềm năng nguồn tài nguyên du lịch làng nghề, sản phẩm nông nghiệp, sản vật địa phương, chưa gắn kết được các thương hiệu sản phẩm OCOP (Mỗi địa phương một sản phẩm).

Để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 đến năm 2025, với mục tiêu chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; phấn đấu có ít nhất 4-6 điểm du lịch nông thôn được công nhận, gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của tỉnh.

Nhằm phát huy thế mạnh của từng địa phương gắn với tăng cường quản lý du lịch nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành rà soát quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực, đồng thời nâng cao vai trò quản lý ở địa phương, nâng cao năng lực các chủ thể làm du lịch nông nghiệp và đề xuất các giải pháp phù hợp cần triển khai trong thời gian tới.

Bà Vi Thanh Hoài, Phó Cục trưởng Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, muốn tạo lập thành công mô hình làng du lịch phải có sự xem xét, rà soát các chính sách, hệ thống văn bản quản lý và có sự điều chỉnh đồng bộ thì mới thành công. Đây là mấu chốt và muốn giải quyết vấn đề cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan. 

Trên thực tế, trong khi chờ sự điều chỉnh của chính sách và sự hợp tác nói trên đi vào thực tiễn, mô hình du lịch nông nghiệp hiện đã được các địa phương dành nhiều quan tâm, tạo cơ chế linh hoạt để phát triển.

Do vậy, việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực nhằm hướng tới mục tiêu tạo sự ổn định về an sinh xã hội, xây dựng cam kết cơ chế hợp tác chung có trách nhiệm về kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường… giữa từng người dân trong khu du lịch với du khách đã được xây dựng và thực hiện nghiêm túc. Việc này đã và đang từng bước khẳng định, du lịch nông nghiệp chính là một trong những mũi đột phá quan trọng của kinh tế nông thôn.

Ngành nông nghiệp đang hướng đến đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, khai thác triệt để thế mạnh, sự đặc sắc riêng vùng miền tại các làng du lịch (văn hóa bản địa, đặc sắc làng nghề, sản phẩm OCOP) nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục