Làm gì để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam

15:17' - 10/03/2018
BNEWS Hiện Việt Nam vẫn còn nhiều “điểm nghẽn" trong hiện thực hoá mục tiêu giảm tổn thất sau thu hoạch để sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có thể tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.
Làm gì để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp cho rằng, mục tiêu giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ khó đạt được nếu như không đưa công nghệ bảo quản vào trong chuỗi giá trị nông sản. Tuy nhiên, để thực hiện được yêu cầu này, nhiều “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ bằng một gói giải pháp tổng thể, đồng bộ và cần phải được ưu tiên triển khai để sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có thể tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.

Nhiều lực cản

Mục tiêu đến năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổn thất sau thu hoạch đối với lúa gạo giảm từ 10% xuống còn 5 - 6%; thủy sản, rau quả xuống dưới 10% so với 20% hiện nay... Theo tiến sĩ Đào Thế Anh, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đã được cụ thể hóa bằng Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2013, nhưng cho đến nay vẫn chưa có biện pháp nào hiệu quả.

“Mục tiêu như vậy là rất thách thức nếu như không có các giải pháp để áp dụng các công nghệ sau thu hoạch. Chúng ta cần có những hành động chính sách cụ thể hơn để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này”, tiến sĩ Đào Thế Anh khẳng định.

Theo tiến sĩ Đào Thế Anh, thời gian qua Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang nỗ lực thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhưng kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn. Bởi việc hình thành cánh đồng mẫu lớn, liên kết nông dân – doanh nghiệp vào chuỗi sản xuất hàng hoá nông sản, phát triển hợp tác xã kiểu mới vẫn còn nhiều hạn chế.

Đến nay tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của ngành nông nghiệp vẫn đang diễn ra khá phổ biến và theo các chuyên gia kinh tế nông nghiệp khi người nông dân sở hữu ít diện tích canh tác nên việc thu gom, trung chuyển ra thị trường và các trung tâm sản xuất lớn đều do các thương lái thực hiện.

Chính vì vậy, kéo theo đó là không chỉ xuất hiện hàng loạt những doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực logistics có quy mô nhỏ, lẻ hoạt động rời rạc, thiếu trang bị những trang thiết bị cơ sở vật chất, thiếu công nghệ dẫn đến tổn thất về cả lượng và chất mà còn tạo ra một “hàng rào vô hình” cô lập người sản xuất với thị trường, càng chịu sự phụ thuộc vào thương lái.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), dẫn chứng các doanh nghiệp trong ngành có quy mô về vốn lớn từ 50 tỷ đồng trở lên còn rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 4,68% trên tổng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Số lượng doanh nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất qua các năm chủ yếu là các doanh nghiệp có số vốn tương đối nhỏ từ 1 đến dưới 5 tỷ đồng. Thậm chí, một số doanh nghiệp chỉ có số vốn dưới 500 triệu đồng.

Không chỉ vậy, sự manh mún trong hệ thống logistics còn được thấy rõ từ việc các doanh nghiệp là công ty xuất nhập khẩu, nhà máy, thương nhân, các công ty sản xuất nông sản tự đầu tư xe, kho thay vì hợp tác những đơn vị logistics chuyên nghiệp đầu tư phương tiện vận chuyển nông sản chuyên dụng, kho bảo quản lạnh để giảm thiểu tổn thất, giảm chất lượng, giá trị của hàng hoá nông sản.

Theo đại diện các doanh nghiệp logistics có đầu tư bài bản, đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn về vận chuyển, bảo quản nông sản, các doanh nghiệp logistics nhỏ lẻ nói trên thường đưa ra giá thành vận tải thấp nhưng lại thiếu những tiêu chí kiểm soát chất lượng nên sản phẩm nông sản tổn thất cao hơn do hư hỏng, nhiễm bẩn... Đồng thời, chính bản thân những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông sản cũng đặt “yếu tố giá cả lên trên chất lượng” nên khiến cho những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải lạnh gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Lương Quang Thi, Giám đốc Công ty ABA Cooltrans, một doanh nghiệp hoạt động trong ngành vận tải lạnh và kho lạnh cho rằng, hiện nay rất khó khăn trong việc thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ.

“Thực sự đến nay những khách hàng là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông sản vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng về chuỗi cung ứng logistics lạnh. Nhằm giảm chi phí, họ chấp nhận vận chuyển nông sản bằng xe thường. Do vậy, để tồn tại những doanh nghiệp như chúng tôi phải tính giá thành vận chuyển xe lạnh gần như tiệm cận với loại xe khô bình thường, mặc dù việc đầu tư xe lạnh cao gấp 3 lần. Đề làm được việc đó, cách duy nhất là chúng tôi phải kéo dài thời gian khấu hao của phương tiện”, ông Thi chia sẻ.

Ở góc độ khác, tại những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung, có sự liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp theo chuỗi giá trị cũng chưa đầu tư áp dụng công nghệ bảo quản ngay khi sau thu hoạch đã khiến cho chất lượng, giá trị nông sản của Việt Nam bị giảm sút.

Tiến sĩ Đào Thế Anh khẳng định đã từng nghe một số doanh nghiệp sản xuất nông sản lý giải rất ngại đầu tư hệ thống kho trữ lạnh sau thu hoạch vì nguyên nhân sản xuất nông nghiệp theo mùa vụ nên việc đầu tư sẽ không đạt hiệu quả; trong khi chi phí đầu tư kho lạnh khá cao và việc vận hành làm tăng giá thành sản phẩm nông sản.

Cần giải pháp tổng thể và đồng bộ

Từ thực tế cho thấy ngành nông nghiệp Việt Nam còn tồn tại những lực cản rất lớn “kìm chân” mục tiêu giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Điều này thể hiện rõ trong báo cáo logistics năm 2017 của Bộ Công Thương, tỷ lệ tổn thất trung bình trong ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm là từ 25 - 30%. Mức tổn thất đối với sản phẩm thủy hải sản là 35% còn đối với trái cây và rau quả tùy theo phương thức chế biến và vận chuyển mức độ tổn thất có thể lên đến 45%.

Người tiêu dùng mua sắm trái cây đặc sản tại LOTTE Mart, TPHCM. Ảnh: Mỹ Phương-TTXVN

Hay có thể dẫn chứng cụ thể hơn ở lĩnh vực rau quả, được xem là một “điểm sáng” của nông sản Việt trong năm 2017, có đến khoảng 70% sản lượng xuất khẩu đi Trung Quốc dưới dạng thô, tươi nhưng những thị trường lớn khác như Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, EU… thì số lượng hạn chế vì chỉ từ một lý do duy nhất là khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch không đáp ứng yêu cầu.

Ngay lúc này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các bộ, ngành có liên quan phải có những giải pháp thực sự đồng bộ để tháo bỏ những “rào cản” nói trên.

Về góc độ tổng quan, theo tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc - Trung tâm Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp Nông thôn miền Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ đang tập trung định hướng phát triển ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm dựa trên nguyên tắc lựa chọn dựa trên quy mô giá trị của ngành hàng; lấy doanh nghiệp làm hạt nhân liên kết với các chủ thể kinh tế trong vùng sản xuất tập trung có quy mô phù hợp; liên kết chặt chẽ chuỗi đầu vào – sản xuất – chế biến – phân phối; ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo năng lực cạnh tranh theo yêu cầu của thị trường ở tất cả các công đoạn.

Theo các chuyên gia, đã có rất nhiều doanh nghiệp logistics nước ngoài có tiềm lực đã đầu tư hệ thống vận tải lạnh, kho lạnh bằng việc áp dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay về phía Bộ Nông nghiệp chưa có nghiên cứu nào về việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến này trong bảo quản, vận chuyển phù hợp với điều kiện nông sản Việt Nam. Do vậy, các doanh nghiệp nên đồng hành cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải thúc đẩy hợp tác thông tin, từ đó nghiên cứu kĩ thuật áp dụng cho phù hợp.

Song song đó, Bộ Nông nghiệp cần xây dựng một chiến lược để định vị rõ nhu cầu sản xuất, hiện trạng phát triển logistics để từ đó quy hoạch các vùng hậu cần logistics lạnh ở vùng sản xuất nào, cảng nào… phù hợp với quy mô. Từ đó bằng những chính sách thu hút đầu tư, sẽ dễ dàng hút dịch vụ logistics trong lĩnh vực bảo quản nông sản.

Bước tiếp theo là ngay tại vùng sản xuất tập trung, đặc biệt nơi đã hình thành mô hình hợp tác xã kiểu mới phải cần phải tháo gỡ chính sách tín dụng để các hợp tác xã này xây dựng được kho bảo quản lạnh cỡ nhỏ sau thu hoạch nông sản. Cần lưu ý, hợp tác xã được xem như là một doanh nghiệp để từ đó áp dụng chính sách tín dụng cho mô hình này và đây cũng xem là một tiền đề quan trong để phát triển ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo năng lực cạnh tranh theo yêu cầu của thị trường ở công đoạn đầu tiên trong toàn bộ chuỗi giá trị nông sản.

Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu nông sản cần phải xem xét tháo gỡ những khó khăn, đặc biệt là chính sách tín dụng để có thể đầu tư các hệ thống kho lạnh bảo quản nông sản. Tuy nhiên, vấn đề này còn phải cần một “lực đẩy” quan trọng chính là từ nhu cầu của người tiêu dùng.

Do vậy, giảm tổn thất về lượng và chất của hàng hoá nông sản không chỉ nhắm đến các thị trường quốc tế mà còn phải ngay từ thị trường trong nước. Việc thay đổi tư duy của người tiêu dùng lựa chọn những sản phẩm nông sản nông nghiệp vẫn tiếp tục “sống, thở” sau khi thu hoạch sẽ là “liều thuốc” mạnh mẽ để các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản trong nước thay đổi, lựa chọn cung ứng sản phẩm có giá rẻ hay chất lượng.

Ngoài ra, Nhà nước cần khuyến khích, hỗ trợ để các bên sản xuất, phân phối nông sản phải hợp tác chặt chẽ các chuỗi tiêu thụ như: nhà hàng, siêu thị… với những giao kết lựa chọn dịch vụ logistics nông sản chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chí kiểm soát chất lượng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng nhận thức rõ hơn về vấn đề này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục