Làm gì để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh?

13:12' - 02/11/2018
BNEWS Chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam đã có bước tiến đáng kể tại Báo cáo Doing Business 2019. Cụ thể đánh giá đạt 84,82/100 điểm, đứng thứ 104, tăng 2,6 điểm và vươn lên 19 bậc so với năm 2017.

Hội thảo “Môi trường kinh doanh ở Việt Nam: nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 19”. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Sáng 2/11, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo “Môi trường kinh doanh ở Việt Nam: nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 19” nhằm tổng kết, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết.

Trong 5 năm liên tiếp từ năm 2014 - 2018, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 19 (Nghị quyết 19) về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Viện trưởng CIEM, ông Nguyễn Đình Cung cho biết, việc ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP thường niên kể từ năm 2014 đến nay là một minh chứng rõ ràng thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, có nhiều nội dung đặt ra nhưng vẫn chưa được cải thiện. Đây là thời điểm 5 năm, Việt Nam cần xem xét và đánh giá lại những kết quả đạt được và những gì chưa đạt được để có những cách thức đổi mới trong triển khai Nghị quyết trong năm 2019.

Theo đánh giá của CIEM, trong giai đoạn 2014-2018, với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương và sự hợp tác chặt chẽ từ khu vực tư nhân trong việc thực hiện các Nghị quyết 19, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đánh giá về những kết quả đạt được, bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam đã có bước tiến đáng kể tại Báo cáo Doing Business 2019. Cụ thể đánh giá đạt 84,82/100 điểm, đứng thứ 104, tăng 2,6 điểm và vươn lên 19 bậc so với năm 2017.

Nổi bật, trong số 3 cải cách về môi trường kinh doanh của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới ghi nhận trong năm 2018, có 2 cải cách thuộc chỉ số khởi sự kinh doanh trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đó là: cho phép đăng công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử và giảm lệ phí đăng ký doanh nghiệp.

Theo Ngân hàng Thế giới, quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam hiện nay bao gồm 8 bước, được thực hiện trong 17 ngày; trong khi trung bình khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, số bước là 6,8 bước, thực hiện trong 25,9 ngày.

Bên cạnh đánh giá tích cực của Ngân hàng Thế giới, trong năm 2018, lĩnh vực đăng ký kinh doanh cũng có sự ghi nhận từ cộng đồng trong nước. Bên cạnh đó, báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ hành chính 2018 do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính cũng đã ghi nhận đăng ký kinh doanh là lĩnh vực đứng thứ 2 về chi phí tuân thủ thấp nhất (trong số 8 lĩnh vực được đánh giá).

Mặc dù, kết quả đạt được là đáng ghi nhận, tuy nhiên, bà Trần Thị Hồng Minh cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát nguyên nhân làm tăng thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp để thời gian thực hiện thủ tục này được ghi nhận là 3 ngày làm việc theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp thay vì 5 ngày như hiện nay.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần đảm bảo chỉ đạo thực hiện đúng quy định về thời gian mua/tự in hóa đơn VAT theo quy định hiện hành. “Nếu quy định hiện hành được thực hiện nghiêm túc, thời gian hoàn thành thủ tục sẽ được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 4 ngày, giúp giảm 6 ngày trong tổng thời gian thực hiện quy trình khởi sự kinh doanh.”, bà Minh nhấn mạnh.

Bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban, Ban cải cách và Hiện đại hóa, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cũng cho rằng cần tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật về chính sách và Luật Quản lý Thuế, thực hiện thuế dựa trên rủi ro. Bà Lan Anh cũng đề xuất Bộ Tài chính sửa đổi chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ; đồng thời, mở rộng triển khai các dịch vụ thuế điện tử cho các đối tượng khác; triển khai thực hiện dịch vụ hóa đơn điện tử và hóa đơn điện tử có xác thực.

Đồng tình với quan điểm trên, theo ông Nguyễn Đình Cư, Phó Chủ tịch kiểm Tổng thư ký Hội Tư vấn thuế, cần hoàn thiện chính sách, đảm bảo đồng bộ, rõ ràng, thống nhất, hạn chế các quy định không gắn với thực tế; phát triển các phần mềm kế toán cung cấp cho doanh nghiệp; đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa…

“Về lâu dài, cần có sự đầu tư nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc về khả năng liên thông điện tử giữa thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội để đơn giản hóa, hiện đại hóa quy trình khởi sự kinh doanh. Việc liên thông điện tử này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian gia nhập thị trường mà còn là cơ sở quan trọng góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp”, bà Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục